Sáng 15-3, tại Đà Nẵng, Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (Ban Chỉ đạo) - Nhóm 4 và Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội thảo lý luận - thực tiễn “Đổi mới hệ thống chính trị - Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - Xây dựng nền dân chủ XHCN”.
Các đồng chí: Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Trưởng nhóm 4 Ban Chỉ đạo; Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó nhóm 4; Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Phó nhóm 4; Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đồng chủ trì hội thảo.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG |
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Ngô Văn Dụ nêu rõ: Đây là một chuyên đề nghiên cứu rộng, gồm 3 nội dung lớn về “Hệ thống chính trị”, “Xây dựng Nhà nước pháp quyền” và “Nền dân chủ XHCN”. Trước hết, cần làm rõ về nhận thức đối với từng nội dung qua các kỳ Đại hội Đảng từ sau đổi mới; thứ hai là nhận rõ ưu điểm và hạn chế cần khắc phục; trên cơ sở nghiên cứu, kết quả của thực tiễn từ đó kiến nghị với Trung ương, Bộ Chính trị và các cấp ủy địa phương những cách thức, biện pháp, chủ trương sắp tới cần đổi mới, bổ sung hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách được đưa vào văn kiện trình các cấp.
Đối với thành phố Đà Nẵng, là địa phương được chọn tổ chức hội thảo chuyên đề này đồng thời đang xây dựng Đề án thí điểm tổ chức chính quyền đô thị và thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường, đồng chí Ngô Văn Dụ đề nghị, cần tập trung thảo luận sâu sắc về tổng kết lý luận và thực tiễn trong thời gian qua. Đồng chí Ngô Văn Dụ nhấn mạnh 3 vấn đề lớn cần làm rõ: Vị trí, vai trò, chức năng cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị và từng tổ chức thành viên trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội công dân trên một số lĩnh vực cũng như phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; nội dung, phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng; nhìn nhận sâu sắc hơn về vị trí, vai trò nhiệm vụ, chức năng của bộ máy, đội ngũ cán bộ, cơ chế hoạt động và hiệu quả thực tế của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.
Báo cáo tổng kết chuyên đề của Thành ủy Đà Nẵng cho biết, kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng luôn chủ động triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, ban hành nhiều chương trình, đề án nhằm đưa các nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, trong đó những chủ trương về đổi mới hệ thống chính trị, phù hợp với thực tiễn luôn được chú trọng. Đà Nẵng không những chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Trung ương mà còn cố gắng vận dụng và đề xuất với Trung ương để triển khai một số cách làm phù hợp với thực tiễn địa phương… Một số bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng là: Cấp ủy không chỉ ra chỉ thị, nghị quyết mà còn phải biết lãnh đạo quá trình tổ chức thực hiện để những chỉ thị, nghị quyết ấy sớm vào lại cuộc sống, được cuộc sống chấp nhận; thành phố đã sớm nghĩ đến việc trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt của hệ thống chính trị cấp phường, xã và đã giải quyết khá thành công vấn đề này, góp phần đổi mới hệ thống chính trị ở cấp gần dân nhất; năm 2009 Đà Nẵng đã thí điểm thành công chủ trương của Trung ương về việc không tổ chức HĐND quận, huyện và phường, tạo tiền đề cơ bản để thí điểm mô hình chính quyền đô thị; coi trọng việc xây dựng một nền công vụ mạnh mà điểm cốt lõi là các thành tựu đáng kể về cải cách thủ tục hành chính…
Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Bộ Chính trị và Quốc hội cho phép Đà Nẵng sớm được thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình hai cấp hành chính; sớm tổng kết, đánh giá khách quan, khoa học việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, làm cơ sở cho việc triển khai hiệu quả ở địa phương, phù hợp với Hiến pháp vừa được Quốc hội thông qua, tiến tới sửa đổi Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, từ đó thực hiện thống nhất một mô hình trong toàn quốc; sớm sửa đổi Luật Cán bộ, công chức (CB, CC) hiện hành theo hướng có sự liên thông đương nhiên giữa CB, CC cấp phường, xã với CB, CC các cấp trên và ngược lại…
ĐOÀN LƯƠNG
* Trong khuôn khổ chương trình làm việc của Ban Chỉ đạo - Nhóm 4 tại Đà Nẵng, ngày 16-3, Đoàn công tác do đồng chí Uông Chu Lưu dẫn đầu đã đến khảo sát thực tế về “Đổi mới hệ thống chính trị; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền dân chủ XHCN” tại quận Thanh Khê và phường Thạc Gián (quận Thanh Khê). Cùng tham gia có Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Lê Hữu Nghĩa; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim. Về phía lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí.
