.

Cảnh giác trước nguy cơ cháy nổ mùa khô

.

Đà Nẵng đang bước vào mùa khô hanh với nhiều ngày liền nhiệt độ tăng cao và nắng gay gắt nên thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, nhất là ở những khu vực tập trung đông đúc người dân và hàng hóa như: các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu dân cư cũ, nhà cao tầng, kho chứa hàng hóa, trung tâm thương mại, chợ...

Cơ quan chức năng khuyến cáo hộ kinh doanh cần sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC.  TRONG ẢNH: Khu vực buôn bán giày dép, ba lô tại chợ Cồn.
Cơ quan chức năng khuyến cáo hộ kinh doanh cần sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp, bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC. TRONG ẢNH: Khu vực buôn bán giày dép, ba lô tại chợ Cồn.

Đám cháy nhỏ, nỗi lo lớn

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng, tính từ ngày 16-11-2013 đến hết ngày 15-2-2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 20 vụ cháy. Trong đó, 19 vụ cháy tại nhà dân và tại các cơ sở sản xuất- kinh doanh, làm 3 người bị thương; tổng thiệt hại về tài sản gần 260 triệu đồng và một vụ cháy rừng trên địa bàn huyện Hòa Vang. Hiện đang bước vào mùa hanh khô nên nếu các cơ quan chức năng, người dân lơ là, không cảnh giác với “giặc lửa” thì hậu quả sẽ khôn lường.

Mới đây nhất, trên địa bàn thành phố xảy ra 2 vụ cháy liên tiếp. Mặc dù thiệt hại về tài sản của 2 vụ cháy không lớn nhưng cho thấy nỗi lo lắng về nguy cơ cháy nổ là rất gần. Cụ thể, ngày 14-4, tại nhà bà Nguyễn Thị Xí (SN 1974, trú tổ 46, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) xảy ra đám cháy, nguyên nhân được xác định do thời tiết nắng nóng, đường dây điện trên mái tôn của nhà bà Xí bị chảy lớp vỏ nhựa gây chập điện, sau đó phát ra tia lửa điện, gây cháy.

Trước đó, tối 13-4, tại khu vực hướng đông của chợ Quán Hộ (số 135 Kỳ Đồng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cũng xảy ra vụ cháy khiến một số vật dụng như cánh quạt, tủ gỗ... bị hư hỏng. Các tiểu thương ở đây cho biết, nếu không phát hiện và được lực lượng chữa cháy cơ sở dùng bình chữa cháy xách tay dập tắt kịp thời, thì hậu quả đám cháy sẽ rất khó lường.

Không chỉ những khu vực chợ truyền thống mà những khu mua bán hiện đại như các trung tâm thương mại, siêu thị…, hay tại các hộ gia đình có tổ chức sản xuất, kinh doanh, buôn bán lượng lớn chất dễ cháy như: xăng dầu, hóa chất, giấy, cao su, nhựa, bông vải sợi… đều có nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ cháy trong thời gian qua chủ yếu do việc bố trí lắp đặt sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC; rò rỉ gas và thắp nhang thờ cúng; bố trí nơi đun nấu gần các vật liệu dễ cháy… Cụ thể, trong số 19 vụ cháy nói trên, nguyên nhân gây cháy do chập điện: 10 vụ; sơ suất trong sử dụng ngọn lửa trần: 6 vụ; rò rỉ khí gas: 2 vụ; cháy chủ yếu là nhà dân: 12 vụ; cháy ở cơ sở sản xuất kinh doanh: 5 vụ.

Bên cạnh đó, tại các cơ sở kinh doanh hộ gia đình thường chỉ có duy nhất một lối thoát nạn là cửa chính, nhưng đây lại là nơi chứa hàng và phát sinh cháy. Vì vậy, khi có cháy, các thành viên trong gia đình khó thoát ra ngoài, nhất là vào ban đêm.

Ý thức chủ động là trên hết

Để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ cháy nổ, giảm thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra trong mùa hanh khô, Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng cho rằng, trước hết người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động trong công tác phòng ngừa cháy, nổ cũng như ý thức trách nhiệm vì cộng đồng trong hoạt động PCCC. “Các vụ cháy tại nhà dân, các khu dân cư, nguyên nhân do sử dụng điện nhiều gây quá tải tương đối nhiều. Vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn trong sử dụng điện, gas, hóa chất, nhất là tại các khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao là yếu tố cần được mọi người hết sức quan tâm, cảnh giác”, Đại tá Lê Ngọc Hai nhấn mạnh.

Đối với những khu vực nhà chung cư, nhà cao tầng, các hộ dân cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện; sử dụng gas cần để ý tới hiện tượng rò rỉ khí gas… Đối với lực lượng làm công tác quản lý tại các chợ trên địa bàn, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, khu vực thờ cúng, tình trạng hút thuốc lá trong chợ…; đặc biệt cần tăng cường công tác kiểm tra vào ban đêm và gần sáng.

Sở Cảnh sát PCCC cũng sẽ tích cực triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ. Trong đó chú trọng rà soát, kiểm tra các cơ sở trọng điểm như: trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng kinh doanh xăng dầu, cơ sở kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy cao, đồng thời tiến hành phân loại cụ thể theo từng nhóm để có biện pháp quản lý hiệu quả nhất.

Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH

;
.
.
.
.
.