.

Vinh dự và tự hào

.

Với các mẹ, việc được phong tặng danh hiệu cao quý Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) đợt này, theo Pháp lệnh mới đối với người có công, là niềm vinh dự và tự hào lớn.

 

Mẹ Đỗ Thị Hòe (ở tổ 32, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) năm nay 93 tuổi, là vợ của liệt sĩ Huỳnh Liễu và mẹ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đức. Mẹ bùi ngùi kể lại nỗi đau thương khi nghe tin chồng hy sinh vào năm 1968, và khi chưa hết tang chồng thì gần một năm sau, người con trai của mẹ ngã xuống trên đường đi công tác ở vùng núi Quảng Nam. Thù nhà hòa chung mối thù của toàn dân tộc đối với giặc Mỹ xâm lược và bọn ngụy quyền tay sai, mẹ lại càng hăng say đấu tranh chính trị, nuôi giấu cán bộ, đi khiêng thương, tải đạn…

Mẹ Võ Thị Huỳnh nâng niu 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công như nâng niu các con mình.
Mẹ Võ Thị Huỳnh nâng niu 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công như nâng niu các con mình.

Tuổi cao, sức yếu, giọng nói khàn khàn yếu ớt, nhưng trong từng lời mẹ Hòe nói toát lên niềm tự hào, phấn khởi, khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH trong đợt này.

Còn người con dâu của mẹ, bà Nguyễn Thị Chua, cũng hồ hởi bộc bạch niềm vinh dự, tự hào khi mẹ Hòe được nhận danh hiệu cao quý. Vợ chồng bà Chua đã nhiều năm công tác trong quân đội, về hưu cùng hăng hái tham gia công tác địa phương, chồng bà làm Chi hội trưởng CCB, còn bà được chị em bầu làm Chi hội trưởng phụ nữ. “Tự hào về mẹ, tự hào về truyền thống gia đình, mình phải tiếp tục phấn đấu, cống hiến, góp công góp sức xây dựng thành phố quê hương”, bà Chua chia sẻ.    

Ở phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) có mẹ Võ Thị Huỳnh năm nay 94 tuổi. Ngày ngày cứ mân mê, ngắm nhìn hai tấm bằng Tổ quốc ghi công như nâng niu chính hai người con của mình. Nỗi đau lớn trong lòng mẹ là anh con trai cả - liệt sĩ Trần Huỳnh hy sinh năm 1962, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Mẹ Huỳnh ngậm ngùi nói rằng, trước khi mẹ nhắm mắt xuôi tay, chỉ mong tìm thấy được di hài của con trai. Trong ký ức của mẹ còn khắc sâu hình ảnh người con trai út, liệt sĩ Trần Văn Chu, Xã đội phó xã Duy Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Hôm ấy, khi Chu đang cùng anh em du kích ăn cơm trong nhà mẹ thì giặc Mỹ ập đến bất ngờ và một trận đánh không cân sức diễn ra. Chu nhanh nhẹn chạy tách khỏi đội hình, nổ súng ngăn chặn và thu hút địch, tạo điều kiện cho đồng đội chạy thoát qua sông Lệ Bắc, còn anh bị trúng đạn, hy sinh ngay trên bãi cát phía trước nhà.

Trong vòng 5 năm, hai người con trai lần lượt hy sinh, để lại cho mẹ Huỳnh nỗi đau không gì bù bắp được. Cô con gái của mẹ, nguyên là chiến sĩ vận tải của “Tiểu đoàn bà Thao”, bị bệnh mất năm 1989. Từ đó, mẹ sống với người cháu ngoại, sớm hôm bà cháu chắt chiu, đùm bọc nhau. Cả gia đình người cháu đều cảm thấy niềm vinh dự và tự hào to lớn khi bà ngoại được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH.  

Mẹ Đỗ Thị Hòe và người con dâu.
Mẹ Đỗ Thị Hòe và người con dâu.

Mẹ Phan Thị Thắng (ở tổ 20, phường Tân Chính, quận Thanh Khê) đã ngoài 90 tuổi, đang nằm viện điều trị do bị té ngã. Anh Đặng Ngọc Lực, con mẹ Thắng, đang công tác trong lực lượng Công an thành phố Đà Nẵng, cho biết cha hy sinh năm 1971, chị gái hy sinh năm 1969, lúc anh còn nhỏ. Đến bây giờ, anh vẫn còn nhớ rõ, mẹ anh nhiều lần bế con nhỏ ra đứng trước đầu xe tăng địch, kiên quyết không cho chúng ủi lên đám mía. Bà nói lớn: “Vì mẹ con tôi chỉ có đám mía này để bán mua gạo ăn hằng ngày, nếu các ông ủi mía, mẹ con tôi biết lấy gì mà sống?”… Trước những lý lẽ đó, tên chỉ huy buộc phải ra hiệu cho đoàn xe vòng tránh, và mỗi lần buộc xe tăng địch chạy tránh là mỗi lần mẹ anh cứu được cán bộ, du kích, thương binh đang nấp trong đám mía.

Tin mẹ Thắng được phong tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH làm cả gia đình anh Lực lâng lâng niềm tự hào, vinh dự. Anh Lực hồ hởi nói rằng, các thành viên trong gia đình anh ai cũng phấn khởi, ai cũng ra sức phấn đấu, học tập, công tác và nhiều người tham gia lực lượng vũ trang nhằm góp phần bảo vệ sự nghiệp cách mạng mà thế hệ cha anh đã xây đắp nên bằng biết bao xương máu.    

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.