.

Nâng bước thanh niên lập thân, lập nghiệp

.

Từ việc triển khai phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” đã xuất hiện nhiều gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Qua đó, vai trò của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm, tiếp cận khoa học kỹ thuật... càng được khẳng định.

Không chỉ làm giàu cho mình, xưởng sản xuất i-nox của anh Nguyễn Tri Vinh còn tạo công ăn việc làm cho 40 thanh niên tại địa phương.
Không chỉ làm giàu cho mình, xưởng sản xuất i-nox của anh Nguyễn Tri Vinh còn tạo công ăn việc làm cho 40 thanh niên tại địa phương.

Dám mạo hiểm

Qua giới thiệu của Huyện Đoàn Hòa Vang, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Tri Vinh (SN 1981, ở thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang). Người dân ở đây quen gọi anh là “Vinh i-nox”; họ còn đùa bảo “thằng đó “hâm hâm” nhưng được lắm”.

Ngôi nhà của anh Vinh ở cuối thôn, khang trang, rộng rãi và còn mới màu sơn. Ra đón chúng tôi là người thanh niên với vẻ ngoài lấm lem; dáng người chắc, đậm. Anh cho biết, tháng 8-2011, qua giới thiệu của bạn bè, anh vận động cả gia đình mở xưởng làm móc áo quần bằng i-nox với số vốn ban đầu gần 200 triệu đồng.

Trước đó, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) năm 2005, anh Vinh từng làm hướng dẫn viên du lịch, mở mô hình nuôi giun quế. Trong khi gần 2/3 hộ gia đình ở thôn Phú Hạ gắn bó và sinh sống bằng nghề xẻ đá, việc theo đuổi một hướng đi mới như anh Vinh gây không ít hoài nghi cho những người xung quanh. Anh chia sẻ: “Thấy mình có bằng đại học lại đi nuôi giun, làm i-nox, nhiều người bảo bị… hâm. Họ nói, đã mất tiền đi học phải cố xin vào Nhà nước cho oách, những công việc lao động chân tay thế này ai làm không được”.

Tuy nhiên, với anh Vinh, chính khoảng thời gian lăn lộn với đủ thứ nghề đã giúp anh tích lũy nhiều kinh nghiệm sống quý báu, mở ra cho bản thân những suy nghĩ mới về lập nghiệp. “Tôi không theo nghề đá vì tin tưởng có nhiều cách để mình khởi nghiệp, vươn lên làm giàu”, anh bộc bạch.

6 tháng đầu tiên sau khi mở xưởng, anh phải lấy tiền nhà trả cho thợ, chấp nhận bù lỗ đến hàng chục triệu đồng. Sau 3 năm không ngừng học hỏi, tìm hiểu thêm về thị trường, cải tiến kỹ thuật..., đến nay xưởng gia công sản phẩm i-nox của anh đã mở rộng với diện tích gần 300m2, một ngày làm gần 1.000 sản phẩm móc áo quần, đem lại thu nhập cho gia đình hơn 150 triệu đồng/năm. Cả xưởng có 40 lao động là thanh niên trong thôn với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Điều đặc biệt là trong số thợ của anh có không ít người là đối tượng bị đuổi học, nghỉ học giữa chừng, có người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng nhưng không xin được việc làm ở phố cũng về đầu quân.

Cũng mạnh dạn tìm một lối đi mới để lập nghiệp như anh Nguyễn Tri Vinh, từ tháng 10-2013, anh Lê Xuân Vinh (phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cùng 7 người bạn thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thanh niên chuyên nhận tổ chức sự kiện, đám cưới, khai trương..., với số vốn ban đầu 80 triệu đồng. Qua nửa năm hoạt động, HTX đã mở rộng quy mô, mua sắm thêm dàn âm thanh hiện đại, có đội quân “giúp việc” gần 10 thành viên với mức trả công trung bình từ 200.000- 300.000 đồng/ngày.

Để Đoàn làm tốt vai trò cầu nối

Có một thực tế, trên bước đường lập nghiệp của những “ông chủ trẻ” như Nguyễn Tri Vinh, Lê Xuân Vinh và nhiều thanh niên khác, vai trò hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức Đoàn còn khá mờ nhạt.

Là Chủ nhiệm HTX kiêm Bí thư Đoàn phường Thanh Bình (quận Hải Châu), anh Lê Xuân Vinh cho biết, việc thanh niên trên địa bàn phường được trực tiếp vay vốn để kinh doanh, sản xuất rất hiếm. Hiện Đoàn phường nhận quản lý số vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố khoảng 500 triệu đồng; đối tượng được vay là hộ nghèo, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên. “Nếu có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, thanh niên chỉ được vay từ 20-30 triệu đồng, số tiền quá ít so với nhu cầu. Muốn vay lớn hơn, khoảng 100 triệu đồng, họ phải lập đề án, mô hình sản xuất rất công phu nhưng đến nay không mấy người làm được. Trong gia đình thường là bố mẹ đứng ra vay nên không đến lượt thanh niên. Thanh niên chưa có kênh vay vốn nào dành riêng cho mình”, anh Lê Xuân Vinh nói.

Theo anh Đinh Viết Trần Thọ, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang, hiện số thanh niên tự đứng ra làm mô hình kinh tế trên địa bàn huyện khá nhiều, nhưng không mấy ai tiếp cận được nguồn vốn vay để khởi nghiệp. Năm nay, Huyện Đoàn Hòa Vang sẽ đứng ra tín chấp để giúp 11 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ đang hoạt động hiệu quả vay gần 500 triệu đồng. “Việc hỗ trợ này cũng chỉ đi sau, giúp họ mở rộng quy mô sản xuất sau khi đã có mô hình cụ thể. Nhưng có còn hơn không!”, anh Thọ nói. Bên cạnh đó, Huyện Đoàn cũng thành lập HTX thanh niên làm kinh tế với nguồn vốn hỗ trợ ban đầu từ Trung ương Đoàn khoảng 100 triệu đồng.

Lý giải về việc vai trò của tổ chức Đoàn còn khá mờ nhạt trong việc hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, anh Trần Vũ Duy Mẫn - Phó Bí thư Thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN thành phố - cho rằng những quy định của các kênh vay vốn như kênh 120 (vay giải quyết việc làm)… đang gây khó cho thanh niên khi yêu cầu họ phải có tài sản để tín chấp, trong khi những thanh niên khi muốn vay vốn để khởi nghiệp chủ yếu trong tình thế “trắng tay”, số vốn vay được chỉ từ 20-30 triệu đồng, có người vay về chỉ để mua… xe máy, vi tính. “Những năm qua, Đoàn Thanh niên thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động để hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng sự hỗ trợ của Đoàn còn chưa thực sự rõ nét. Đây là khó khăn chung của Đoàn các cấp, bởi bản thân Đoàn chưa có nguồn lực lớn và chính thức nào để chủ động trong hỗ trợ thanh niên. Đoàn cũng trăn trở rất nhiều vì điều này”, anh Mẫn nói.

Để nâng cao vai trò của tổ chức Đoàn trong việc hỗ trợ thanh niên trên bước đường lập thân lập nghiệp, cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành. “Để làm được điều này, theo tôi, Đoàn phải chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố những cách làm hay, sáng tạo nhằm tìm hướng giải quyết hiệu quả cho thanh niên. Bên cạnh đó, bản thân thanh niên cũng cần chủ động và mạnh dạn tạo công ăn việc làm cho chính mình trước khi có sự giúp đỡ từ người khác”, anh Thọ bày tỏ.

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
.
.
.
.
.