.

Chất vấn trách nhiệm Bộ trưởng Công thương, Y tế

.

Ngày 1-4, Quốc hội tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì buổi thảo luận. Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Đồng chí Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: NGỌC PHÚ
Đồng chí Huỳnh Nghĩa đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Ảnh: NGỌC PHÚ

Bức xúc người nước ngoài mua nông sản trái phép

Trả lời vấn đề tình trạng thương lái nước ngoài thu mua nông sản, thủy sản trái phép gây bức xúc cho nông dân, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bộ chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tiến hành kiểm tra, xử lý. Theo ông Hoàng, ngay sau khi có thông tin phản ánh từ các địa phương, ngày 12-3-2014, Bộ Công thương ban hành Công văn số 1910/BCT-TTTN về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; qua đó, ngăn chặn và xử lý kịp thời, bảo đảm bình đẳng, hợp pháp trong sản xuất kinh doanh và lợi ích cho người nuôi trồng. Đến nay, tình trạng hoạt động thu mua nông sản, thủy sản về cơ bản đã trở lại bình thường.

Khi Bộ trưởng nhận trách nhiệm về cá nhân mình để xảy ra tình trạng trên, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chất vấn: “Trách nhiệm thì Bộ trưởng đã nhận, nhưng nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng thương lái nước ngoài gây nhiễu loạn thị trường thì Bộ trưởng chưa đề cập. Phải chăng pháp luật còn quá nhiều kẽ hở hay trách nhiệm của Bộ trưởng và các bộ liên quan còn quá chung chung?”.

Vòng vo trước câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, đó là diễn biến theo xu thế thương mại hóa toàn cầu và để chấm dứt được tình trạng này, ngoài hoàn thiện khung pháp lý phải nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước; đồng thời nhấn mạnh sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan để sớm chấm dứt tình trạng mà theo nhiều đại biểu là đã kéo dài hàng chục năm nay.

Về vấn nạn khai thác, xuất khẩu các loại tài nguyên khoáng sản trong thời gian qua và chất vấn trách nhiệm, giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định vai trò quan trọng của khoáng sản trong việc phát triển kinh tế đất nước và cho biết, thời gian tới sẽ không để xảy ra tình trạng khai thác, xuất khẩu chế biến khoáng sản thô (trừ than đá và dầu khí). Bộ trưởng Hoàng khẳng định sẽ chấm dứt tình trạng khai thác một số khoáng sản gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự an toàn xã hội. Nói về xuất khẩu lậu khoáng sản, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thẳng thắn cho rằng, hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Công thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng và địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển hàng hóa trái phép trên thị trường, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tiếp tay cho hoạt động xuất lậu khoáng sản qua biên giới. Bộ trưởng nhận trách nhiệm trước Quốc hội và hứa sẽ phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện quyết liệt hơn để năm 2015 không còn tình trạng buôn lậu khoáng sản.

Không để bệnh viện tốt rồi mà y đức lại xuống cấp

Trong phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào chiều cùng ngày, các ĐBQH tập trung vào các vấn đề: Giải pháp mang tính đột phá để khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; quản lý Nhà nước về y tế tư nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nêu giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về y đức trong một bộ phận cán bộ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu một loạt văn bản của Bộ ban hành quy định về quy tắc ứng xử, nâng cao đạo đức nghề nghiệp. Hệ thống đường dây nóng và hộp thư điện tử duongdaynongyte@gmail.com để giám sát, chấn chỉnh tinh thần, thái độ phục vụ của thầy thuốc, nhân viên y tế, kịp thời giải quyết những tình huống cấp cứu khẩn cấp đã tiếp nhận 6.700 cuộc gọi phản ánh của nhân dân, trong đó có 40% cuộc gọi có nội dung phản ánh về y đức và 22% nội dung phản ánh cán bộ y tế làm sai quy định.

Qua kiểm tra, ngành đã xử lý một số trường hợp vi phạm y đức, nặng nhất là buộc thôi việc; tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận là chưa cải thiện nâng cao y đức. Bộ trưởng nêu thêm một số giải pháp hỗ trợ nâng cao y đức như: Cải cách thủ tục hành chính khám bệnh, nhất là khám chữa bệnh có BHYT; đề xuất chính sách đãi ngộ phù hợp với lao động đặc thù ngành y tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi  phạm; phát động phong trào thi đua nâng cao y đức và có hình thức khen thưởng, vinh danh những cán bộ y tế hết lòng vì bệnh nhân.

Trả lời về vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định ngành y tế đang gặp khó vì lực lượng thanh tra rất mỏng, cả nước chỉ có 290 thanh tra y tế làm cả mảng kiểm tra ATVSTP; xuất phát điểm của công tác ATVSTP của Việt Nam chậm hơn so với các nước; chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP mới được triển khai hơn 10 năm. Ngoài ra, một số nguyên nhân chủ quan khác là nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm chạy theo lợi nhuận sử dụng nguyên liệu đầu vào không bảo đảm an toàn, phụ gia không có nguồn gốc xuất xứ; đầu tư cho công tác ATVSTP thấp; hệ thống kiểm nghiệm ATVSTP chưa được đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất và cả nguồn nhân lực...

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của những ĐBQH cũng như sự thẳng thắn trả lời của hai Bộ trưởng. “Chúng ta đang đứng trước một thách thức và một cơ hội là đàm phán để gia nhập các tổ chức thương mại thế giới. Chúng ta cần phải nhận thức rõ kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa nên phải tổ chức thị trường tốt hơn, chất lượng hơn. Từ khâu sản xuất, kết nối với người tiêu thụ, toàn bộ quá trình kết nối ấy liên quan đến toàn bộ các hoạt động cung ứng dịch vụ, bảo đảm cho người sản xuất và tiêu dùng. Có sản phẩm tốt, người tiêu dùng đáp ứng yêu cầu, nhà sản xuất có lợi, quản lý thị trường công khai, minh bạch tránh tất cả các hiện tượng tiêu cực trong tất cả các hoạt động của nó”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Với Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phải đổi mới và đổi mới cũng phải giải quyết bằng nền kinh tế thị trường trong ngành y tế; không thể để tình trạng bệnh viện quá tải, hoặc bệnh viện tốt rồi mà y đức lại xuống cấp. “Đạo đức ngành y là người làm ngành y phải có đạo đức. Vì vậy, phải giáo dục, ngành giáo dục phải vào cuộc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Kết thúc vấn đề, Chủ tịch Quốc hội nói: “Không chỉ Bộ Y tế mới giải quyết được y đức đâu, hay đào tạo cán bộ ngành y đâu; không phải Bộ trưởng Bộ Công thương mới giải quyết được vấn đề gian lận, buôn lậu đâu, trộm cắp, hàng giả. Mà chúng ta phải đặt trong một tổng thể của đất nước”.

NGỌC PHÚ - SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.