Theo báo cáo, qua 17 năm xây dựng và phát triển, hệ thống chính trị trên địa bàn Thanh Khê đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng được củng cố, kiện toàn và hoạt động có hiệu quả. Từ tháng 4-2009, quận Thanh Khê là địa phương thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND cấp quận và phường. Các cơ quan Đảng từng bước được kiện toàn tinh gọn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, bảo đảm thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp việc. Qua các đợt sắp xếp bộ máy hành chính, nhất là việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, phường và mô hình Bí thư Quận ủy đồng thời là Chủ tịch UBND quận, tình hình biên chế các cơ quan chuyên môn của quận đã sớm ổn định. Cán bộ, công chức, viên chức được bố trí vào các chức danh, chức vụ phù hợp với năng lực và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, bảo đảm tính thay thế do yêu cầu nhiệm vụ và trong từng giai đoạn, đồng thời chuẩn bị nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Trong lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, Quận ủy luôn quan tâm, chú trọng đến đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo và kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, củng cố bộ máy chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng-an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trên địa bàn quận.
Lãnh đạo quận Thanh Khê kiến nghị với đoàn khảo sát những vấn đề trọng tâm, như: Cần sớm có hướng dẫn việc xây dựng quy chế hoạt động của cấp ủy, UBND nơi thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND, Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND; quy chế làm việc của Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND với quy chế làm việc của thường trực cấp ủy và quy chế làm việc của UBND, trong đó, cần xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn, nhiệm vụ của từng chức danh. Đề nghị Trung ương tiếp tục thực hiện chủ trương không tổ chức HĐND quận, phường; đồng thời có văn bản hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội phường, xã. Đối với cấp xã, phường, cần nghiên cứu xóa bỏ sự phân biệt cán bộ, công chức với người hoạt động không chuyên trách để tạo sự đồng thuận chung khi thực hiện nhiệm vụ của địa phương và thuận lợi hơn trong công tác bố trí, sắp xếp cán bộ.
Tại phường Thạc Gián, đoàn khảo sát nghe báo cáo về thực trạng hệ thống chính trị, thực thi quyền lực Nhà nước và phát huy dân chủ tại phường; đồng thời ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất từ thực tế tại phường Thạc Gián.
Phát biểu tại các buổi làm việc, đồng chí Uông Chu Lưu ghi nhận và đánh giá cao tinh thần cởi mở, thẳng thắn của các địa phương trong việc nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi quyền lực Nhà nước và phát huy dân chủ tại cơ sở. Đồng chí Uông Chu Lưu cho rằng, những vấn đề làm rõ tại các buổi làm việc, như: vị trí, vai trò, chức năng, cơ cấu tổ chức của hệ thống chính trị và từng tổ chức thành viên trên địa quận Thanh Khê và phường Thạc Gián là cơ sở thực tiễn quan trọng để đoàn khảo sát nghiên cứu, tổng hợp và kiến nghị với Trung ương, Bộ Chính trị và các cấp ủy địa phương những cách thức, biện pháp, chủ trương sắp tới cần đổi mới, bổ sung hoàn chỉnh đường lối, chủ trương, chính sách để được đưa vào văn kiện trình các cấp.
VĂN NỞ