LTS: Ngày 13-3 năm nay, ông Nguyễn Đình An tròn 80 tuổi. Những người làm báo Đà Nẵng rất tự hào có được một cây bút, một cộng tác viên giàu “chất thép” và thủy chung như ông. Chất văn, chất báo trong các bài viết của ông luôn có sức mạnh thôi thúc người đọc. 80 năm của một cuộc đời đầy sôi động, biết và nhớ rất nhiều nhưng thường kiệm lời. Trong cuộc sống cũng như những trang viết, ông luôn nghĩ tốt và viết tốt về đồng chí và những người chung quanh mình. Mấy năm gần đây, dù tuổi cao, sức yếu, nhưng những bài viết của ông vẫn thường xuyên xuất hiện trên báo Đà Nẵng. Sức viết của ông thật đáng nể. Báo Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu trích đoạn trong hồi ký của ông nhân dịp ông thượng thọ.
Ông Hồ Việt tặng hoa nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (phải) nhân dịp đồng chí Hồ Nghinh được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Kỳ 1: Mọi con đường đều hướng ra tiền phương (*)
Những chuyện viết dưới đây là những chuyện có thật nhớ lại. Trí nhớ của một người 80 tuổi về những gì xảy ra cách đây năm sáu chục năm chắc là có nhiều sai sót. Xin được lượng thứ và chỉ giáo.
Đầu những năm 1960, Bộ Giáo dục bắt đầu chú trọng đến việc phát triển năng khiếu của học sinh phổ thông và có chủ trương mở các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc.
Lúc này, trong ngành giáo dục chưa có hệ các trường chuyên, lớp chọn. Ở Hà Nội chúng tôi có “sáng kiến” mở các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, Toán. Tôi phụ trách các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn. Anh Nguyễn Đức Dân (GS,TS Ngôn ngữ học đang công tác ở thành phố Hồ Chí Minh) phụ trách các lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Toán.
Học sinh các lớp này được chọn từ các trường cấp III toàn thành phố, mỗi trường vài ba em, trường lớn 4-5 em. Lúc đầu chỉ mở cho lớp 10 (cuối cấp), sau đó có các lớp dành cho học sinh lớp 8, lớp 9.
Tôi nhớ Lưu Quang Vũ đã tham gia lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, ngay khi học lớp 8 trường phổ thông 3A. Chị Luyện giáo viên Văn cũng là giáo viên chủ nhiệm của Vũ nói với tôi: “Em này có những ý tưởng lạ lắm mà Văn viết thì rất trôi chảy”. Khi giới thiệu em đi học lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn thành phố.
Các em theo học các lớp này, ngoài bảo đảm học một lớp học bình thường còn được học - bồi dưỡng - vào các buổi tối, mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi 2 tiết. Lớp đặt ở trường phổ thông cấp III Trưng Vương. Giáo viên ngoài tôi, còn có một vài thầy cô giáo dạy giỏi được chọn từ các trường.
Các em thường đến trường bằng xe đạp. Có em phải đi bộ khá xa. Tan buổi học chiều, chạy vội về nhà ăn ba miếng cơm nguội rồi lật đật đi học ngay. Có em chưa ăn uống gì, ôm cái bụng rỗng đến lớp. Thời bao cấp, các em và cả chúng tôi đã quen với mọi sự kham khổ.
Tuy không là một lớp chính thức, mỗi tuần chỉ tụ hội một hai buổi nhưng các em đều rất ngoan, chăm chỉ, tự giác say sưa học hành.
Chương trình, phương pháp dạy Văn ở các lớp này cũng không dựa theo một bài bản nào, tuy chúng tôi thường xuyên trao đổi xin ý kiến Vụ Phổ thông. Lúc này, anh Tạ Phong Châu phụ trách bộ môn Văn. Nhưng cơ bản là tự biên tự diễn, thường là mấy người trong các tổ trưởng môn Văn các trường cấp 3 trao đổi phác ra một số nét chính rồi phân công nhau giảng dạy.
Cũng là bình luận, bình giảng, phân tích… những câu (đoạn) thơ, văn, những danh ngôn có hàm lượng triết lý. Lúc này, cuộc chống Mỹ ở miền Nam đã ngày càng quyết liệt, rồi Mỹ lại tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc. “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì tuyến đầu Tổ quốc”, khẩu hiệu này vang lên trong lòng thầy trò chúng tôi và như là hồn cốt của những bài giảng.
Tôi không rõ kết quả các lớp này cũng không nhận được một sự đánh giá nào. Chỉ biết rằng đã đề ra thì phải làm thật tốt với một tấm lòng yêu nghề trong sáng.
Có một trường hợp biết được phần nào kết quả cụ thể, đó là em Bùi Công Linh, học sinh Trường cấp III Nguyễn Gia Thiều, đoạt giải nhì (không có giải nhất). Bài thi của Linh được giới thiệu trang trọng trên Tạp chí Thông tin khoa học kỹ thuật của Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (tương tự như báo Tia Sáng của Bộ Khoa học - Công nghệ ngày nay).
Sau này, Linh công tác ở xưởng phim Đèn Chiếu của Bộ Văn hóa, một lần đi công tác Đà Nẵng, Linh có tìm thăm tôi, thầy trò vui mừng ôn nhớ lại những kỷ niệm về lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn ngày ấy.
Những năm 1963-1964, cách mạng miền Nam chuyển động mạnh mẽ. Mỹ đảo chính lật Diệm, Nhu, thay ngựa giữa dòng. Vùng giải phóng ngày càng mở rộng. Chiến tranh đặc biệt có nguy cơ phá sản. Cả nước sôi nổi không khí không sợ Mỹ vào đông, chỉ sợ không có Mỹ mà đánh.
Hằng ngày, tôi vẫn phải chăm lo công việc của một cán bộ giáo vụ, phụ trách môn Văn ở các trường cấp III Hà Nội, phụ trách lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn, nhưng lòng thì như thơ Tố Hữu: “Bâng khuâng mộng chiến trường”.
Những đợt đi B ngày càng dồn dập, ở đội hình lớn, tuy nói là tuyệt mật nhưng hầu như ai cũng biết. Trong ngành giáo dục Hà Nội, một số giáo viên, cán bộ là các đồng chí miền Nam tập kết lần lượt vắng mặt với lời xì xào “đi rồi! đến rồi!”.
Tôi không thuộc diện miền Nam tập kết, nhưng cả cha mẹ tôi đều là người Quảng, dân Gò Nổi. Mồ côi cha, nhà nghèo, ông già tôi được một người bà con cưu mang cho theo ra Bắc, ăn học. Lớn lên, ông đi học trường sư phạm của Pháp, rồi đi dạy tiểu học ở nhiều tỉnh miền Bắc. Khi bị Pháp điều động lên Sơn La thì bà có bầu. Không dám để bà sống ở vùng thượng du nước độc, ông cho bà về quê. Do đó, tôi được sinh ra ở Hội An. Hết thời hạn ở miền ngược, ông về đón bà và tất nhiên cả tôi ra Bắc. Thế là từ nhỏ xíu, tôi đã ở miền Bắc và sau này là người nói giọng Bắc chuẩn.
Dù vậy, cả ông bà và tôi nữa đều nặng lòng với quê hương và luôn luôn nhận mình là người Quảng.
Sau Hiệp định Genève, nhiều bà con ruột thịt tập kết, chúng tôi càng ý thức hơn mình là người miền Nam, người của tuyến đầu Tổ quốc. Các cô chú miền Nam thường xem nhà tôi là một đồng hương, lui tới thân thiết. Thời bao cấp khó khăn, họ kiếm đủ thứ đem về nhà tôi làm mì Quảng, bánh xèo, thịt heo bánh tráng… ăn cho đỡ nhớ (hay là thêm nhớ) quê hương.
