Đà Nẵng đã chuẩn bị tốt, thậm chí có bước đi trước để thực hiện chủ trương tinh giản biên chế (TGBC) một cách khoa học. Song TGBC không có nghĩa là làm cho một số người mất việc làm mà phải giải quyết thật tốt hậu TGBC để bảo đảm an sinh xã hội. Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ nhấn mạnh điều đó trong cuộc trao đổi với Báo Đà Nẵng khi dư luận quan tâm về chủ trương của Chính phủ sẽ TGBC khoảng 100.000 công chức (CC) từ nay cho đến năm 2020.
Xây dựng vị trí việc làm, khung năng lực, đánh giá công chức theo kết quả đầu ra sẽ giúp Đà Nẵng TGBC một cách khoa học, hợp lý. Trong ảnh: Công chức Sở Nội vụ Đà Nẵng trong giờ làm việc. |
* Thưa ông, dư luận gần đây bức xúc về một bộ phận CC “cắp ô” làm việc không hiệu quả nay lại rất quan tâm chủ trương Chính phủ sẽ TGBC khoảng 100.000 người. Đà Nẵng đã sẵn sàng cho việc này chưa?
- Tôi cho rằng con số 30% CC “cắp ô” mà dư luận định lượng là không có cơ sở nhưng TGBC trong bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc “có ra, có vào” cần phải làm thường xuyên. Bởi có thời kỳ ta chưa đào tạo kịp nên phải lấy lượng bù chất, tức lấy nhiều người để làm cho xong một khối lượng việc cụ thể. Nay CC được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn, đồng thời có sự hỗ trợ của khoa học công nghệ thì cần ít người hơn để làm xong một khối lượng công việc cụ thể so với trước. Nói trong CC có một bộ phận “cắp ô” nên xem xét toàn diện. Đúng là có một bộ phận không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, không có sản phẩm kết quả làm việc, họ đến cơ quan ngồi hết 8 giờ rồi về. Nhưng cũng có những người trình độ, năng lực tốt nhưng do cách bố trí sử dụng không hợp lý, công việc ít nên họ làm hết việc mà không cần đến 8 giờ. Trong các trường hợp tôi vừa nói, nếu xem xét, đánh giá sòng phẳng một vị trí việc làm cần bao nhiêu người, tiêu chuẩn trình độ như thế nào để làm xong việc trong 8 giờ mà bố trí cho đúng thì đương nhiên sẽ có dôi dư.
Khi TGBC trở thành một chủ trương chính thức thì Đà Nẵng sẽ nghiêm túc thực hiện nhưng giản ai và làm như thế nào thì còn nhiều việc phải làm tiếp theo.
* Như vậy trước khi thực hiện chính sách TGBC cần phải làm gì, thưa ông?
- Nói một cách tổng thể, muốn thực hiện được TGBC phải giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra và phải làm đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là phải xem xét những việc gì có thể xã hội hóa được thì Nhà nước thôi ôm đồm. Thứ hai là xem xét lại chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị để giải quyết tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, một việc mà nhiều cơ quan cùng làm, tình trạng giẫm chân lẫn nhau, bao biện, làm thay... Việc sắp xếp lại tổ chức phải làm sao để tách bạch rõ ràng chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Mặt khác, nhìn nhận một cách khách quan, so với yêu cầu nhiệm vụ thì chúng ta không cần bố trí đến số lượng CC như hiện tại.
Muốn TGBC phải xác định được vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm phải tương ứng với yêu cầu tiêu chuẩn trình độ, phẩm chất. Ví dụ mỗi vị trí đó chỉ cần bố trí bao nhiêu người, trình độ như thế nào, yêu cầu kết quả đầu ra là gì. Đây chính là thước đo để TGBC những người chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà dự thảo nghị định về TGBC lần này nêu ra. Điều quan trọng nhất là phải đánh giá cho được ai làm được việc và ai không làm được việc.
"Điều quan trọng nhất là phải đánh giá cho được ai làm được việc và ai không làm được việc" Ông Đặng Công Ngữ |
* Thưa ông, mô hình đánh giá theo kết quả làm việc hằng tháng của CC của Đà Nẵng đang triển khai sẽ là một điểm mạnh để thực hiện TGBC?
- Việc thực hiện TGBC của Đà Nẵng cũng vậy, trước hết phải xem xét lại toàn bộ những công việc mà tôi đã nói, không phải nói giảm là giảm ngay được. Đối với Đà Nẵng thì trong những năm gần đây đã có những bước đi trước như chúng ta đã triển khai đổi mới đánh giá CC theo kết quả đầu ra là kết quả làm việc hằng tháng theo hướng thực chất, khách quan hơn. Năm 2014 này, thành phố tiếp tục xây dựng khung năng lực chung dành cho CC thành phố và khung năng lực chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành trên các lĩnh vực.
Đây là bộ tiêu chí yêu cầu phải đáp ứng đối với mỗi vị trí việc làm được xây dựng nhằm mục đích chuyên nghiệp hóa CC. Ví dụ, vị trí văn thư lưu trữ, tôi chỉ cần một người có trình độ trung cấp văn thư lưu trữ chứ không cần anh đại học chuyên ngành khác. Mặc dù chúng ta chưa xác định được thành phố sẽ TGBC bao nhiêu người nhưng tôi tin rằng với những cách làm của Đà Nẵng như xác định vị trí việc làm, xây dựng khung năng lực và đánh giá CC theo kết quả đầu ra, chúng ta sẽ thực hiện thành công chủ trương TGBC, đạt được mục tiêu tinh gọn bộ máy, đội ngũ CC có tính chuyên nghiệp cao, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.
* Thưa ông, chúng ta có tính đến việc giải quyết hậu TGBC?
- Lâu nay thực hiện TGBC, bên cạnh chính sách khuyến khích của Trung ương, thành phố Đà Nẵng vẫn có những chính sách hỗ trợ thêm mang tính động viên với mục đích để những người ra khỏi biên chế có điều kiện tiếp tục sinh sống bình thường. Tôi nghĩ lần này thành phố sẽ tiếp tục thực hiện chính sách này. Thực hiện TGBC không phải là làm cho một số người mất việc làm mà phải bảo đảm an sinh xã hội. Những người ra khỏi biên chế có thể sẽ được hỗ trợ tạo việc làm ở khu vực tư nhân hoặc chuyển đổi sang một ngành nghề khác. Mặt khác, cộng đồng xã hội và Nhà nước cần phải chung tay trách nhiệm lo cho họ ổn định đời sống.
SƠN TRUNG thực hiện