.
YÊU THƯƠNG VÀ CHIA SẺ

Cần hơn bao giờ hết

.

Lần đầu tiên Việt Nam tổ chức Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3. Chủ đề được chọn tại Việt Nam năm nay là “Yêu thương và chia sẻ” với mong muốn mỗi người hãy yêu thương và chia sẻ cùng nhau từ trong gia đình, dòng tộc, cộng đồng, từ giữa những người bạn bè, anh em, đồng chí bằng những hành động thiết thực.

Chỉ từ một, hai ngàn đồng nuôi heo đất nhiều học sinh đã biết cách chia sẻ với bạn nghèo.
Chỉ từ một, hai ngàn đồng nuôi heo đất nhiều học sinh đã biết cách chia sẻ với bạn nghèo.

Tháng 6-2012, Liên Hợp Quốc tuyên bố chọn ngày 20-3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên chủ đề “Yêu thương và chia sẻ” được chọn trong lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện này. Tình yêu thương và sự chia sẻ chính là nguồn sức mạnh lớn lao để mỗi con người, mỗi gia đình và dân tộc phát triển. Đó là thứ “dưỡng chất” tuyệt vời cho từng cá thể và cho cả cộng đồng vươn lên tích cực. Ở đâu có tình thương, nơi đó hạnh phúc ngự trị. Xung quanh chủ đề này, Th.s Tâm lý Bùi Văn Vân, Chủ nhiệm Khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ:

-  Tình yêu thương và sự sẻ chia có giá trị muôn đời. Từ xa xưa, ông cha ta đã luôn răn dạy con cháu về điều này qua những câu ca dao, tục ngữ, những câu chuyện kể. Trong xã hội hiện đại, tình yêu thương lại cần hơn bao giờ hết. Bởi con người trong đời sống quá đủ đầy vật chất cứ ngỡ đồng tiền có thể làm thay nhiều điều. Chúng ta vô tình hay cố ý lạm dụng những thứ mà tiền có thể mua được để bù đắp hoặc thay thế cho tình cảm chân thành từ trái tim.

Thạc sĩ Tâm lý Bùi Văn Vân
Thạc sĩ Tâm lý Bùi Văn Vân

Càng trong guồng máy công việc với những bộn bề, con người càng cần hơi ấm của tình cảm để xoa dịu nỗi cô đơn và sự lạnh lùng. Có những nỗi cô đơn khiến con người bị tổn thương tâm lý, cũng có những vấn đề do thiếu sự yêu thương chia sẻ nên ảnh hưởng trầm trọng đến tính mạng của con người. Hiện tượng tự tử là một ví dụ. Thiếu tình cảm yêu thương, con người không có động lực để phấn đấu, càng khó có kết quả lao động viên mãn và rất dễ xung đột. Ngược lại có tình yêu thương con người cảm thấy phấn chấn để sống và hành động tích cực hơn.

* Thưa Th.s Bùi Văn Vân, không ít ý kiến bi quan rằng xã hội ngày nay đang bị “khủng hoảng tình thương” khi ngày nào cũng nghe đầy rẫy những câu chuyện man rợ chặt chém, thiêu sống, hủy hoại nhau đầy lạnh lùng. Dưới góc độ tâm lý học, thầy có cho rằng chúng ta đang đối mặt với “khủng hoảng” thật sự?

- Nói xã hội đang “khủng hoảng” tình thương thì chưa hẳn. Bởi đó chỉ là một mặt trong biết bao chuyện tốt đẹp đang diễn ra. Vẫn có hàng bao trẻ em khuyết tật, người nghèo được những tấm lòng nhân ái, bàn tay ấm áp chia sẻ, nâng đỡ; đang có hàng bao gia đình vẫn yêu thương nhau, vì nhau. Không phủ nhận những cách ứng xử thiếu tình người đang tồn tại và có vẻ nhiều lên, nhưng chúng ta cũng cần tích cực hơn trong việc “đưa ra ánh sáng” những việc tốt, người tốt, câu chuyện hay để xã hội có cái nhìn khách quan về thực tại. Như cái đà này, ngày nào mở mạng lên cũng thấy đâm, chém, giết, hiếp như một cách đưa tin câu khách thì đúng là người thiếu bản lĩnh sẽ bi quan.

Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường cần phối hợp hơn nữa trong việc làm tấm gương về tình yêu thương và sự sẻ chia cho thế hệ trẻ noi theo. Yêu thương và sẻ chia ngay trong chính gia đình, mái trường của mình, từ đó mở rộng giáo dục cho trẻ về giá trị của những phẩm chất này. Không riêng trẻ em, cha mẹ cũng cần trau dồi kỹ năng sống để giúp con biết chắt lọc yêu thương và có bản lĩnh loại trừ cái xấu.

Thêm một điều tôi muốn chia sẻ, yêu thương là giá trị lớn nhất, đáng trân trọng nhất của con người. Hãy luôn nuôi dưỡng tình yêu thương bằng những việc gần gũi với cuộc sống quanh mình.

Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm Ngày Quốc tế Hạnh phúc theo đề xuất của Vương quốc Bhutan, quốc gia nhỏ bé ở  Nam Á, phía đông dãy Himalaya. Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân.

HƯỚNG DƯƠNG

;
.
.
.
.
.