Những ngày ấy, trong tôi cũng như bao bạn trẻ khác luôn cháy bỏng ước mơ ra tiền tuyến. Thủ trưởng của tôi lúc này là chị Nghiêm Chưởng Châu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội (sau này là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục) là người lãnh đạo rất gần gũi thân quý, tôi xem như người chị gái. Nghe tôi thổ lộ nguyện vọng, chị ủng hộ ngay. Chị nói với tôi: “Mình tính để An công tác một thời gian ngắn rồi có kế hoạch cho đi bồi dưỡng nâng cao ở Liên Xô hay Đông Âu, nhưng nếu muốn ra chiến trường thì phải ưu tiên cho nguyện vọng này, vì miền Nam”. Điều mà chị băn khoăn nhất là chị biết tôi đã có người yêu và có thể sắp cưới, vậy có nên xếp tôi vào đội hình đi B lúc này?
Tôi tìm hỏi một đồng chí cán bộ Ban thống nhất, chuyên xét chọn, sắp xếp cán bộ đi B, đồng chí này là học viên bổ túc văn hóa của tôi nhiều năm nên rất thân tình tin cậy. Anh cho biết: “Nếu cưới vợ thì chắc chắn sẽ được đưa ra khỏi danh sách đi B, còn đến bao giờ được đưa trở lại thì chưa có thể nói trước”.
Trong tình hình ấy, người yêu tôi và cả tôi đều thấy chúng tôi có thể gác lại một bên chuyện cưới xin để đi theo tiếng gọi từ trái tim mình, tình cảm này là rất thật và hầu như là có ở tất cả lớp trẻ ngày ấy.
Thế là tôi chuẩn bị ra chiến trường. Công việc của tôi ở Sở, cả lớp bồi dưỡng học sinh giỏi Văn mà tôi chịu trách nhiệm được bàn giao nhanh gọn, tôi không dám lộ bí mật, không nói một điều gì với các em dù có rất nhiều điều muốn nói.
Bàn giao công việc chuẩn bị đi B từ đầu năm 1965, nhưng đến tận tháng 7 tôi mới chính thức tập trung rèn luyện, học tập (đeo ba lô với 30kg gạch, đi bộ) và tháng 11 lên đường.
Lúc đi thì được hối thúc “mau lên! mau lên! không khẩn trương thì không kịp. Mỹ sẽ rút nhanh, Ngụy sẽ đổ nhào”. Nhưng vào đến nơi (chiến trường khu V) thì Mỹ đã đổ quân dày đặc, chiến tranh cực kỳ ác liệt.
Đội hình đi B của tôi phần lớn không được làm giáo dục, phải chịu cảnh “mất dạy”. Tôi may mắn được về công tác ở Báo Cờ Giải phóng (cơ quan của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ và Khu ủy V). Một công việc khá phù hợp và luôn bị cuốn hút với những chuyến đi công tác đồng bằng, đắm mình trong không khí sục sôi của cuộc chiến tranh thần kỳ, với những ngày ở rừng già Trà My làm rẫy cõng gạo mệt đứt hơn và oằn mình chống lại những cơn sốt rét nhưng vẫn bảo đảm bài vở cho ra một tờ báo mà sự tác nghiệp không giống bất cứ một tờ báo nào trên thế gian này.
Công việc, những khổ ải, những chết chóc nguy hiểm, quá ít ỏi điều kiện để nhớ về những ngày yên bình ở Hà Nội và những học sinh của những năm đầu đời đi dạy học.
Nhưng chắc chắn không phải vì trái đất tròn mà vì tất cả mọi con đường đều hướng ra tiền phương. Ở đây tôi đã gặp, đã cùng sống, cùng chiến đấu với những học trò ngày nào mà mình đã đem hết nhiệt tình, sự hiểu biết và cả những điều là lý sự còn sơ giản như văn dĩ tải đạo, văn là vẻ đẹp, chương là vẻ sáng, văn là đời và những câu thơ tuyên ngôn.
Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ
Hơn ngàn trang giấy luận văn chương
trao chuyền trang bị cho họ và tin là từ đó họ sẽ cháy lên ánh lửa.
NGUYỄN ĐÌNH AN
(*) Tít từng kỳ do Tòa soạn đặt