Điện Bàn từ trong lịch sử đã nổi tiếng là địa phương có nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, là vùng đồng bằng màu mỡ của nguồn sông Thu Bồn với những cánh đồng thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nhiều làng nghề nổi tiếng…
Tiến sĩ Dương Văn An từ giữa thế kỷ 16 đã viết: “Điện Bàn đất liền phương Nam, cõi giáp châu Ô, nhân dân làm giàu bằng thóc, nhà nông đạp lúa bằng trâu. Đường bộ thì có xe, đường thủy thì sẵn thuyền”. Năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, rồi kiêm trấn thủ Quảng Nam hai năm sau đó, ông đã tạo những đợt di dân mới, tạo lập nhiều làng, giáp, trại… tạo cho vùng đất này những điều kiện cơ bản để phát triển về sau. Việc chọn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương) làm Dinh trấn Quảng Nam và đến năm 1833, vua Minh Mạng quyết định lập tỉnh đường Quảng Nam tại làng La Qua là những quyết định mang tầm nhìn chiến lược, có ý nghĩa lịch sử không những đối với một vương triều mà còn là bệ phóng để mở cõi về phương Nam, tạo những cơ hội mới về giao thương, giao thoa văn hóa có ý nghĩa. Do vậy, Điện Bàn là vùng đất có cả yếu tố địa chính trị khá đặc thù.
Từ giàu có về kinh tế đến cửa ngõ giao thương thông qua cảng thị Hội An, Điện Bàn trở thành vùng đất học, tụ điểm về văn hóa, thu hút nhân tài và giao thoa văn hóa với phương Tây trong thời gian dài là hệ quả tất yếu. Ngày nay những hậu duệ của các danh nhân như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ, Trần Cao Vân, Thái Phiên, Trần Quý Cáp, Mai Dị, Trần Dư, Nguyễn Duy Hiệu... tiếp bước cha ông và trở thành những nhà khoa học, nhà văn hóa, chính trị, doanh nhân… đóng góp vào phát triển ở trong nước lẫn quốc tế (trong đó có thành phố Đà Nẵng), làm giàu thêm truyền thống “địa linh nhân kiệt” như chúng ta từng biết.
Điện Bàn lại là cửa ngõ phía nam, đông nam của thành phố Đà Nẵng, được chi phối bởi những con sông lớn như Thu Bồn, Vĩnh Điện, Hà Sấu, Bình Phước, La Thọ, Thanh Quýt. Với hơn 21 ngàn hecta đất tự nhiên, trong đó một nửa là đất nông nghiệp và hơn 5 ngàn hecta đất ven biển cùng dân số trên 200 ngàn người, Điện Bàn trở thành “vành đai xanh” trong bán kính chưa đầy 20 cây số là nguồn cung cấp cho thành phố Đà Nẵng nhiều sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm chăn nuôi thiết yếu, nguồn lao động dồi dào cho công nghiệp, dịch vụ và nhiều lĩnh vực chuyên sâu khác. Hệ thống sông ngòi thuận lợi cũng là những thủy lộ vận chuyển nhiều loại tài nguyên, hàng hóa, khoáng sản cho thị trường Đà Nẵng… Bởi vậy, có người nói rằng Đà Nẵng với Điện Bàn ngày nay có mối quan hệ qua lại kiểu “môi hở răng lạnh” cũng không sai.
Mặt khác, Điện Bàn đã được phê duyệt định hướng trở thành đô thị vào năm 2015 là một tất yếu. Đó sẽ là một đô thị kiểu vệ tinh của Đà Nẵng và từ đó cũng tiếp tục hưởng lợi bởi hệ thống hạ tầng kỹ thuật sát nách (như cảng biển, sân bay quốc tế, hệ thống hạ tầng viễn thông, ngân hàng…) để phát triển công nghiệp, du lịch, thị trường tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao; để không chỉ phát triển hơn nữa mà còn là một vùng đệm làm giảm áp lực về môi trường, dân số và các mặt khác cho Đà Nẵng lẫn Hội An. Điện Bàn lại là vùng nông thôn cổ xưa chưa bị tác động lớn của quá trình đô thị hóa. Nhiều cánh đồng, dòng sông, cảnh quan và hàng trăm di tích văn hóa lịch sử mang bản sắc Quảng Nam còn được gìn giữ, mặc nhiên lại tạo ra “cơ may” mà Đà Nẵng cần đến: Áp lực của nhịp điệu công nghiệp của cư dân đô thị sẽ được giải tỏa trong những kỳ nghỉ mà không cần đi quá xa; không gian tham quan, nghỉ dưỡng đa dạng tạo ra sức hút hấp dẫn hơn cho du khách đến Đà Nẵng…
Tôi viết những dòng này trước một hội thảo khoa học mang tên“Định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An” sắp diễn ra nhằm để nhấn mạnh sự tương tác hiển nhiên của thành phố “tiền cảng” Đà Nẵng và “hậu phương” trực tiếp của mình trên nhiều vấn đề, từ lịch sử, văn hóa, kinh tế, nguồn nhân lực đến môi trường. Từ sự nhấn mạnh đó, có thể điều này là quan trọng nhất: Trong quá trình đô thị hóa trước mắt và lâu dài, vấn đề cốt lõi là mặc dù sẽ còn khó khăn, nhưng hãy gìn giữ những gì mà thiên nhiên và lịch sử đã ban tặng cho cả con người lẫn một vùng đất giàu bản sắc như Điện Bàn!
TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG