Đó là khẳng định của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ tại Hội nghị tổng kết 15 năm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) thành phố (1998-2014) diễn ra sáng 12-3. Dự hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, các ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành, các địa phương và đơn vị liên quan.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh, 1 trong 5 đột phá chiến lược xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng là phát triển NNLCLC; bởi suy cho cùng, mọi chủ trương, đường lối phát triển thành phố nhanh hay chậm, dừng lại hay đi lên đều xuất phát từ công tác cán bộ.
Thành quả lớn từ sự đầu tư thích đáng
Báo cáo do Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Bùi Văn Tiếng trình bày cho biết, sau 15 năm kiên trì triển khai thực hiện công tác phát triển NNLCLC đã góp phần và làm chuyển biến về chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố; qua đó bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, dám nghĩ, dám làm và có khả năng đảm đương dần những trọng trách quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng. Đến nay, thành phố thu hút, bố trí công tác cho 1.043 người tốt nghiệp công lập, chính quy trở lên. Trong đó có 13 tiến sĩ, 224 thạc sĩ, 806 người tốt nghiệp đại học, 45 người tốt nghiệp ở nước ngoài. Rất nhiều cán bộ thu hút đã trưởng thành sau một thời gian ngắn công tác.
Trong đó, 297 người được kết nạp Đảng, 206 người được bổ nhiệm vị trí lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên. Đối với công tác đào tạo NNLCLC, từ năm 2004 đến nay, đã có 608 lượt học viên tham gia Đề án 922; trong đó có 253 nam, 355 nữ. 250 học viên đã tốt nghiệp và về nhận công tác. Những học viên này đều hoàn thành chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo lớn, nằm trong nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới do tổ chức Time Higher Education Supplement (Vương quốc Anh) xếp hạng. “Đây là nguồn cán bộ dồi dào để tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và các chuyên gia, đáp ứng nhu cầu phát triển NNLCLC của thành phố trong tình hình mới”, ông Bùi Văn Tiếng nhấn mạnh.
"Chúng ta đầu tư gần 600 tỷ đồng để phát triển NNLCLC trong những năm qua là rất thích đáng. Nếu so sánh, 600 tỷ đồng bằng đầu tư xây dựng nửa chiếc cầu. Nhưng quan trọng là lực lượng này nếu biết phát huy, khơi dậy năng lực chuyên môn thì họ có thể làm ra rất nhiều chiếc cầu lớn cho thành phố" Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ |
Nói về hiệu quả của công tác thu hút, đào tạo NNLCLC, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thành phố Lâm Quang Minh cho biết, 12 cán bộ được tiếp nhận về làm việc tại đơn vị đã thể hiện rất rõ năng lực công tác. Nhất là năng lực phân tích, đánh giá, thẩm định để xúc tiến các dự án mà thành phố thu hút được các cán bộ thu hút và đào tạo thể hiện rất hiệu quả. “Chúng tôi có cán bộ tốt nghiệp lĩnh vực Tài chính quốc tế, đối với những dự án cần được thẩm định, phân tích năng lực tài chính thì nhiệm vụ này được thực hiện hiệu quả”, ông Minh chia sẻ.
Tăng đãi ngộ đối với lĩnh vực khó thu hút
Trả lời câu hỏi của Bí thư Thành ủy Trần Thọ vì sao bác sĩ tại thành phố vừa thừa nhưng cũng vừa thiếu, Phó Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến thừa nhận việc thu hút bác sĩ ở một số lĩnh vực như tâm thần, da liễu, bệnh lao và bệnh phổi hiện rất khó khăn. Từ năm 1998 đến nay, ngành Y tế thu hút và đào tạo hơn 300 bác sĩ trong và ngoài nước, nhưng phần lớn về phục vụ tại hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phụ sản-Nhi và một số bệnh viện tuyến quận, huyện. Đó là chưa nói đến việc thu hút chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế vẫn còn khó khăn. Trong khi đó, tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn còn diễn ra do số bác sĩ bỏ việc ở các tuyến quận, huyện cũng gây khó khăn cho ngành.
Giải pháp mà ngành Y tế đưa ra là vận dụng hợp tác chuyển giao kỹ thuật, công nghệ từ các chuyên gia đầu ngành để bác sĩ của các bệnh viện tiếp tục nâng cao trình độ. Khẳng định thành phố sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho y tế, Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho rằng, chính người dân thành phố trong thời gian qua đã hưởng lợi lớn từ chính sách thu hút, đào tạo bác sĩ của thành phố; trước đây phải đi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị, nay thì tại Đà Nẵng đã làm khá tốt lĩnh vực này. Để thu hút hiệu quả các lĩnh vực lâu nay vẫn chưa thực hiện hiệu quả như báo cáo của ngành Y tế, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho rằng, thành phố cần tăng đãi ngộ để tạo sự hấp dẫn cho người về làm việc đối với các ngành nghề khó thu hút.
