.
LÃNH ĐẠO THÀNH PHỐ ĐỐI THOẠI VỚI ĐẠI BIỂU THANH NIÊN

Tạo môi trường tốt nhất cho thế hệ trẻ

.

“Các bạn bây giờ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều. Hãy làm và làm thật nhiều. Hãy mạnh dạn cọ xát và hành động trong môi trường thực tiễn vì thực tiễn là người thầy tốt nhất dạy các bạn trưởng thành. Lãnh đạo thành phố luôn cố gắng tạo môi trường thuận lợi nhất để các bạn hành động và thể hiện chính mình”. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ nhắn nhủ như vậy với 83 đại biểu thanh niên tham dự chương trình “Đối thoại tháng 3” diễn ra sáng 26-3.

Bí thư Thành ủy Trần Thọ trao đổi với đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Đối thoại tháng 3”.  						Ảnh: KHÁNH HÒA
Bí thư Thành ủy Trần Thọ trao đổi với đại biểu thanh niên tham gia chương trình “Đối thoại tháng 3”. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tham dự buổi đối thoại còn có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thanh Quang, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng.

 “Thành phố đáng sống” vẫn còn là khát vọng

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là nhìn nhận như thế nào về thương hiệu “Đà Nẵng, thành phố đáng sống”. Đại biểu Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Quận Đoàn Hải Châu đặt câu hỏi: “Liệu đây chỉ là thương hiệu chung chung hay là mục tiêu dài hạn để chúng ta phấn đấu và có thể biến thành hiện thực trong tương lai gần?”.

Thay vì trả lời, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đặt câu hỏi: “Theo các bạn, thế nào là thành phố đáng sống? Đà Nẵng có phải là một thành phố đáng sống hay chưa?”. Cả hội trường im lặng. Bí thư Thành ủy nói tiếp: “Theo tôi, thương hiệu “Đà Nẵng, thành phố đáng sống” vẫn còn là khát vọng. Để đạt được danh hiệu này, lãnh đạo và nhân dân thành phố còn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Thực tế, chúng ta còn nhiều mục tiêu chưa đạt được. Đó là một thành phố đáng sống không thể có nhiều người nghiện ma túy, bỏ học, xin ăn và đói nghèo. Thành phố đáng sống phải có môi trường xanh-sạch-đẹp, rác thải không bị vứt bừa bãi, người dân tối nằm ngủ không lo mất trộm. Đó là chưa nói đến việc nếu đem ra so sánh, Đà Nẵng chưa lọt top thành phố có mức sống khá. Thu nhập bình quân tính theo đầu người của Đà Nẵng đạt 2.600 USD/người/năm, gấp 1,6 lần mức bình quân của cả nước nhưng vẫn trong ngưỡng thu nhập thấp trung bình so với một số người khác như Thái Lan, Philippines… Toàn thành phố hiện có 818 ngôi nhà của các hộ gia đình chính sách xuống cấp trầm trọng, mùa mưa bão sắp tới chưa biết thế nào… Để xây dựng một “Đà Nẵng đáng sống” phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ. Các bạn chính là những người đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu này”.

Trên chặng đường hướng đến xây dựng thương hiệu “Đà Nẵng, thành phố đáng sống”, công tác đào tạo, thu hút nhân tài đóng vai trò quan trọng nhằm huy động nguồn lực lao động chất lượng cao tham gia cống hiến vào sự phát triển chung của thành phố. Vậy thành phố có cơ chế, chính sách gì để huy động được nguồn lực trong thanh niên?

Trả lời câu hỏi này của đại biểu Nguyễn Văn Duy (UBND thành phố), Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng công tác thanh niên Nguyễn Xuân Anh nói: “Không chỉ thanh niên địa phương, Đà Nẵng luôn mở rộng vòng tay chào đón tất cả các đối tượng thanh niên vào hoạt động trong tổ chức. Từ người khuyết tật đến thanh niên ở tỉnh xa về Đà Nẵng làm việc… đều có chính sách tạo việc làm, hỗ trợ kinh phí giúp họ cải thiện đời sống, gắn bó hơn với địa phương nơi sinh sống”. Bên cạnh đó, 15 năm qua, thành quả lớn nhất trong công tác đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố là có hơn 800/1.000 sinh viên thuộc diện thu hút là người Đà Nẵng đi học xa đã về lại thành phố làm việc, sinh sống và cống hiến.   

