(ĐNĐT) - Làm thế nào để công tác tình nguyện thiết thực, nổi bật và mang lại hiệu ứng xã hội tích cực, lâu dài là vấn đề được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại Hội thảo Nâng cao chất lượng phong trào thanh niên tình nguyện do Đoàn ĐH Đà Nẵng phối hợp với Đoàn các ĐH Quốc gia và ĐH vùng trong cả nước diễn ra vào sáng ngày 19-4.
Phong trào tình nguyện trong sinh viên cần tạo được dấu ấn tích cực, lâu dài trong cộng đồng. Tromg ảnh: Sinh viên ĐH Sư phạm Đà Nẵng tham gia Mùa hè xanh tại xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). |
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam Lê Quốc Phong, Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Bá Cảnh cùng đại diện Đoàn ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên và ĐH Đà Nẵng đến dự hội thảo.
Từ những việc nhỏ nhất
Để hoạt động tình nguyện của đoàn viên thanh niên đạt được hiệu quả, hiệu ứng tốt trong xã hội, các đại biểu cho rằng cần phải chú trọng từ những việc làm nhỏ nhất, không nhất thiết phải là những công trình tình nguyện lớn đòi hỏi kinh phí nhiều.
Bàn về vấn đề này, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách Khoa – ĐH Đà Nẵng Phan Bảo An cho rằng, các hoạt động tình nguyện hiện nay chưa tìm được hướng đột phá, chủ yếu xoay quanh các chủ đề chính diễn ra hằng năm. Để đổi mới, cần kêu gọi hoạt động tình nguyện gắn với những vấn đề đang nóng của xã hội như các chủ đề về quê hương, biển, đảo,... “Không phải cứ công trình to mới được xem là hiệu quả, cần phải bắt đầu từ những hoạt động nhỏ nhất như sửa xe giúp người đi đường, dẫn cụ già, em bé qua đường hay cải tạo hồ nước trong trường,… Phải làm cho hoạt động tình nguyện của sinh viên thấm trong từng cá nhân, len lỏi trong từng mái nhà và mọi ngóc ngách trong thành phố” – Bí thư Đoàn ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhấn mạnh.
Cùng bàn về vấn đề này, anh Nguyễn Trung Phong, đại diện ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội giới thiệu những mô hình tình nguyện đã đạt hiệu quả cao tại trường trong nhiều năm qua, như: Ngày hội đổi sách, Ngày hội đổi đồ Mottainai, xây dựng Tủ sách tri thức xanh,… Theo anh Phong, hoạt động tình nguyện không nên xoay quanh các hoạt động đơn giản, chủ yếu tay chân mà nên tận dụng từ nguồn sách vở, những món đồ cũ, từ chính tài nguyên chất xám của sinh viên để xây dựng mô hình tình nguyện trong tầm tay sinh viên, vừa dễ thực hiện vừa mang lại hiệu quả cao.
Góp một góc nhìn khác, đại diện Đoàn ĐH Huế đề nghị nên có các danh hiệu cao quí cho đoàn viên tham gia tốt hoạt động tình nguyện. Bí thư Đoàn ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội đề xuất nên đưa hoạt động tình nguyện trở thành điều kiện bắt buộc mỗi sinh viên sau khi ra trường phải có Giấy chứng nhận tình nguyện do Đoàn trường cấp hoặc các cơ quan liên quan cấp.
Cần sự đồng hành của địa phương
Qua thực tiễn, đại diện Đoàn các trường ĐH cho rằng, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương hiện nay ít quan tâm và chưa có sự hỗ trợ xây dựng kế hoạch tình nguyện của sinh viên nhằm tạo sự thống nhất. “Nếu các cấp chính quyền đưa ra những yêu cầu, cho chúng tôi biết nhu cầu xã hội đang cần sinh viên làm những gì thì tôi nghĩ hoạt động tình nguyện sẽ thiết thực và ý nghĩa hơn gấp nhiều lần” – Bí thư Đoàn ĐH Nông Lâm Thái Nguyên Nguyễn Quang Thi phát biểu.
Đồng quan điểm, anh Lê Hoàng Minh - Bí thư ĐH Bách Khoa – ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nên xây dựng “Bản đồ tình nguyện” để các địa phương cùng kết hợp và nêu rõ nhu cầu tình nguyện của địa phương để sinh viên đáp ứng đúng và trúng với thực tế.
Bàn về vấn đề này, Bí thư Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong yêu cầu lãnh đạo Đoàn tại các trường ĐH cần lựa chọn nội dung tình nguyện hợp lí, vừa sức với sinh viên và phải có giải pháp kết nối với địa phương. Các địa phương cần nhìn ra được những cái thiếu, những cái cần thiết trước mắt nhưng không quá lớn với sinh viên. Ông Phong cho rằng: “Phải hiểu về địa bàn tham gia tình nguyện thì hoạt động tình nguyện mới đạt hiệu quả tốt. Chúng ta không thể để xảy ra tình trạng sau một mùa tình nguyện, một năm sau trở lại, tất cả lại quay về con số 0. Phong trào tình nguyện cần phải được tính toán kỹ lưỡng, duy trì thường xuyên, có dấu ấn và giá trị lâu dài”.
Ông Phong cũng nêu lên một thực trạng đáng buồn là số lượng sinh viên tham gia công tác Đoàn, hoạt động tình nguyện không nhiều. Thậm chí tỉ lệ thấp hơn nhiều so với tổng số sinh viên hiện có. “Phong trào tình nguyện trong sinh viên cần có sự thống nhất, song hành của 3 đồng, đó là: Đồng bộ - đồng hành – đồng lòng. Không nhất thiết phải là nội dung hoạt động mới mà quan trọng hơn cả là đúng với yêu cầu của xã hội, của cuộc sống với một phương thức tổ chức chuyên nghiệp, liên kết, đồng lòng vì mục tiêu chung thì sẽ mang lại một dấu ấn tình nguyện nổi bật” – ông Phong nói.
Bài, ảnh: Bình An