Riêng đối với lĩnh vực văn hóa, hiện vẫn chưa có cán bộ được gửi đi đào tạo để nâng cao trình độ. Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố Trần Chí Cường cho rằng, văn hóa là lĩnh vực khá đặc thù do vậy đề nghị trong thời gian đến cần có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan để vừa thu hút, vừa đào tạo cán bộ có trình độ chuyên sâu; đặc biệt là vị trí đạo diễn các chương trình nghệ thuật lớn, cán bộ có trình độ làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật, thư viện… cần được chú trọng trong thời gian tới bởi Đà Nẵng đang hướng tới thành phố sự kiện. Đối với lĩnh vực quản lý đô thị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Điểu bày tỏ mong muốn cần tiếp tục chú trọng đào tạo cán bộ có trình độ quản lý đô thị giỏi, đáp ứng tốt nhiệm vụ phát triển hạ tầng đô thị của thành phố trong những năm đến.
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Trần Thọ phê bình Giám đốc Sở Xây dựng thành phố vì vắng mặt không báo cáo lý do, không tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị có ý nghĩa quan trọng này. |
Lúng túng khi xử lý vi phạm cam kết
Tính từ năm 2004 đến nay, thành phố đã đầu tư gần 558 tỷ đồng để đào tạo 608 học viên Đề án 992. Trong đó, đào tạo bậc đại học gần 473 tỷ đồng, bậc sau đại học hơn 85 tỷ đồng. Đầu tư kinh phí cho một học viên khá lớn, tuy nhiên trong thời gian qua xuất hiện tình trạng một số học viên vi phạm khi bỏ học giữa chừng, hoặc sau khi tốt nghiệp không trở về thành phố làm việc theo quy định. Theo báo cáo từ Sở Tài chính, có 29 học viên có quyết định ra khỏi đề án phải bồi hoàn kinh phí, trong đó có 23 học viên vi phạm hợp đồng, 6 học viên xin ra khỏi đề án. Tổng kinh phí phải hoàn trả cho thành phố là 33,452 tỷ đồng, chiếm 6% kinh phí thực hiện đề án. Đến nay, 16 học viên đã hoàn trả một phần kinh phí với tổng số tiền thu hồi và nộp ngân sách là 2,347 tỷ đồng. 13 học viên còn lại phải tiếp tục nộp hoàn trả kinh phí với số tiền 31,105 tỷ đồng.
Dẫn chứng về sự vi phạm nói trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh cho biết hiện có 1 trường hợp học viên sau khi tốt nghiệp về làm việc tại thành phố 2 năm sau đó xuất cảnh sang Anh ở. “Theo quy định thì thời gian làm việc liên tục cho thành phố phải là 7 năm, nhưng trường hợp này chỉ làm 2 năm rồi ra nước ngoài. Thành phố có ý kiến thì họ nói sẽ quay lại làm việc để trả đủ thời gian thêm 5 năm nữa. Nhưng chẳng biết lúc nào họ mới quay lại”, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Anh băn khoăn.
Về những vi phạm cam kết của học viên, ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định sẽ thắt chặt quản lý, phối hợp để hạn chế vi phạm. Tuy nhiên, cách thức giải quyết xử lý vi phạm buộc học viên hoàn trả kinh phí của Nhà nước vẫn còn lúng túng. Về hướng giải quyết vi phạm cam kết, Bí thư Thành ủy Trần Thọ chỉ đạo trong thời gian đến, sẽ áp dụng mức bồi hoàn kinh phí 1 lần, thay vì 5 lần như quy định trước đây.
Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố. Trong ảnh: Học sinh lớp 10 trong ngày khai giảng năm học mới 2013-2014. |
Khắc phục độ vênh giữa “chiêu hiền” và “đãi sĩ”
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Trần Thọ khẳng định chính sách thu hút, đào tạo NNLCLC của thành phố đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn khách quan của thành phố. Những kết quả rất ý nghĩa và quan trọng sau 15 năm thực hiện cho thấy chính sách này thật sự vượt trội so với mặt bằng chung và quy định của Nhà nước. Thành phố đã chủ động đưa ra những chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút, đào tạo NNLCLC nhằm đáp ứng tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời gian qua. Trong khâu quản lý, tiếp nhận, bố trí, sử dụng NNLCLC được các đơn vị thực hiện tốt. Học viên có sự nỗ lực, phấn đấu trong học tập và làm việc.
