Xóm nhỏ ấy nổi tiếng với tên Chín Chủ gồm 9 nóc nhà ở ngã ba sông La Thọ và Cổ Cò (nay thuộc thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) quây quần làm ăn, sinh sống. Nơi đây là căn cứ địa cách mạng vững chắc, cơ quan đầu não, hậu cứ của quận Nhất (nay là quận Hải Châu, Đà Nẵng), trạm giao liên thông suốt, lãnh đạo phong trào cách mạng thành phố Đà Nẵng.
Tượng đài và bia di tích cách mạng xóm Chín Chủ vừa được xây dựng. |
Nơi đây cũng ghi dấu ấn những chỉ đạo và cánh quân xuất phát tiến vào chiếm lĩnh các cơ sở quân sự, ngụy quyền tại Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975.
Xóm nhỏ kiên trung
Xóm Chín Chủ khá nhỏ với chiều dài khoảng 1km, chiều ngang khoảng 500m, lại bị bao vây bởi 10 đồn địch trong phạm vi quanh xóm 2km. Nhưng với địa lợi ở ngã ba sông La Thọ và Cổ Cò, lại được bao bọc bởi lũy tre làng dày rợp, nơi đây trong 2 cuộc kháng chiến - nhất là kháng chiến chống Mỹ - trở thành căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo phong trào cách mạng ở huyện Điện Bàn và thành phố Đà Nẵng.
9 gia đình gồm: hộ ông Lê Huynh, Lê Mới, Lê Trọng Lan, Đào Lực, Trần Thị Lưỡng, Lê Rựa, Lê Tặc, Lê Tế (Sáu Thúy) và Trần Toán đã đùm bọc, chở che, nuôi giấu cán bộ, chiến sĩ Huyện ủy Điện Bàn, Tỉnh ủy Quảng Đà, Thành ủy, An ninh quận Nhất, quận Nhì của thành phố Đà Nẵng, biệt động 91, tiểu đoàn R20, V25... và cán bộ, dân quân du kích các xã lân cận. Vì vậy, bọn ác ôn, ngụy quân, ngụy quyền, lính Mỹ, lính Nam Triều Tiên… đánh phá ác liệt ngày đêm, bom cày đạn xới, càn quét xúc tát, bắt bớ tra tấn, tù đày, gây nên bao cảnh tang thương.
Cả xóm có 9 hộ gia đình duy trì tục nấu cơm chung, ăn chung, đấu tranh chung nhưng ngủ riêng, chỉ 1-2 người ngủ một hầm để tránh tổn thất do bom tọa độ, đại bác địch từ năm 1969 đến ngày quê hương hoàn toàn giải phóng. Từ một bến đò là Hương Biều khá trọng yếu bị địch thường dùng phi pháp, bộ binh tập kích ác liệt, nhân dân xóm Chín Chủ đã lập ra 5 bến đò bí mật với việc giấu thuyền, tre xuống đáy sông vào ban ngày, ban đêm vớt lên làm cầu khỉ, vận chuyển cán bộ, bộ đội, du kích, vũ khí qua sông.
Xóm nhỏ này lúc đông dân nhất khoảng 60 người nhưng chủ yếu là người già, trẻ em, còn người lớn tham gia công tác địa phương, du kích hoặc thoát ly đi bộ đội, nên lập ra đội du kích “chăn trâu đánh giặc” gồm trẻ em từ 10-12 tuổi để cảnh giới địch, gỡ mìn địch cài, cài mìn diệt nhiều lính ngụy, Mỹ và Nam Triều Tiên…
Tiến vào nội thành
Từ xóm Chín Chủ, cán bộ, bộ đội, du kích, giao liên, cơ sở tự vệ, biệt động thành… ra vào hoạt động nội thành Đà Nẵng. Nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo chủ chốt như Hồ Nghinh, Hồng Thắng, Năm Dừa, Phạm Như Hiền, Lê Công Thạnh, Kim Anh… đã đứng chân ở đây để chỉ đạo, lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm đầy khó khăn, gian khổ, ác liệt.
Ông Lê Văn Huấn, nguyên Phó Bí thư Quận ủy quận Nhất, cho rằng: “Nơi đây được xem là hậu cứ của quận Nhất mà chúng tôi thường gọi là “khu hậu cứ lòng dân”. Về quân sự, nơi đây là đầu mối tiếp nhận vũ khí, tổ chức ngụy trang, vận chuyển vào thành phố đáp ứng yêu cầu cho lực lượng tự vệ, biệt động tác chiến, đánh kho bom Phước Lý, kho xăng Shell, cảng Nại Hiên, khách sạn Ngã Năm…, và các trận đánh lớn trong chiến dịch Xuân Mậu Thân (1968), các chiến dịch quân sự từ năm 1971-1974. Đặc biệt, sau khi cải trang vào thành phố lập ban khởi nghĩa, chỉ đạo phối hợp với các lực lượng tự vệ, biệt động, sẵn sàng chiếm lĩnh các trụ sở, cơ quan địch, vào sáng 29-3-1975, đồng chí Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Quận ủy quận Nhất, điện về xin Bộ Tư lệnh tiền phương Mặt trận 4 cho lệnh tấn công giải phóng Đà Nẵng.
