Chiều 18-2, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo. Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm thành phố Trần Đình Quỳnh, chủ trì điểm cầu của thành phố Đà Nẵng.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm. Ảnh: TTXVN |
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), thời điểm hiện nay, trên phạm vi 11 tỉnh (Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Cà Mau, Tây Ninh, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu) xảy ra dịch cúm gia cầm chủng virus H5N1, với 24 ổ dịch và trên 30.000 con gia cầm nhiễm bệnh đã tiêu hủy. Đặc biệt nghiêm trọng, các tỉnh Trung Quốc sát biên giới Việt Nam đã xảy ra dịch cúm gia cầm, chủng virus cúm A/H7N9 rất nguy hiểm.
Từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 190 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 19 ca đã tử vong. Nguy cơ dịch cúm này xâm nhập vào Việt Nam rất cao do tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm từ bên kia biên giới vào sâu trong nội địa nước ta diễn ra hết sức phức tạp. Trong khi đó, rất khó phát hiện do không biểu hiện trên gia cầm qua triệu chứng lâm sàng và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Mới đây, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cảnh báo, tại tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và vùng lãnh thổ Đài Loan đã xuất hiện virus cúm gia cầm độc lực cao H5N2 gây ổ dịch lâm sàng làm chết nhiều gia cầm.
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các cấp; xây dựng, phê duyệt kế hoạch với các giải pháp cụ thể, quyết liệt ứng phó hiệu quả tình hình dịch tại địa phương mình; đồng thời huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng chống dịch.
Về ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người, Bộ NN&PTNT đã đặt ra 4 tình huống, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc ngăn chặn tình trạng lây nhiễm các chủng virus nguy hiểm như cúm A/H7N9, cúm A/H5N2 qua biên giới bằng cách nghiêm cấm việc buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu và nhập khẩu qua biên giới, kể cả các trường hợp biếu, tặng, cho.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Quản lý thị trường và chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, không để gia cầm từ bên kia biên giới vận chuyển trái phép vào nước ta; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc. Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm từ nước ngoài thông qua các hoạt động buôn bán vận chuyển, nhập lậu gia cầm bất hợp pháp, đồng thời phổ biến rộng rãi các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm đang bùng phát rất phức tạp hiện nay...
Đến thời điểm hiện nay, thành phố Đà Nẵng - nơi có tổng đàn gia cầm hơn 750.000 con (gồm 377.000 con gà, 53.759 con vịt, hơn 330.000 con chim cút) đang an toàn. Cơ quan thú y đang phối hợp với các địa phương, các chủ trang trại, các cơ sở giết mổ gia cầm triển khai quyết liệt và khẩn trương các giải pháp phòng chống dịch. Cụ thể, đang tiến hành tiêm phòng cho hơn 300.000 con gà, vịt hiện có; phun thuốc tiêu độc, khử trùng chuồng trại, các nơi kinh doanh buôn bán và giết mổ gia cầm.
Lực lượng thú y tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, kiểm tra kiểm soát nghiêm ngặt lượng gia cầm nhập vào thành phố; đồng thời mở đợt tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về sự nguy hiểm của dịch và các giải pháp đối phó… Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Đình Quỳnh yêu cầu Chi cục Thú y và các địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch Cục Thú y đã nêu trong hội nghị, quyết tâm không để dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn thành phố.
NGUYỄN CẦU