Bí thư Thành ủy khẳng định, hơn 90% học viên diện thu hút, đào tạo thể hiện rõ năng lực chuyên môn, xứng đáng với sự đầu tư kinh phí lớn từ ngân sách thành phố. Bí thư Thành ủy Trần Thọ cho rằng, hơn 1.600 người diện thu hút, đào tạo đã và đang có sự đóng góp rất quan trọng cho thành phố. Nhiều ý kiến của lớp cán bộ này đã hiến kế để thành phố có những bước đi sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả như trong thời gian qua. Đây là bài học quan trọng mà Bộ Chính trị đánh giá, ghi nhận về thành quả 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Bí thư Thành ủy Trần Thọ nêu 5 hạn chế cần tập trung khắc phục. Đó là, ngành nghề trong thu hút, đào tạo có lúc chưa rõ ràng, chưa thật sự chủ động, đôi khi còn lúng túng. Vẫn còn tình trạng chạy theo số lượng, cơ cấu nam - nữ còn lệch lớn. Việc bố trí công việc sau đào tạo có một vài trường hợp không phù hợp nên chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt, chính sách giữa chiêu hiền và đãi sĩ còn vênh nhau, dẫn đến ít nhiều có sự “cân đo, đong đếm” nên chưa phát huy hiệu quả lớn trong công việc của cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp vi phạm cam kết giữa gia đình, học viên và cơ quan. “Khi được cấp kinh phí cử đi học thì vui vẻ, phấn khởi nhưng vì lý do nào đó lại vi phạm cam kết. Trong nhiều cái mất, cái mất lớn nhất là mất niềm tin. Do vậy, đừng để mất niềm tin”, Bí thư Thành ủy lưu ý. Bí thư Thành ủy Trần Thọ cũng cảnh báo một số học viên chưa thật sự cầu thị, khiêm tốn nơi mình công tác nên chưa có sự đoàn kết, ủng hộ của cơ quan nơi công tác.
Để làm tốt hơn công tác phát triển NNLCLC, Bí thư Thành ủy Trần Thọ đề nghị cần tập trung thực hiện hiệu quả 15 công việc. Đó là phải tiếp tục làm và làm tốt hơn công tác phát triển NNLCLC. “Đã là 1 trong 5 khâu đột phá thì phải làm có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể đầu tư theo kiểu dàn trải, nhỏ giọt sẽ khó mang lại thành công như mong đợi”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Cần xác định nhu cầu từ nay đến năm 2020 để có sự phân kỳ theo cơ cấu ngành nghề, số lượng, giới tính để chủ động thu hút, đào tạo.
Trên cơ sở đó cần ưu tiên thu hút, đi liền đó là tổ chức đào tạo có trọng tâm, trọng điểm. Cần tăng đào tạo khối sự nghiệp, ưu tiên cho lĩnh vực y tế, dịch vụ, giảm đào tạo khối hành chính. Phải bảo đảm cơ cấu giới tính phù hợp, tránh trường hợp đào tạo nhiều nữ, ít nam (hiện nay là 66% nữ, 34% nam). Sử dụng cán bộ phải phù hợp với chuyên môn, tạo môi trường làm việc tốt nhất có thể. “Có 3 cái cổng cần lưu ý. Đó là cổng nhà, cổng trường và cổng cơ quan. Trong đó, cổng cơ quan phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để từng cán bộ làm việc, sáng tạo, phát huy chất xám hiệu quả nhất”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nói. Cần tránh tình trạng bị động khi bố trí; tiêu chí để bố trí là việc cần người nhưng người cũng cần việc.
Trong thời gian đến, các cơ quan hữu quan cần sớm ban hành chính sách phù hợp để khắc phục sự vênh nhau giữa “chiêu hiền” và “đãi sĩ”. Từ năm 2014, độ tuổi cử đi đào tạo tiến sĩ không quá 32, thạc sĩ không quá 28, sinh viên xuất sắc không quá 25 tuổi. Nơi bố trí cán bộ là những cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Bí thư Thành ủy Trần Thọ chỉ đạo, từ nay trở đi, đối với tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên xuất sắc được bố trí tăng thêm biên chế ngoài biên chế được UBND thành phố duyệt.
Đối với học sinh cấp 3 đỗ thủ khoa, đoạt giải học sinh giỏi quốc tế, khu vực và trong nước sẽ được cấp học bổng học đại học từ ngân sách thành phố. Việc làm này phải triển khai công khai, minh bạch. Thành phố tiến hành vận dụng những quy định mới của Bộ Chính trị về tiền lương, bổ nhiệm đối với cán bộ diện thu hút, đào tạo. Người đứng đầu thành phố cũng thống nhất cho cán bộ thuộc NNLCLC được thuê chung cư hoặc cho vay ưu đãi từ 10 đến 15 năm để mua nhà chung cư. Ngoài ra, phải thường xuyên cập nhật, bồi dưỡng kiến thức, bồi dưỡng chính trị cho đối tượng thuộc diện NNLCLC; bảo đảm từng cán bộ diện thu hút, đào tạo phải vừa hồng, vừa chuyên.
VIỆT DŨNG