.
60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014)

Phối hợp với Điện Biên Phủ

.

Đã 60 năm trôi qua, Anh hùng LLVTND Trần Văn Lượng (thường gọi là Hồ Phúc Ngôn), ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu, nguyên chiến sĩ Đội đặc công 11 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời chống Pháp, vẫn còn nhớ như in các hoạt động phối hợp với Điện Biên Phủ trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng.

Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn
Anh hùng LLVTND Hồ Phúc Ngôn

...Hồi ấy, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng quyết định mở Chiến dịch Xuân Hè 1954 để phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ. Các lực lượng vũ trang của tỉnh liên tục đánh điểm, diệt viện, cắt giao thông, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.

Tháng 2-1954, giặc Pháp từ Tây Nguyên càn xuống, chiếm đóng cầu Câu Lâu, hòng khống chế con đường giao thông huyết mạch từ Đà Nẵng đến Tam Kỳ (Quảng Nam). Bộ đội và du kích thường xuyên tổ chức phục kích, đánh mìn ở hai phía nam, bắc cầu và ngăn chặn các hoạt động của địch trên tuyến đường này. Đầu tháng 3-1954, Đội đặc công 11 nhận nhiệm vụ tấn công tiêu diệt bọn địch chiếm giữ tại hai đầu cầu, góp phần giam chân địch, không cho chúng có điều kiện chi viện lên Điện Biên Phủ.  

Anh hùng Hồ Phúc Ngôn hào hứng kể: Sau 3 lần điều nghiên thực địa, chúng tôi nắm rõ lực lượng và các thủ đoạn phòng ngự của địch. Tại hai phía đầu cầu, chúng xây dựng hai đồn kiên cố, do một đại đội lính Âu - Phi chiếm giữ, có các boong ke kiên cố, xung quanh có 18 lớp rào dây thép gai bao bọc. Ban đêm, chúng liên tục đi lại tuần tra trên cầu, đèn pha quét sáng cả trên cầu và dưới nước, thỉnh thoảng bắn xuống sông và những nơi nghi ngờ, đề phòng ta tấn công…

Hoàn thành công tác điều nghiên thực địa, toàn đội đắp sa bàn huấn luyện, đặt ra nhiều tình huống để xử trí. Ban chỉ huy tổ chức lực lượng thành hai phân đội: Phân đội 1 có 30 đồng chí, do Đội trưởng Trần Hữu Tạo chỉ huy, đánh quân địch ở phía nam cầu. Trong phân đội này, ông Ngôn được giao làm mũi trưởng mũi thọc sâu, có nhiệm vụ đánh thẳng vào vị trí chỉ huy của địch. Phân đội 2 có 20 đồng chí, do Đội phó Nguyễn Văn Thành chỉ huy, đảm nhiệm tấn công quân địch ở phía bắc cầu.

23 giờ 30 phút ngày 25-4-1954, các mũi lần lượt vượt qua hàng rào, “lót vào” bên trong mục tiêu. Chờ cho tên lính gác vào gọi đồng bọn thay gác, tổ thọc sâu bí mật bám theo. Khi tên này vừa đi vào nhà, toàn tổ nổ súng tấn công, làm hiệu lệnh cho toàn trận đánh. Mũi thọc sâu nhanh chóng đánh chiếm khu vực chỉ huy, thông tin và tiếp tục phát triển vào trong trung thâm. Phân đội 1 ào ạt tấn công và nhanh chóng làm chủ trận địa. Trong khi đó, ở đầu cầu phía bắc, phân đội 2 tiềm nhập có dấu hiệu bị lộ, quân địch bắn xối xả vào đội hình. Lập tức, toàn phân đội chuyển sang cường tập, đồng loạt vượt rào, nhảy vào trong, dũng mãnh tấn công, đánh chiếm các mục tiêu. Sau 15 phút, toàn bộ quân địch bị tiêu diệt và bị bắt sống. Theo hợp đồng, một tổ công binh nhanh chóng tiến vào, dùng thuốc nổ đánh sập cầu.

Cầu Câu Lâu bị đánh sập, việc cơ động, vận chuyển, tiếp tế của địch gặp nhiều khó khăn, đồng thời chúng phải căng quân ra đối phó khắp nơi, phải lo chiếm giữ cầu, cống trên các tuyến giao thông… Quảng Nam-Đà Nẵng đã thực hiện tốt chủ trương giam chân địch và làm phân tán quân cơ động của chúng, thiết thực góp phần “chia lửa” với chiến trường Điện Biên Phủ.

Cùng mục đích phối hợp với Điện Biên Phủ, giữa tháng 3-1954, Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng đã tổ chức phục kích, tiêu diệt đoàn xe Pháp trên đường 104 (Duy Xuyên, Quảng Nam). Trận phục kích thể hiện rõ phương châm đánh điểm kết hợp diệt viện của ta hồi ấy. Cụ thể, sau khi đồn Non Trượt tại Duy Xuyên bị ta tấn công, một đoàn xe Pháp từ Đà Nẵng chở viện binh lên ứng cứu đồng bọn. Tỉnh đội Quảng Nam-Đà Nẵng chủ động sử dụng lực lượng, tổ chức trận địa phục kích trên đường 104 (tại đoạn chợ Chùa-cầu Chìm) và đã diệt gọn 1 tiểu đoàn địch, phá hủy hàng chục ô-tô, thu hàng trăm khẩu súng các loại…

Bài và ảnh: M.N

;
.
.
.
.
.