.

Nuôi bò thoát nghèo

.

“Cứ 3 tháng một lần, người bên dự án lên thăm, nếu thấy có khó khăn gì thì họ sẽ hỗ trợ đột xuất. Họ quan tâm lắm, ai cần bò thì cho bò, nếu thiếu chuồng thì cho làm chuồng, thậm chí nuôi bò không đẻ thì cho đổi lại bò luôn”, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Phong Lê Thị Thùy Linh chia sẻ khi nói về dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ nghèo đơn thân”.

Nhờ được hỗ trợ vốn, chị Hoa hy vọng sẽ thoát nghèo sau khi bò đẻ lứa đầu tiên.
Nhờ được hỗ trợ vốn, chị Hoa hy vọng sẽ thoát nghèo sau khi bò đẻ lứa đầu tiên.

Theo chân chị Linh, chúng tôi tình cờ về đúng nhà chị Trần Thị Hoa, người nuôi bò hơn một năm không đẻ. Chị Linh giải thích, “mấy chị đi làm suốt cả ngày, dễ gì mà gặp được họ. Đã nghèo mà không làm thì lấy gì mà ăn”.

Nhà chị Hoa nằm lúp xúp sau giàn mướp đắng trái mùa nên càng trở nên quạnh quẽ. Ngôi nhà trống trơn ngoài mấy chiếc xe đạp bị hỏng để trước phòng khách. Tuy nhiên, cuộc sống của chị Hoa bây giờ cũng đã tạm ổn kể từ khi có sự quan tâm của chính quyền các cấp. Ngôi nhà này đã được xã hỗ trợ 15 triệu đồng xây dựng cách đây khoảng 4-5 năm theo diện hộ nghèo.

Đang chăn bò ăn cỏ sau vườn, chị Hoa cho biết: “Con bò này là cả gia tài. Chăm nó chẳng khác gì chăm con. Nhưng được cái là mình chỉ tốn công thôi. Thỉnh thoảng nó cũng ốm nhẹ… Nếu bệnh nặng thì kêu thú y đến khám”. Cách đây hơn một năm, chị được dự án hỗ trợ vay để mua một con bò khoảng 20 triệu đồng, trong đó dự án hỗ trợ 60% và chị phải trả 40% tổng số vốn vay. Trong khi các hộ khác nuôi bò đều đẻ sau một năm, thì riêng bò nhà chị không đẻ. Vậy là chị tiếp tục đề xuất đổi bò. Chị Hoa tâm sự: “Nuôi bò mà không đẻ thì cũng chưa được lợi gì cả. Chỉ mong con bò này sẽ đẻ để bớt khổ”.

Mô hình dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ nghèo đơn thân” do tổ chức Children of Vietnam (COV) tài trợ được triển khai thí điểm trên địa bàn xã Hòa Phong kể từ tháng 1-2013 dành cho 16 hộ phụ nữ nghèo đơn thân với tổng số tiền gần 250 triệu đồng. Hiện nay, đã có 9 hộ vươn lên thoát nghèo nhờ mô hình dự án, 7 hộ còn lại dự kiến sẽ thoát nghèo trong năm nay. Chị Lê Thị Thùy Linh cho biết: “Dự án hỗ trợ vốn 60%, mấy chị chi trả 40% tổng số vốn trong vòng 2 năm nhưng đến nay các chị đã trả xong. Thông qua chương trình của dự án, các chị đã được hỗ trợ mua bò, heo, gà, vịt giống; làm chuồng bò, nhà vệ sinh và tập huấn kiến thức chăn nuôi, trao học bổng… Tùy theo nhu cầu của từng chị mà có sự hỗ trợ sao cho thiết thực. Với mong muốn của dự án là làm sao cho các chị thoát nghèo bền vững nên người bên dự án giám sát rất kỹ. Nhờ vậy, chị nào đã thoát được nghèo là thoát nghèo rất bền vững. Riêng chị Hoa là trường hợp khá đặc biệt nên còn khó khăn hơn các hộ khác”.

Hiện nay, trên địa bàn xã Hòa Phong có 338 hộ nghèo, trong đó hộ phụ nữ nghèo chiếm hơn 50%, có khoảng 50 hộ phụ nữ nghèo đơn thân. Nói về hiệu quả của dự án trên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Hiệp phấn khởi: “Mô hình này đã có hiệu quả rất tốt ở xã Hòa Phong, chị nào đã thoát nghèo thì thoát nghèo thấy rõ. Trong năm nay, dự án sẽ được tiếp tục triển khai rộng trên địa bàn các xã Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Tiến với hơn 100 hộ”.      

Bài và ảnh: GIA HUY

;
.
.
.
.