ĐNĐT - Ngày 5-4, UBND thành phố tổ chức trọng thể lễ công bố điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Chủ tịch Văn Hữu Chiến phát biểu tại lễ công bố Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Đến dự lễ công bố có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng. Về phía địa phương, có các đồng chí: Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Thay mặt Chính phủ, ông Dương Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) đã chính thức công bố Quyết định 2357/QĐ-TTg, ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Quyết định 2357/QĐ-TTg, đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành TP cấp quốc gia, hiện đại; là đô thị trung tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng miền Trung - Tây nguyên; tầm nhìn đến năm 2050, trở thành TP đặc biệt cấp quốc gia, hướng tới đô thị cấp quốc tế và phát triển bền vững. Đô thị Đà Nẵng sẽ phát triển mạnh về phía Tây, tập trung vào các khu công nghệ cao, công nghệ thông tin, các khu vực đô thị hóa, các điểm dân cư nông thôn, các trọng điểm du lịch vùng đồi núi với phương châm phát huy tối đa các lợi thế về tài nguyên, phong cảnh kết hợp với mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nội dung Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2013 tầm nhìn năm 2050. |
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này có những bước tiến mới cả về tính chất, tầm nhìn, quy mô và hướng phát triển không gian. Theo đó, ngoài các tính chất là trung tâm kinh tế lớn, trung tâm văn hóa, TDTT, đầu mối giao thông và có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, Đà Nẵng còn được xác định là đô thị du lịch.
Dân số Đà Nẵng năm 2012 xấp xỉ 1 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 822.630 người. Dự báo đến năm 2020, dân số TP khoảng 1,6 triệu người, trong đó dân số đô thị khoảng 1,3 triệu người; đến năm 2030, dân số TP Đà Nẵng khoảng 2,5 triệu người (bao gồm dân số tạm trú và dân số quy đổi lượng khách du lịch ước tính năm 2030), trong đó dân số đô thị khoảng 2,3 triệu người.
Trước đó, ngày 17-6-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. Dựa trên những cơ sở mang tính định hướng của đồ án này, trong hơn 10 năm qua, đô thị Đà Nẵng liên tục phát triển với tốc độ cao. Diện tích đất đô thị tăng hơn 2 lần, hạ tầng đô thị không ngừng được đầu tư, nâng cấp, diện mạo đô thị ngày càng khang trang.
Cầu Cổ Cò, dự án đầu tư phát triển bền vững thành phố theo quy hoạch và đầu tư hạ tầng giao thông vành đai thành phố |
Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện quy hoạch chung này, có những vấn đề mới đặt ra. Một số dự án chưa được tiên liệu trong đồ án kỳ trước nhưng là nhu cầu thiết thực của xã hội hiện tại. Bên cạnh đó là sự phát triển, hình thành các khu đô thị mới, các điểm dân cư nông thôn mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các thiết chế văn hóa, các khu thể thao, vui chơi giải trí mới, các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, một số đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng… Vì thế, việc điều chỉnh quy hoạch chung lần này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của TP trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Văn Hữu Chiến nhận định Đồ án “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý đầu tư xây dựng, phát triển đô thị và phát huy mạnh mẽ, có hiệu quả hơn nữa tiềm năng, thế mạnh của thành phố vì mục tiêu phát triển KT-XH; là cơ sở để Đà Nẵng đề xuất các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chiến lược phát triển đô thị. Chủ tịch Văn Hữu Chiến chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các nội dung quy hoạch, tập trung vào nhiệm vụ quy hoạch các phân khu chức năng và hạ tầng đô thị; tập trung nguồn lực để xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đặc biệt cấp quốc gia, tầm khu vực và quốc tế.
Tin và ảnh: Triệu Tùng