.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:

'Đảng chịu sự giám sát của nhân dân'

.

Nhân dịp kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đầu Xuân Giáp Ngọ 2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành cho báo chí buổi trả lời phỏng vấn những nội dung mới về xây dựng Đảng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình CCB Trương Mạnh Dũng (xã Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình CCB Trương Mạnh Dũng (xã Nhân Hòa, Mỹ Hào, Hưng Yên).

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tổng Bí thư, năm 2013 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp, trong đó tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đồng thời hiến định một nội dung rất mới và quan trọng đó là Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Xin Tổng Bí thư cho biết, Đảng sẽ làm gì để đáp ứng được sự tin tưởng và kỳ vọng này của nhân dân?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nội dung mà Hiến pháp lần này là sự cụ thể hóa, thể chế hóa, hay nói cách khác là luật pháp hóa những nội dung mà Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết của Đảng đã nói về mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân. Đảng ra đời, tồn tại và phát triển vì lợi ích của nhân dân. Nói cách khác là vì mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (CNXH), mong muốn mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Sức mạnh của Đảng là mối liên hệ máu thịt với nhân dân, cũng như sức mạnh của nhân dân là bắt nguồn từ sự lãnh đạo của Đảng, vì nhân dân mà không có sự lãnh đạo, không có sự tổ chức lại thì cũng không thể tạo sức mạnh được. Hai mặt này quan hệ rất biện chứng với nhau. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhân dân là người làm chủ thì Đảng dễ quan liêu, xa dân lắm. Vì vậy, Cương lĩnh và Hiến pháp đều đặt ra mục tiêu làm cho Đảng ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân. Vì thế mà Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Chỉ có làm được như vậy, thì Đảng ta mới thực sự xứng đáng là người lãnh đạo, người tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là người lãnh đạo xã hội, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Thực hiện Cương lĩnh, Hiến pháp, Đảng phải tự chỉnh đốn mình, tự xây dựng cho mình ngày càng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Trước mắt phải thực hiện thật tốt Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Nghị quyết đã nêu những nội dung, những phương hướng, những giải pháp rất cụ thể để làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, chống cho được suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống thói quan liêu, xa dân, hách dịch với dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PV: Trong năm qua, nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được xét xử vào những tháng cuối năm với những bản án nghiêm khắc, đúng pháp luật và nhận được sự đồng tình cao của nhân dân. Thưa Tổng Bí thư, để đáp ứng được mong mỏi của người dân và tiếp tục triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) sẽ được tiếp tục triển khai như thế nào trong năm nay?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Đúng là năm 2013, với sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự tham gia rất tích cực của cơ quan chức năng, công tác PCTN đã đạt được một số kết quả mới, có thêm một bước tiến mới, được dư luận nhân dân đồng tình, kể cả trong việc phòng và chống. Tuy nhiên, như nhiều lần tôi đã nói, nhiệm vụ đấu tranh PCTN còn lâu dài, gian khổ, phức tạp, khó khăn lắm, thực sự là một cuộc đấu tranh. Nó khó khăn, phức tạp vì xảy ra ngay trong nội bộ của chúng ta, nó đã thành lợi ích nhóm, lợi ích ràng buộc với nhau, câu kết với nhau.

Sắp tới theo chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, đặc biệt theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, chúng ta tiếp tục làm một số việc rất cụ thể. Đó là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để làm mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, răn đe, đồng thời xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, vụ án nghiêm trọng. Vừa qua chúng ta đã cố gắng một bước rồi, có hệ thống pháp luật rồi nhưng rõ ràng vẫn phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Thứ hai là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tất cả các lực lượng phải thấm nhuần sâu sắc nguy cơ về tham nhũng với một đảng cầm quyền. Nếu không làm cái này thì dẫn tới, như tôi nhiều lần nói, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Thứ ba, phát huy kinh nghiệm đã có của năm 2013, tiếp tục xử lý một số những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm. Nhất là những vụ việc, vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo để thực hiện cho kết quả. Thứ tư, tiếp tục thành lập một số đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác thanh tra, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Kể cả ở Trung ương và địa phương. Kinh nghiệm năm 2013 đây là việc làm tốt, thành lập 7 đoàn kiểm tra có tác dụng tốt, vừa đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường phối hợp, vừa răn đe, đồng thời phát hiện vụ việc tiêu cực đưa vào chỉ đạo.

Thứ năm, quan tâm hơn nữa tới công tác PCTN ở các địa phương. Năm vừa qua, Trung ương làm tương đối tốt, ở địa phương thì chưa rõ lắm. Vì vậy sẽ giao trách nhiệm cho cấp ủy đảng, đồng chí bí thư cấp ủy ở địa phương phải trực tiếp lo công việc PCTN. Thứ sáu, chúng ta phải làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan PCTN ở nước ngoài. Chúng ta là thành viên, phải theo Công ước quốc tế về PCTN, nhất là trong công tác hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ điều tra. Như vừa rồi, ví dụ như bắt lại những người bỏ trốn ra nước ngoài thì phải có sự phối hợp quốc tế. Tôi tin với những kinh nghiệm vừa qua chúng ta đã làm được và với tinh thần quyết tâm mới chắc là năm 2014 sẽ có bước tiến mới trong công tác PCTN.

