.

Định lượng hạnh phúc

.

“Người Việt hạnh phúc nhất châu Á”, “Việt Nam hạnh phúc đứng nhì thế giới”, đó là số liệu dựa trên Chỉ số hạnh phúc (HPI) do NEF, một tổ chức nghiên cứu về kinh tế, xã hội, môi trường có trụ sở tại Vương quốc Anh công bố năm 2012.

Trước đó, vào các năm 2006 và 2009, Việt Nam lần lượt xếp thứ 12 và thứ 5 trong bảng xếp hạng có quy mô toàn cầu này. Tóm lại, chúng ta có những bước tiến đáng kể trên nấc thang hạnh phúc. Tuy nhiên, việc “đứng nhì”, “đứng nhất” như vậy có thực sự làm chúng ta… hạnh phúc hay không?

Chỉ số hạnh phúc HPI căn cứ ba tiêu chí: tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Trong đó, yếu tố môi trường được coi là quyết định để phân biệt quốc gia nào hạnh phúc hơn. Ở nơi đâu con người phát triển dựa trên sự tác động thô bạo, khai thác mạnh mẽ tài nguyên, môi trường thì nơi đó hạnh phúc quốc gia khó bền vững. Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam được quốc tế đánh giá là đất nước thân thiện với môi trường cho nên chúng ta hạnh phúc hơn.

Dẫu sao, những con số trên cũng chỉ là một số liệu tham khảo. Thực tế người Việt hạnh phúc như thế nào thì có lẽ chính người Việt cảm nhận rõ nét nhất. HPI hoàn toàn không đề cập đến khía cạnh kinh tế trong công thức định lượng hạnh phúc (HPI = Chỉ số hài lòng với cuộc sống x Tuổi thọ trung bình) / Chỉ số dấu chân sinh thái), thế nên việc chúng ta là nước đang phát triển không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh với các nước giàu trong thang điểm hạnh phúc.

Sẽ là khó thuyết phục khi tách khía cạnh kinh tế ra khỏi hạnh phúc. Xét ở góc độ gia đình, cuộc sống chật vật, nghèo đói làm sao mang lại “cảm giác thoải mái” (một yếu tố quan trọng để tính HPI). Xét trên phạm vi quốc gia, bằng chứng đã có cho thấy kinh tế phát triển sẽ kéo theo tuổi thọ tăng cao, giáo dục hoàn thiện, mức sống người dân tăng. Đó chính là môi trường góp phần đem lại sự hạnh phúc. Chẳng có con người hay đất nước nào “thoải mái” với sự nghèo đói cả.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng chưa chắc vật chất giúp mang lại hạnh phúc. Nghĩa là không hẳn anh nhà giàu luôn cảm thấy mình hạnh phúc hơn anh nhà nghèo. Có biết bao người mơ trúng số để giàu có, sung sướng, nhưng khi đã trúng đến 7 tờ độc đắc rồi thì hóa ra ngồi trên đống tiền mới đầy bi kịch làm sao. Người ta còn dẫn chứng ở các nước phát triển, ngoài cuộc sống tiện nghi như thiên đường, đã có không ít câu chuyện cho thấy con người nơi ấy đang cô đơn như thế nào. Có người chết đến 5 năm sau mới được phát hiện. Các mối quan hệ gia đình, tình thân trở thành điều xa lạ với nhiều người.

Thế mới nói, định lượng hạnh phúc vừa rõ ràng vừa mơ hồ và dễ gây tranh luận. Liên Hợp Quốc, tổ chức đã chọn ngày 20-3 hằng năm làm Ngày Hạnh phúc, gửi thông điệp rằng, cốt lõi của hạnh phúc là ở sự hài hòa và cân bằng. Quá tập trung cho kinh tế để đánh mất sự bền vững của môi trường hay các mối quan hệ tốt đẹp trong xã hội là sự khập khiễng; ngược lại ngủ quên trên bậc thang hạnh phúc dẫn đến quên luôn mình đang tụt hậu các vị thế khác cũng thật đáng nguy. Ở phạm vi mỗi cá nhân, sự hài hòa, cân bằng trong cuộc sống cũng là chìa khóa cho con người bước vào miền hạnh phúc. Giống như anh mặc chiếc áo quá chật hay quá rộng dĩ nhiên sẽ không thoải mái bằng chiếc áo vừa vặn, hài hòa với chính mình.

Hạnh phúc là gì, vẫn sẽ là câu hỏi thú vị để con người hành động nhiều hơn, phấn đấu nhiều hơn cho ẩn số đó. Đối với Việt Nam, trong lần đầu tiên hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc thì “Yêu thương và chia sẻ” chính là chủ đề; đồng thời là lời gợi ý cho chúng ta rằng thế nào là hạnh phúc.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.