.

Cai nghiện tại cộng đồng: Không dễ!

.

Đà Nẵng đang hướng đến đẩy mạnh mô hình cai nghiện tại cộng đồng. Đây là mô hình đầy tính nhân văn, giúp người cai nghiện không bị tách biệt với xã hội. Tuy nhiên, để thực hiện được thì vẫn còn là chặng đường dài.

Học nghề tại Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06.
Học nghề tại Trung tâm Giáo dục-dạy nghề 05-06.

Mô hình mới

Nhiều năm nay, Đà Nẵng cũng như cả nước đều thực hiện hình thức đưa người nghiện vào Trung tâm Giáo dục - dạy nghề 05-06 (Trung tâm) để cai nghiện. Việc cai nghiện từ trước đến nay là cách ly người nghiện khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn, tách họ ra khỏi cộng đồng với thời gian nhất định để khi trở về cộng đồng họ có thể cai nghiện. Tuy nhiên, theo quan điểm mới xác định, nghiện ma túy là một bệnh do rối loạn mãn tính của não bộ cần có chương trình điều trị thích hợp, lâu dài.

Vì vậy, tháng 12-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tới năm 2020, với mục tiêu chính là thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị bao gồm điều trị tự nguyện tại cộng đồng; điều trị bắt buộc tại trung tâm; mở rộng điều trị bằng thuốc Methadone. Trong đó, thể hiện quan điểm mới là tăng dần việc điều trị tại cộng đồng, tạo điều kiện cho người nghiện dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị thích hợp; đồng thời, giảm dần việc điều trị bắt buộc, chỉ áp dụng cho người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của tòa án. Đà Nẵng cũng đang triển khai mô hình này.

Chi cục PCTNXH Đà Nẵng cho biết, trước đây, nếu phát hiện người sử dụng chất ma túy lần đầu, không có tiền án, cơ quan chức năng sẽ tiến hành lập biên bản, buộc họ ký cam kết không tái phạm và cho về gia đình giáo dục. Nếu sử dụng chất ma túy lần thứ 2, không kể thời gian 1 tuần hay 1 tháng, đối tượng phải vào trung tâm cai nghiện tập trung. Bây giờ, dù nghiện lần đầu, việc cai nghiện sẽ được thực hiện tại cộng đồng.

Lo lắng

Theo chị Nguyễn Thị Nguyên, cán bộ phụ trách công tác phòng chống ma túy, mại dâm thuộc phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, cai nghiện tại cộng đồng là việc không hề đơn giản. “Khi đưa vào Trung tâm, người nghiện được cách ly nên việc cai nghiện dễ hơn. Người nghiện vẫn được sinh sống tại chỗ, có thể gặp gỡ, tiếp xúc với bạn bè xấu, nếu không có sự quản lý, giám sát chặt chẽ từ phía gia đình và các tổ chức xã hội sẽ dễ bị tác động, khiến họ khó có thể từ bỏ được ma túy” - chị Nguyên nói. Chị cho biết, địa phương đang quản lý 14 đối tượng sau cai, hiện chưa có đối tượng nghiện mới. Việc vận động, tuyên truyền và giúp đỡ người sau cai luôn được địa phương quan tâm để người nghiện không tái nghiện, tuy nhiên cũng không dễ.

Đồng quan điểm với chị Nguyên, anh Bùi Ngọc Lý, cán bộ phụ trách công tác phòng chống ma túy, mại dâm thuộc phường Hòa Cường Nam cho rằng, công tác cai nghiện tại cộng đồng cần sự phối hợp của nhiều ngành. “Chúng tôi luôn giúp đỡ, tạo việc làm, giúp họ vay vốn. Tuy nhiên, hiện địa phương đã có một số người tái nghiện. Một số đối tượng thì lại có hộ khẩu nơi khác nên việc quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, nếu thực hiện cai nghiện tại cộng đồng thì rất khó, cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành” - anh Lý thổ lộ.

Theo Chi cục trưởng Chi cục PCTNXH Đà Nẵng Lê Minh Hùng, để triển khai công tác cai nghiện tại cộng đồng, cần có đủ điều kiện y tế, nhân sự, kinh phí, việc giám sát, quản lý người nghiện tại nơi cư trú. Tuy nhiên, hiện y tế cấp phường, xã cũng chưa có đội ngũ nhân sự có thể thực hiện cắt cơn, giải độc cho người nghiện. Các xã, phường hầu như không có lực lượng chuyên trách đủ trình độ chuyên môn sâu về cai nghiện ma túy, hầu hết là kiêm nhiệm, thù lao thấp.

Bài và ảnh: P.TRÀ

;
.
.
.
.
.