Ông Lê Văn Thi, cựu chiến binh thôn Đông Hồ, kể thêm: “Ngày 28-3-1975, tại xóm Chín Chủ, theo lệnh của Mặt trận 4, đồng chí Lê Công Thạnh, Phó Tư lệnh chính trị Mặt trận 4 thành lập Tiểu đoàn 4 (bao gồm lực lượng của Huyện đội Điện Bàn và Hòa Vang) do đồng chí Lê Ngọc Đường, Huyện đội trưởng Huyện đội Điện Bàn chỉ huy, hành quân đánh địch từ Tứ Câu đến Hòa Quý ra Ngũ Hành Sơn rồi tham gia đánh sân bay Nước Mặn, góp phần giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng”.
Xây dựng địa chỉ đỏ
Sau ngày giải phóng, do đây là vùng đất thấp lụt nên các hộ dân của xóm Chín Chủ đã di dời đến nơi ở mới nhưng cũng thuộc thôn Đông Hồ. Ông Lê Văn Nuôi, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Đông Hồ, xã Điện Hòa cho hay: “Toàn thôn Đông Hồ có 151 liệt sĩ, 29 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH), riêng xóm Chín Chủ có 11 liệt sĩ, 7 Bà mẹ VNAH, 7 thương binh. Sắp đến, có thêm 2 Bà mẹ VNAH nữa được công nhận theo tiêu chuẩn mới là cả 9 gia đình xóm Chín Chủ trước đây đều có Bà mẹ VNAH. Trải qua thời gian dài, xóm Chín Chủ xưa kia người còn, người mất, nhưng Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, hỗ trợ các gia đình chính sách nên hầu hết các hộ có cuộc sống ổn định. Chỉ riêng hộ ông Lê Trung Tán, con liệt sĩ Lê Trọng Lan và Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Chỉ là hộ cận nghèo và có hoàn cảnh khá khó khăn”.
Nói rồi, ông Nuôi đưa chúng tôi đến nhà ông Tán, thành viên thuộc đội du kích “chăn trâu đánh giặc” xưa kia. Sau một hồi kể về những kỷ niệm một thời làm du kích đánh giặc, cảnh giới và cùng gia đình nuôi giấu cán bộ, bộ đội, ông Tán thoáng buồn nói về vợ là bà Nguyễn Thị Liên cũng tham gia giao liên, du kích, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng ba. Bà Liên bị tai biến, nằm một chỗ 6 năm nay, chỉ rời khỏi giường ra sân hít thở khí trời trên chiếc xe lăn đã hư hỏng nặng. Gia đình ông Tán có anh con trai là Lê Thanh Hải vừa tốt nghiệp trung cấp nấu ăn ở Trường CĐ Nghề Việt - Úc (Đà Nẵng) năm 2013 hiện chưa có việc làm, phải ở nhà. Cô con gái Lê Thị Thanh Thuận (22 tuổi) bị bệnh do nhiễm chất độc da cam nên bỏ học, ở nhà phụ ba chăm sóc mẹ.
Ông Nuôi đưa chúng tôi đến thắp nhang tại khu di tích cách mạng xóm Chín Chủ vừa được xây dựng vào tháng 7-2013 trên khu đất khá rộng sát xóm Chín Chủ xưa kia. “Công trình được Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 300 triệu đồng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 200 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Quận ủy và UBND quận Hải Châu, Công an quận Hải Châu, Cảng Đà Nẵng… ủng hộ thêm 90 triệu đồng để xây dựng, thỏa ước mong canh cánh của người dân thôn Đông Hồ cùng các cán bộ, bộ đội xưa kia hoạt động tại xóm Chín Chủ. Đây là nơi ghi dấu những năm tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh đã ngã xuống, góp thêm một địa chỉ đỏ giáo dục về truyền thống yêu nước. Chúng tôi chỉ mong các cơ quan, đơn vị của Đà Nẵng, quận Hải Châu và tỉnh Quảng Nam, huyện Điện Bàn tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm một số hạng mục công trình phục vụ, trùng tu và thường xuyên đưa các đoàn học sinh, đoàn viên thanh niên về tham quan, giáo dục truyền thống, để di tích đã xây dựng xong không bị mai một, hoang vắng”, ông Nuôi nói.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP