.
BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Khi nam giới là nạn nhân

.

Người đàn ông ấy từng bị vợ la mắng, đánh không ít lần. Có thời điểm ông suy sụp tinh thần, thường xuyên trong trạng thái hoảng loạn, đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Ở tuổi ngoài 50, ông tay trắng, khăn gói về sống với cha mẹ già.

Không riêng gì nữ, nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình.		          (ảnh mang tính minh họa)
Không riêng gì nữ, nam giới cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình. (ảnh mang tính minh họa)

Vấn đề không riêng giới nào

Ông tên N.C, hiện sống cùng cha mẹ ngoài 70 tuổi ở đường Nguyễn Hành (quận Hải Châu). Trước đây, ông cùng vợ, con sống ở đường Cách mạng Tháng Tám (phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Chúng tôi tìm gặp nhưng ông C. từ chối phỏng vấn, bảo rằng chuyện qua rồi không muốn nhắc đến nữa. Tìm hiểu thêm từ những người hàng xóm trước đây của ông thì được biết, ông C. thường xuyên bị đánh, mắng, đỉnh điểm là bị vợ đuổi khỏi nhà. Bức xúc trước tình cảnh của ông C., nhiều người hàng xóm đã trực tiếp lên báo với cơ quan chức năng trên địa bàn.

Hội LHPN phường Khuê Trung cũng cho biết, các cơ quan chức năng đã tư vấn, giải quyết 2 lần nhưng không hàn gắn được tình cảm vợ chồng ông.

Song, ông C. chỉ là một trong số những trường hợp bạo lực gia đình (BLGĐ) mà nạn nhân là nam giới. Qua đó để thấy rằng BLGĐ hiện không còn là vấn đề của riêng giới nào, mà nó bất chấp giới tính nam- nữ, già hay trẻ và xảy ra ở cả nông thôn lẫn thành thị.  

Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, đến tháng 1-2014, toàn thành phố có 178 vụ BLGĐ; trong đó, khu vực thành thị 156 vụ, nông thôn 22 vụ. Năm 2013 (tính đến tháng 10) có 12 nam giới là nạn nhân của BLGĐ. Đến tháng 1-2014 có 6 vụ nạn nhân là nam giới: quận Hải Châu có 1 vụ, Cẩm Lệ: 1, Thanh Khê: 2, Liên Chiểu: 1, Hòa Vang: 1. Hình thức bạo lực về tinh thần có 48 vụ, thân thể: 128 vụ, tình dục: 1 và kinh tế: 1.

Ngần ngại tìm nơi trợ giúp

So với phụ nữ, việc phát hiện và giúp đỡ nam giới là nạn nhân của BLGĐ khó khăn hơn rất nhiều vì họ hiếm khi chủ động nhờ giúp đỡ vì sĩ diện mình là “phái mạnh”. Bên cạnh đó, trong suy nghĩ của nhiều người, công tác trợ giúp về BLGĐ mặc nhiên chỉ dành cho nữ giới. Vì vậy, nam giới khi trở thành nạn nhân đã gặp lúng túng trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng.

Năm 2013, toàn thành phố có 12 nam giới là nạn nhân của BLGĐ nhưng Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ kết hôn trực thuộc Hội LHPN thành phố Đà Nẵng chỉ tiếp nhận một trường hợp duy nhất ở quận Cẩm Lệ. Nhiều tổ chức Hội Phụ nữ ở các quận, huyện- nơi có xảy ra BLGĐ mà nạn nhân là nam giới - cũng tỏ ra khá “bất ngờ” khi biết thông tin này. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 24/56 phường, xã đã thành lập mô hình phòng chống BLGĐ với cán bộ Hội Phụ nữ là thành phần nòng cốt trong việc nắm bắt thông tin, triển khai hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ các nạn nhân BLGĐ.

Qua 5 năm triển khai Luật Phòng chống BLGĐ đã được các cấp, ngành và toàn xã hội hưởng ứng tích cực, bước đầu đưa luật đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế, đội ngũ cán bộ tuyên truyền còn thiếu và yếu về chuyên môn; việc phát hiện BLGĐ về kinh tế, tình dục và tinh thần rất khó.

Năm 2013, toàn thành phố có 178 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), giảm 26% so với năm trước đó (239 vụ). Trong đó có 67 vụ được góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; tạm giữ, xử phạt hành chính 94 vụ, xử lý hình sự 4 vụ. Có 66 nạn nhân và 5 người gây BLGĐ được tư vấn.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.