.

Ký ức tháng ba

.

Cụ Nguyễn Thị Tố Nga (ở tổ 31, phường Thanh Bình, quận Hải Châu), nguyên cán bộ công vận tại Nhà máy Đèn Đà Nẵng, đã gần 90 tuổi nhưng ký ức về những ngày tháng 3-1975 lịch sử vẫn vẹn nguyên.

Cụ Nga thường xem lại các tài liệu về Ngày Giải phóng Đà Nẵng.
Cụ Nga thường xem lại các tài liệu về Ngày Giải phóng Đà Nẵng.

...Hồi đó, tôi làm Phó ban Cán sự Công nhân Giải phóng, một tổ chức bí mật của ta tại Nhà máy Đèn Đà Nẵng. Với vỏ bọc là nhân viên kế toán, tôi thường xuyên tiếp xúc với anh chị em công nhân và tích cực vận động, gây cơ sở trong công nhân, tổ chức đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Nhưng rồi, bọn mật vụ tại nhà máy đã nghi ngờ và đề nghị giám đốc sa thải tôi cùng hai đồng chí khác. Ban Cán sự Công nhân Giải phóng liền phát động công nhân đấu tranh, lãn công trong nhiều ngày liền, cuối cùng đã buộc giám đốc bỏ lệnh sa thải. Tôi được nhận trở lại làm việc, nhưng bị chuyển vào chi nhánh nhà máy đèn tại Hội An. Tuy vậy, chúng tôi vẫn giữ liên lạc giữa hai đơn vị và thường xuyên phối hợp các hoạt động đấu tranh.

Cuối tháng 3-1975, tôi được giao nhiệm vụ tìm cách trở lại hoạt động tại Nhà máy Đèn Đà Nẵng nhằm tuyên truyền vận động công nhân không đi di tản, không bỏ việc, bảo vệ trang thiết bị nhà máy và giữ vững nguồn điện khi quân ta tiến vào giải phóng thành phố. Những ngày này, tình hình Đà Nẵng trở nên phức tạp, binh lính địch từ các nơi chạy về, cùng với bọn côn đồ, hung hăng cướp bóc, hôi của. Nhiều nơi, ngụy quyền đã bỏ công sở.

Sáng 28-3-1975, tôi cùng một số đồng chí trong Ban Cán sự Công nhân Giải phóng nhân danh đại biểu công nhân, đến gặp  Marot - Giám đốc Nhà máy Đèn Đà Nẵng, yêu cầu ông ta tạm thời cho nhà máy ngừng hoạt động để bảo vệ tài sản và ứng cho mỗi người lao động 10.000 đồng để giải quyết nhu cầu cuộc sống.

Trước khí thế cách mạng và những ý kiến sắc sảo của chúng tôi, Marot đã chấp nhận và cho thực hiện ngay những yêu cầu đó. Lúc này, tiểu đội cảnh sát canh gác nhà máy đã bỏ chạy.

Lập tức, chúng tôi thành lập đội tự vệ gồm những anh chị em hăng hái, khỏe mạnh, đảm nhiệm việc canh gác, không cho người bên ngoài vào hôi của, thường xuyên tổ chức lực lượng bảo vệ cả bên trong và trước cổng nhà máy. Nhiều đồng chí rất nhiệt tình, xông xáo trong thực hiện nhiệm vụ. Dù bên ngoài nhà máy, tình hình hết sức phức tạp, nhưng bên trong nhà máy, an ninh trật tự vẫn ổn định, các ca trực vẫn được duy trì liên tục. Anh Nguyễn Tiến và anh Nguyễn Văn Chạy ở phân xưởng vận hành đã trực liên tục suốt hai ngày 28 và 29-3.

Khoảng 8 giờ ngày 29-3, trong khi tiếng súng đang nổ ran khắp nơi, anh Nguyễn Đăng Lực (phân xưởng sửa chữa) đã treo lá cờ Mặt trận trước cổng nhà máy. Tiếp đó, anh Phạm Sĩ, công nhân sửa chữa điện, cũng hiên ngang trèo lên nóc bồn nước treo lá cờ thứ hai. Thấy cờ Mặt trận tung bay tại nhà máy đèn, nhiều hộ dân xung quanh cũng đem cờ ra cắm trước nhà để đón chào quân giải phóng tiến vào thành phố. Đến 15 giờ ngày 29-3, khi vừa dứt tiếng súng tấn công địch ở phía Sơn Trà, chúng tôi đã cho nhà máy hoạt động trở lại và nguồn điện được duy trì liên tục trên thành phố vừa sạch bóng quân thù.

Sau khi Đà Nẵng giải phóng, Marot và ông Garou (trưởng xưởng sửa chữa) có ý định chạy vào Sài Gòn. Ông Istivie - Giám đốc Nhà máy Đèn Huế - cũng đến đây, cùng nhau bàn cách đào tẩu. Chúng tôi kiên trì vận động và đã thuyết phục được cả ba ra trình diện chính quyền cách mạng. Ủy ban Quân quản thành phố cấp giấy thông hành và động viên họ trở lại nhà máy tiếp tục công việc. Istivie trở ra Huế, Marot và Garou trở lại làm việc với anh chị em công nhân và được chúng tôi đối xử hết sức tử tế. Sau đó, Marot đã chỉ hết các nơi cất giấu trang thiết bị, phụ tùng và những máy móc đang sửa chữa ở Sài Gòn, tạo nhiều thuận lợi cho nhà máy.

39 năm đã trôi qua, nhưng tôi không sao quên được sự nhiệt tình, hăng hái của anh chị em công nhân Nhà máy Đèn Đà Nẵng. Họ đã cùng Ban Cán sự Công nhân Giải phóng bảo vệ Nhà máy Đèn nguyên vẹn và liên tục duy trì nguồn điện phục vụ đời sống nhân dân và các hoạt động của chính quyền cách mạng.

MINH NGỌC ghi

;
.
.
.
.
.