Tại buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố trao tặng 83 đại biểu thanh niên 2 cuốn sách: Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn và cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - một người con tiêu biểu của xứ Quảng.
Tại buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố trao tặng 83 đại biểu thanh niên 2 cuốn sách: Kỷ yếu Hoàng Sa do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn và cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - một người con tiêu biểu của xứ Quảng.

Cơ chế, chính sách đã có, còn lại là hành động

Các đại biểu Mai Thị Đoan Thanh, Bí thư Đoàn trường CĐ Nghề Đà Nẵng và Võ Đức Anh (Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ) cùng chung trăn trở khi đặt câu hỏi, hiện sinh viên học tại các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố ra trường rất khó xin được việc làm tại Đà Nẵng, nhiều bạn trẻ phải vào Nam lập nghiệp, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Thành phố có cơ chế, chính sách gì để tạo cơ hội cho thanh niên khởi nghiệp, khẳng định giá trị bản thân. Hằng năm, Hội Doanh nhân trẻ phối hợp cùng Đoàn ĐH Đà Nẵng tổ chức cuộc thi “Ý tưởng kinh doanh sáng tạo” thu hút nhiều bạn trẻ tham gia với nhiều ý tưởng mới lạ, có tính khả thi cao. Song, sau cuộc thi, họ chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời để biến ý tưởng thành hiện thực.  

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nhấn mạnh: Năm 2014 được thành phố chọn là Năm Doanh nghiệp. Theo đó, thành phố đã ban hành các chính sách và chương trình hành động cụ thể như trích từ ngân sách 1.200 tỷ đồng để giúp các doanh nghiệp vay, thậm chí vay không tính lãi. Đặc biệt, chúng ta đã có Quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… - đây chính là cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận với nguồn vốn vay ban đầu phục vụ cho nhu cầu khởi nghiệp. Với các ý tưởng sáng tạo của sinh viên, Hội Doanh nhân trẻ phải là nơi đầu tiên trực tiếp đầu tư, hỗ trợ để biến các ý tưởng của sinh viên thành hiện thực. “Thành phố luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thanh niên lập thân, lập nghiệp. Mọi cơ chế, chính sách đã có, vấn đề còn lại là hành động của các bạn. Các cấp bộ Đoàn - Hội cũng như thanh niên phải mạnh dạn nắm bắt cơ hội và tham mưu với lãnh đạo để nhận được sự hỗ trợ thích hợp”, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến nói.   

Trả lời đại biểu Đỗ Thúy Nga (Đoàn khối Các cơ quan thành phố) về bài học và kinh nghiệm trong việc giữ ngôi đầu PCI, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho rằng, kết quả này thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và nhân dân thành phố, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lớp trẻ. Chính thế hệ trẻ là người đã đề xuất những cách làm mới, sáng tạo, đóng góp bằng những công việc cụ thể để góp phần vào thành công chung của thành phố. Vị trí này có được giữ vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của người trẻ trong thời gian tới. Bí thư Thành ủy nói: “Càng nhận được nhiều cuộc điện thoại chúc mừng, tôi càng lo thêm. Đạt được đã khó, duy trì nó càng khó hơn. Các bạn đừng quên, chúng ta từng tụt xuống vị trí 12 trong năm 2012, đây chính là bài học để chúng ra rút kinh nghiệm và nỗ lực hơn nữa”.  

Hơn một tiếng đồng hồ đối thoại cùng lãnh đạo thành phố khép lại trong tiếc nuối của nhiều bạn trẻ khi chưa có cơ hội đặt thêm câu hỏi. Dù không giải đáp được hết mọi trăn trở, băn khoăn của 83 đại biểu nhưng chương trình “Đối thoại tháng 3” với chủ đề “Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế-xã hội” được xem là diễn đàn chính thức để thanh niên thẳng thắn bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng đến các lãnh đạo cao nhất của thành phố; đồng thời nhắn gửi đến các bạn thanh niên Đà Nẵng thông điệp: Hãy sống có mục đích, lý tưởng và trọn lòng tin vào tương lai của quê hương, đất nước.

"Để xây dựng một “Đà Nẵng đáng sống” phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ. Các bạn chính là những người đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu này"

Bí thư Thành ủy Trần Thọ

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.