.
Chuyện tổ, chuyện thôn

Thành hoàng của… tổ dân phố

25 tháng Chạp năm Quý Tỵ vừa rồi, nhà nào ở tổ 34D, khối phố Mân Lập Tây (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cũng đều có người đến dự lễ cúng tế cuối năm tổ chức trước sân miếu Dĩnh Đầm - ngôi miếu được lập để thờ tự Thành hoàng của vùng đất này. Chuyện cũng lạ là giữa một khu đô thị khang trang lại tồn tại ngôi miếu thờ người có công dựng nên vùng đất này từ hàng trăm năm trước.

Theo ông Phạm Văn Cầm, tổ trưởng tổ dân phố 34D, việc di dời, giải tỏa, tái định cư khiến nhà cửa, đất đai thay đổi nhưng người dân địa phương vẫn giữ lại ngôi miếu thờ Thành hoàng với ý nguyện “đất có thổ công, sông có hà bá”, ở đâu thì phải thờ phụng người lập đất ở đó để cầu bình an.

Bao năm qua, nhà chuyển, người dời đi, dân thổ cư trụ lại, kẻ từ nơi khác chuyển đến. Vậy nhưng, cái hồn thiêng của vùng đất Cổ Mân vẫn được bà con lưu giữ cho tới tận hôm nay. Sở dĩ miếu Dĩnh Đầm tồn tại là để bà con ai đến cư ngụ, ai đi nơi khác cũng có thể đến thắp hương, khấn nguyện. Người thì trình báo Thành hoàng cho mình nhập cư, sống an vui hạnh phúc; người khác khi rời đi cũng mong Thành hoàng chở che để được bình an. Ông Cầm nói đùa, vị Thành hoàng này cũng ví như “ông chủ tịch phường” về mặt tâm linh. Ông cai quản đất đai, phù hộ cho bà con làm ăn phát đạt, sinh sống yên ổn.

Giữa bao bộn bề của cuộc sống, những người dân các tổ dân phố sống xung quanh miếu Dĩnh Đầm xem đây như nơi thờ tự tâm linh không thể thiếu. Cuối năm cũ, bà con tụ họp lại nơi đây. Ai làm ăn thuận buồm xuôi gió thì rỉ rả vui mừng kể chuyện một năm nỗ lực; người nào gia đình có chuyện không vui cũng nhận được sự sẻ chia, cảm thông từ bà con xung quanh.

Ngôi miếu tuy nhỏ nhưng trở thành một địa chỉ quen thuộc, thân thương của bà con trong tổ dân phố. Tình thân giữa các gia đình cũng vì thế mà gắn bó hơn. Khác xa với những gì mà người ta thường nghĩ về lối sống thị thành, nhờ có ngôi miếu này mà bớt đi chuyện “đèn nhà ai nấy rạng”. Bởi trong những ngày lễ tổ chức ở miếu, bà con hàng xóm gặp gỡ, cùng thăm hỏi, chia sẻ chuyện gia đình, con cái, công việc làm ăn… Khoảng cách giữa các bức vách tường nhà khô cứng được phá bỏ nhờ tình cảm thân thiết được vun đắp qua năm tháng giữa những người sinh sống quanh ngôi miếu Dĩnh Đầm. Theo ông Cầm, tổ dân phố những năm qua không có trộm cắp, không mất an ninh trật tự, các gia đình đều hoàn thành sớm các loại quỹ của địa phương. Và trên hết, cuộc sống bình yên của những gia đình xung quanh ngôi miếu này càng khiến bà con thêm tin tưởng vào sự phù trợ của vị Thành hoàng lập đất. Từ đó, sự gắn kết cộng đồng càng chặt chẽ hơn để chung tay gìn giữ sự an vui, yên bình của vùng đất do cha ông cất công sáng lập.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.