.

Cử tri có thể bãi nhiệm đại biểu QH

.

Theo dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi được trình Thường vụ QH sáng nay, đại biểu QH có thể bị bãi nhiệm nếu vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, làm ngược lợi ích của nhân dân.

Lấy phiếu tín nhiệm tại QH tháng 6-2013. Ảnh: Lê Anh Dũng
Lấy phiếu tín nhiệm tại QH tháng 6-2013.

Dự thảo luật chưa có quy định về lấy phiếu tín nhiệm vì còn chờ sửa nghị quyết, nhưng có quy định về bỏ phiếu tín nhiệm.

Theo đó, QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch HĐ Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của UB Thường vụ QH; Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của CP; Chánh án Tòa án NDTC, Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chủ tịch HĐ bầu cử quốc gia; những người giữ các chức vụ khác do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm do UB Thường vụ QH đề nghị, hoặc có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số ĐB, hoặc có kiến nghị của HĐ Dân tộc hoặc các ủy ban của QH.

Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm được ĐB đưa ra bằng văn bản, nêu rõ họ tên, chức vụ của người bị đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm và lý do đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, sẽ được tập hợp đầu mỗi kỳ họp.

"Trong trường hợp không được quá nửa tổng số ĐBQH tín nhiệm thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu để bầu hoặc đề nghị phê chuẩn người đó có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm, hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người không được QH tín nhiệm", dự thảo nêu.

Những người được QH bầu hoặc phê chuẩn cũng có thể xin từ chức nếu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác mà không thể thực hiện được nhiệm vụ.

Bãi nhiệm đại biểu

Trong khi đó, các ĐBQH cũng có thể bị bãi nhiệm nếu vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống, không đại diện hoặc làm ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân.

Việc bãi nhiệm ĐBQH phải được ít nhất 2/3 tổng số ĐB biểu quyết tán thành.

Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm ĐBQH, việc này sẽ được thực hiện theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Hội đồng bầu cử quốc gia có trách nhiệm tổ chức để cử tri tại đơn vị bầu cử đã bầu ra ĐBQH bị đề nghị bãi nhiệm thực hiện quyền bỏ phiếu bãi nhiệm ĐBQH.

Đại biểu QH bị bãi nhiệm khi có quá nửa tổng số cử tri tán thành.

Họ cũng có thể xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khoẻ hoặc vì lý do khác.

Có thể trưng cầu ý dân khi 1/3 ĐBQH đề nghị

Dự thảo luật Tổ chức QH sửa đổi cũng có nội dung đáng chú ý khác là việc trưng cầu ý dân. Đây là một trong những thẩm quyền mà lâu nay QH chưa thực hiện được do chưa được cụ thể hóa và có văn bản hướng dẫn thi hành.

Dự thảo nêu: "Khi xét thấy cần thiết, QH quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp, về việc phê chuẩn, quyết định gia nhập, chấm dứt hiệu lực của điều ước quốc tế quan trọng hoặc về những vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của QH".

QH sẽ quyết định việc này theo đề nghị của UB Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc kiến nghị của 1/3 tổng số ĐBQH. QH cứ kết quả trưng cầu ý dân để quyết định vấn đề liên quan.

Theo dự thảo, cơ quan tổ chức trưng cầu ý dân là UB Thường vụ QH, quy định về hình thức phiếu trưng cầu, thể thức bỏ phiếu và kiểm phiếu, quyết định nội dung ghi trên phiếu căn cứ vào nghị quyết của QH về việc trưng cầu ý dân.

Hội đồng bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức việc bỏ phiếu, tổng hợp, công bố kết quả trưng cầu ý dân và báo cáo với UB Thường vụ để báo cáo QH.

Phát biểu về điểm này, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền đề nghị Ban Dân nguyện cũng được tham gia giúp việc trong trưng cầu ý dân.

VNN

;
.
.
.
.
.