PV: Thưa Tổng Bí thư, năm nay cũng là năm bắt đầu những công việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Xin Tổng Bí thư cho biết những nhiệm vụ sẽ phải thực hiện trong năm nay và trọng tâm là những vấn đề gì?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Vừa rồi, Hội nghị Trung ương 8 đã quyết định thành lập một số Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XII, dự kiến sẽ tiến hành vào quý I-2016. Như vậy, thời gian còn rất ngắn, khoảng 2 năm nữa. Hiện nay, một số tiểu ban đã khởi động và đang triển khai tích cực. Trọng tâm vẫn là công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội và công tác nhân sự cho Đại hội. Hai nội dung này rất quan trọng của một đại hội toàn quốc cũng như đại hội đảng bộ các cấp. Văn kiện thì cứ 5 năm một lần có sự bổ sung, phát triển đường lối. Lần này, Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban báo cáo kinh tế - xã hội, Tiểu ban tổng kết và sửa đổi Điều lệ Đảng đều đã bắt tay vào công việc.

Các văn kiện sẽ xác định xem 5 năm tới chúng ta bứt phá cái gì, tập trung vào làm những việc gì để tiếp tục đưa sự nghiệp đổi mới của chúng ta tiến lên bước mới. Về công tác nhân sự, chúng ta tiếp tục thực hiện quy hoạch cán bộ, tiến hành luân chuyển cán bộ, chuẩn bị đào tạo cán bộ cho nhiệm kỳ trước mắt và nhiệm kỳ tiếp theo mà trực tiếp là nhiệm kỳ 2016-2021. Trung ương cũng đang mở một số lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn; chuẩn bị nhân sự để Đại hội toàn quốc bầu ra Ban Chấp hành thật sự tiêu biểu cho toàn Đảng, ở các cấp thì có được Ban chấp hành tiêu biểu cho đảng bộ, đủ sức lãnh đạo và tổ chức nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng.

PV: Cùng với việc chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chúng ta cũng sẽ chuẩn bị tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Thưa Tổng Bí thư, việc tổng kết này sẽ có tác động như thế nào đến việc tiếp tục thực hiện đổi mới trong giai đoạn tới đây - giai đoạn mà như Tổng Bí thư vẫn thường nói phải xem xét nghiên cứu những hình thức đổi mới phù hợp với tình hình, yêu cầu mà thực tiễn đang đặt ra?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta tiến hành đổi mới toàn diện đất nước, tính mốc từ năm 1986 đến Đại hội XII của Đảng năm 2016 là tròn 30 năm. Đảng ta đã có 2 cuộc tổng kết lớn vào dịp 10 năm và dịp 20 năm đổi mới. Lần này, việc tổng kết 30 năm quan trọng ở chỗ chúng ta có một độ lùi thời gian tương đối dài để nhìn lại cả quá trình đổi mới đất nước. Tổng kết thực tiễn đất nước bằng nhận thức mới nhưng xuất phát từ thực tiễn để bổ sung cho lý luận, cho đường lối Đổi mới. Việc làm này gắn liền với việc chuẩn bị Văn kiện Đại hội lần thứ XII. Vừa qua theo quyết định của Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới đã được thành lập.

Các tiểu ban đang làm việc tích cực vì thời gian không còn nhiều. Nội dung tổng kết phải toàn diện. Vì nó là cả đường lối đổi mới chặng 30 năm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Trọng tâm tập trung vào những vấn đề mới và khó, đang vướng mắc cần phải tiếp tục tháo gỡ. Ví dụ như kinh tế thị trường định hướng XHCN, quan hệ giữa thị trường với vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, vấn đề kinh tế độc lập tự chủ với mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề tăng trưởng kinh tế với tiến bộ, công bằng xã hội. Những mối quan hệ này đều phải quan tâm giải quyết, vì chúng quan hệ biện chứng với nhau. Hay là vấn đề kinh tế nhà nước, kinh tế nhiều thành phần trong điều kiện đang ở thời kỳ quá độ phải như thế nào? Vừa rồi chúng ta thảo luận, sửa đổi Luật Đất đai thì thấy sự phức tạp về vấn đề sở hữu, về vấn đề quản lý.

Cho nên, việc tổng kết tập trung vào những vấn đề mới, vấn đề khó, đang còn vướng mắc cần tháo gỡ. Hay như nhận định tình hình bối cảnh quốc tế trong 5-10 năm tới, nhìn lại thời gian qua thế giới vận động phát triển theo chiều hướng nào. Chúng ta sẽ kế thừa kết quả tổng kết 20 năm đổi mới, tập trung vào giai đoạn 10 năm từ năm 2006 đến nay, nhất là khi chúng ta quyết định chuyển sang hội nhập ngày càng sâu hơn vào quốc tế. Ở đây phương pháp tổng kết rất quan trọng. Làm sao vừa kế thừa cái cũ, vừa phát triển cái mới thì mới là sáng tạo. Tổng kết mà chỉ nhắc lại cái cũ thì không giải quyết được vấn đề gì. Kết hợp tổng kết dài hạn với xử lý những công việc trước mắt của đất nước cho hài hòa là trọng trách của Đảng. Tôi tin là lần này, chúng ta sẽ có bước tiến mới về nhận thức lý luận và tổng kết thực tiễn.

PV: Nhân dịp Tết Giáp Ngọ 2014 và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư có thông điệp gì gửi đến toàn Đảng, toàn dân và toàn quân?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nói thông điệp thì lớn quá. Nhân dịp đón Xuân Giáp Ngọ 2014 và kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Đảng, tôi xin thân ái gửi lời thăm hỏi và lời chúc tốt đẹp nhất tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước. Tôi cũng mong và chúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta và kiều bào ta ở nước ngoài bước sang năm mới đoàn kết một lòng, tin tưởng vững chắc hơn vào Đảng, vào tương lai phát triển của đất nước để cùng nhau bước vào năm mới với một khí thế, ý chí, quyết tâm mới để xây dựng đất nước ta vươn lên tầm cao mới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Tổng Bí thư!

Theo QĐND

;
.
.
.
.
.