.
Giữ lại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng

Quyết định hợp lòng dân

.

Quyết định không di dời Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng ra khỏi thành phố mà Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ đưa ra tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL ngày 11-2 vừa qua làm hài lòng đa số người dân.

Nhiều học sinh, sinh viên đến Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để học tập, nghiên cứu.
Nhiều học sinh, sinh viên đến Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố để học tập, nghiên cứu.

Nhưng giữ lại thì cần có kế hoạch đầu tư thỏa đáng, để Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố phát huy hết giá trị trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân, bởi hiện nay thư viện bị xuống cấp trầm trọng…

Số phận trắc trở

Tọa lạc tại vị trí đắc địa nhất thành phố, trước mặt là dòng sông Hàn thơ mộng cùng cảnh quan thoáng đãng, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng từ lâu trở thành biểu tượng văn hóa đọc của người dân thành phố. Tuy nhiên, “số phận” của thư viện này gặp khá nhiều trắc trở.

Ngày 5-5-2005, UBND thành phố có Thông báo số 120/TB-VP về chủ trương di dời thư viện. Đến năm 2010, chính quyền thành phố phê duyệt dự án xây dựng mới thư viện với tổng diện tích hơn 3ha trên đường 2-9 (quận Hải Châu). Tuy nhiên sau đó, ngày 9-8-2012, UBND thành phố giao Sở Xây dựng đề xuất chuyển địa điểm thư viện về phía nam khu công viên văn hóa và khu vui chơi giải trí gần chân cầu Tiên Sơn, với diện tích quy hoạch 1,5ha.

Không chỉ vậy, dự án Thư viện tổng hợp cũng đã nhiều lần được điều chỉnh quy mô đầu tư. Lần thứ nhất, UBND thành phố phê duyệt dự án đầu tư với tổng quy mô đầu tư hơn 286 tỷ đồng, tại Quyết định ngày 1-9-2010. Nhưng ngày 31-3-2011, UBND thành phố quyết định tạm dừng triển khai dự án.

Lần thứ hai Sở VH-TT&DL đã phối hợp với đơn vị tư vấn điều chỉnh quy mô công trình, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định mức đầu tư xuống còn hơn 258 tỷ đồng. Ngày 23-11-2011, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị mức 258 tỷ đồng là quá lớn, UBND thành phố có Công văn ngày 6-12-2011 yêu cầu rà soát lại quy mô.

Lần thứ ba Sở VH-TT&DL điều chỉnh và trình lại quy mô đầu tư với tổng mức đầu tư gần 180 tỷ đồng. Sau khi thẩm định, Sở Kế hoạch và Đầu tư có tờ trình ngày 10-7-2012 đề xuất tổng mức đầu tư công trình còn hơn 141 tỷ đồng.

Tại buổi làm việc với Sở VH-TT&DL ngày 11-2-2014, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho biết, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng quyết định không di dời Thư viện Khoa học tổng hợp như quy hoạch trước đó, mà giữ nguyên tại vị trí cũ, đồng thời sẽ đầu tư xây dựng mới với quy mô lớn, hiện đại hơn vào năm 2015.

Cần nâng cấp thư viện xứng tầm

Thông tin không di dời thư viện được bạn đọc cũng như những người công tác ở đây đón nhận trong niềm vui và sự phấn khởi.

Tuy nhiên, ông Hà Xuân Đào - Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng - vẫn còn nhiều trăn trở, nhất là tình trạng xuống cấp của thư viện. Cơ sở vật chất của thư viện quá cũ, chật hẹp, xuống cấp..., kho sách đang trong tình trạng quá tải. “Hằng năm, lượng sách, báo bổ sung vào thư viện từ 9.000 - 10.000 bản nên phải cần 10 giá chứa tài liệu, tương đương 40m2 kho giá phải nới rộng. Thế nhưng, vì không gian chỉ có chừng đó, nên sách báo phải cột bó lại, hiện tại kho cất giữ cũng không còn diện tích, thư viện phải mượn tạm một số phòng tại Cung Thể thao Tiên Sơn lưu giữ. Vì vậy, khi bạn đọc đến cần những bản sách này thì nhân viên không thể giải quyết”, ông Đào cho biết.

Ông Đào còn chia sẻ, hiện không có khu vực tổ chức các sự kiện và những hoạt động lớn của thư viện. Những ngày thư viện có tổ chức hoạt động khác thì các phòng đọc buộc phải đóng cửa để nhường chỗ. Việc này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ bạn đọc. Bên cạnh đó, các trang thiết bị đầu tư cho thư viện trong nhiều năm nay ít được bổ sung kinh phí. Hiện tại, máy chủ để lưu tên sách và tra cứu được Thư viện Quốc gia tài trợ 10 năm nay cũng đã xuống cấp, khiến việc tra cứu gặp khó khăn. Thư viện cũng không có máy in, máy photocopy nên bạn đọc đến thư viện muốn được sao, in tài liệu không được đáp ứng… Vì thiếu kinh phí nên việc bổ sung đầu sách cho thư viện cũng gặp trở ngại. Hằng năm, ngân sách cấp để bổ sung vốn tài liệu cao nhất cũng chỉ từ 4.500 - 5.000 bản - khoảng 1.700 tên sách, trong khi đó lượng sách xuất bản của các NXB lên đến 10.000 tên sách. Như vậy, sẽ có một lượng lớn tên sách sẽ không được bổ sung vào thư viện…

Đề cập đến vấn đề lãnh đạo thành phố quyết định để lại, không di dời và sẽ đầu tư, nâng cấp cho Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, ông Đào cho rằng thành phố đang quan tâm hơn nữa đến việc phát triển lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, ông cũng mong muốn lãnh đạo thành phố có những hành động quyết liệt hơn. “Điều chúng tôi mong mỏi thiết tha nhất là thư viện được nâng cấp xây mới, rộng rãi, xứng tầm với thiết chế văn hóa hiện đại, đúng tầm với đô thị loại I, giải quyết khó khăn, bức xúc nhiều năm nay về cơ sở vật chất cho thư viện. Có như vậy mới tạo điều kiện cho người dân được thụ hưởng phúc lợi văn hóa và thu hút họ đến với thư viện, đến với nguồn kiến thức vô tận của nhân loại. Xây dựng thư viện xứng tầm không chỉ phục vụ cho người dân mà cho cả bộ mặt văn hóa của thành phố”, ông Đào nhấn mạnh.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.