.

Bước chân thần tốc

.

Trong niềm tự hào của những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975, Đại tá Lê Ngọc Bảy (ảnh) (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Quảng Đà, hào hứng kể lại bước chân thần tốc của đơn vị trên đường tiến quân giải phóng Đà Nẵng.

Một đơn vị quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng, tháng 3-1975.  					                Ảnh: TTXVN
Một đơn vị quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng, tháng 3-1975. Ảnh: TTXVN

...Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 23-3-1975, Tiểu đoàn 1 Quảng Đà đập tan hai căn cứ địch tại núi Đá Đen và Gò Phan, phía tây Duy Xuyên (Quảng Nam), mở đường cho các đơn vị chủ lực tiến xuống giải phóng Tam Kỳ ngày 24-3. Quân ngụy ở Đà Nẵng rơi vào thế cô lập, tinh thần hoang mang, sa sút, mặc cho tên tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn 1, luôn miệng kêu gào “tử thủ”.

Ngày 25-3, Đặc khu ủy Quảng Đà hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng, lệnh cho các đơn vị khẩn trương tiến về thành phố. Từ Xuyên Trà, tiểu đoàn cấp tốc hành quân, vượt qua Xuyên Hiệp, Xuyên Thanh, rạng sáng 28-3, đến trú quân tại Điện Quang (Gò Nổi). Chúng tôi khẩn trương huy động ghe thuyền của nhân dân, tổ chức vượt sông Thu Bồn vào chiều 28-3, tiếp tục vượt đường 100, qua Điện Văn, Điện Thọ, đến khuya 28-3, dừng chân tại thôn La Thọ, xã Điện Hòa (Điện Bàn, Quảng Nam).

 

Rạng sáng 29-3, tiểu đoàn vận động bộ đến quốc lộ 1A, tại khu vực Quán Bốn Anh. Trên Quốc lộ 1A lúc này có nhiều ô-tô chở nhân dân từ Đà Nẵng về các vùng quê. Chúng tôi liền vận động nhân dân nhường xe cho bộ đội tiến ra giải phóng Đà Nẵng. Trong chốc lát đã có 6 lái xe đồng ý chở chúng tôi ra Đà Nẵng và người dân cũng vui vẻ nhường xe cho bộ đội. Tôi lệnh cho Đại đội 1, Đại đội 2 xuất phát trước và giao lực lượng còn lại cho đồng chí tiểu đoàn phó tổ chức đón xe ra sau. Đồng chí Lê Công Thạnh, Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, cùng đi với tôi trên một xe.

6 ô-tô mở hết tốc lực tiến vào Đà Nẵng, đến khu vực chợ Miếu Bông thì gặp tàn quân địch nổ súng ngăn chặn. Tôi ra lệnh sử dụng hỏa lực khống chế, tiêu diệt và tiếp tục tiến quân. Các xe bám đuôi nhau tiến đến ngã ba Huế, rồi ngoặc vào ngã ba Cai Lang. Hai bên đường ngổn ngang súng đạn, giày, mũ, quần áo của binh lính địch vứt bỏ trong khi tháo chạy. Chúng tôi thấy một kho gạo ở gần ngã ba Cai Lang đang bị binh lính địch và những người hôi của nháo nhào tranh cướp, gây cảnh hỗn loạn và tắc nghẽn giao thông. Tôi bèn cho một trung đội đến thiết lập trật tự và tiếp tục cắm chốt tại đó để bảo vệ an ninh trật tự.

Tiểu đoàn tiếp tục theo đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) tiến vào trung tâm thành phố. Đến khu vực Cầu Vồng (đường Thống Nhất), tôi cho bộ đội xuống xe, chia thành 2 mũi: một mũi tiến vào Tòa thị chính, Tổng lãnh sự quán Pháp và Bưu điện Đà Nẵng, mũi thứ 2 khẩn trương chiếm Kho bạc và Quân vụ Thị trấn (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố)…

Đại tá Lê Ngọc Bảy nhấn mạnh: Trong buổi sáng 29-3 lịch sử ấy, quân dân ta đồng loạt tấn công và nổi dậy làm chủ thành phố. Các cánh quân ta từ phía nam tiến ra, phía bắc tiến vào, phía tây tiến xuống, cùng thần tốc tiến vào nội thành Đà Nẵng. Đến 11 giờ 30 ngày 29-3, lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Tòa thị chính Đà Nẵng. Nực cười cho tên Ngô Quang Trưởng mới hò hét “tử thủ” mấy hôm trước, thì trong đêm 28-3 đã lên máy bay chuồn ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi Biển Đông. Khi quân ta tiến vào Sở chỉ huy Quân đoàn 1, chuông điện thoại ở phòng Ngô Quang Trưởng vẫn đang reo!

Trước sức tấn công như vũ bão của ta, phần lớn quân địch đã tan rã nhưng vẫn còn nhiều tên ngoan cố chống cự. Chúng chạy dồn về khu vực Mỹ Khê (Sơn Trà), co cụm chống trả và tìm đường chạy ra biển Đông. Các đơn vị chủ lực của ta phối hợp với lực lượng biệt động, tự vệ, kiên quyết tấn công, tiêu diệt địch, đồng thời pháo tầm xa của ta kịp thời bắn chặn, khống chế các cửa biển. Không còn đường tháo chạy, quân địch lần lượt buông súng đầu hàng. Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng kết thúc thắng lợi lúc 15 giờ ngày 29-3-1975.

Đại tá Lê Ngọc Bảy cho biết thêm, sau ngày giải phóng Đà Nẵng, đơn vị ông làm nhiệm vụ tuần tra, canh gác, thu nhặt vũ khí trang bị của địch, vận động binh lính ra trình diện, sẵn sàng cơ động trấn áp các phần tử phản động và tham gia giữ gìn cuộc sống bình yên của nhân dân. Kết thúc câu chuyện, vị nhân chứng lịch sử nhấn mạnh: Trong đời quân ngũ, ông vinh dự được tham gia nhiệm vụ tấn công giải phóng Đà Nẵng hai lần: lần thứ nhất vào Tết Mậu Thân 1968, khi còn là chiến sĩ trinh sát, lần thứ hai vào Mùa xuân đại thắng 1975 trên cương vị Tiểu đoàn trưởng.

LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.