.

Đổi thay trên quê hương Liên Chiểu

.

Với 21 năm làm Bí thư cấp xã và hơn 8 năm làm Bí thư Quận ủy Liên Chiểu, ông Hồ Văn Chinh dường như cảm nhận được hơi thở sự trỗi dậy của vùng đất phía tây bắc thành phố Đà Nẵng. “Tôi thật không ngờ có ngày quê mình thay đổi đến thế”, ông Chinh nói.

Khu công nghiệp Hòa Khánh hôm nay. 			     Ảnh: TRỌNG HÙNG
Khu công nghiệp Hòa Khánh hôm nay. Ảnh: TRỌNG HÙNG

Ông Hồ Văn Chinh sinh năm 1945, tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang), tham gia cách mạng năm từ năm 1960, là cơ sở cách mạng phụ trách binh địch vận của Đặc khu ủy Quảng Đà. Sau đó, trong suốt thời gian đất nước còn chiến tranh, ông tiếp tục đảm nhiệm làm nhân viên Văn phòng tổng hợp Đặc khu ủy, Trưởng ban Y tế khu 1 - Hòa Vang, Trưởng ban Dân y…

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Chinh được phân công làm Bí thư Đảng bộ xã Hòa Liên, sau đó làm Bí thư xã Hòa Ninh và 9 năm tiếp theo làm Bí thư Đảng bộ xã Hòa Khánh. Năm 1997, Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Hồ Văn Chinh được bổ nhiệm làm Bí thư Quận ủy Liên Chiểu khóa đầu tiên.

Sinh ra trong khói lửa chiến tranh, lớn lên trong mưa bom bão đạn, ký ức tuổi thơ của ông Hồ Văn Chinh là những ngày gian khó. Ông nhớ lại: Người dân Hòa Liên, Hòa Hiệp, Hòa Khánh ngày ấy rất đói khổ. Tuy ít nhà phải “đứt bữa” nhưng điều kiện nhà nông làm ruộng phó mặc may rủi “cho trời” nên không mấy ai khá giả. Khổ nhất là nạn giặc đàn áp, tra tấn dã man. Hằng ngày, cứ khoảng 19 giờ thì không ai dám ra đường. Người nào có việc cần kíp lắm thì phải mang theo chiếc đèn gió (đèn bão) cột trên cây sào, giơ cao để tránh bị địch bắn chết. Vì vậy, trong ký ức của ông, quê hương những ngày đó chỉ toàn một màu u ám.

Trước phong trào cách mạng của người dân vùng cánh bắc Hòa Vang, địch điên cuồng khủng bố. Bà con các xã Hòa Hiệp, Hòa Liên, Hòa Thắng… vẫn không một phút rời xa cách mạng; thậm chí có nơi cả làng kéo lên núi vừa chạy giặc, vừa làm nương rẫy nuôi cán bộ. Với ông, cũng như nhiều người dân lúc ấy, chỉ muốn mau chóng kết thúc chiến tranh để được hưởng cuộc sống hòa bình, tự do. Và để thực hiện khát khao tưởng chừng như giản dị đó, nhiều gia đình đã hiến đến đứa con cuối cùng cho cách mạng.

Sau tháng 4-1975, nhiều gia đình lần lượt trở về quê cũ làm ăn. Dường như với họ, chiến tranh là ký ức không dễ xóa nhòa, nhưng khát vọng tương lai không mấy đòi hỏi cao sang. Trước đây, cách mạng về, họ hiểu để có cuộc sống tự do thì chỉ có đi theo Đảng, Bác Hồ.

Bây giờ, đất nước thống nhất, những người nông dân chân chất lại một nắng hai sương, đủ ăn thì có nhưng dư dả thì chưa, vì trồng lúa mỗi năm chỉ được một mùa. Cảm nhận được sự vất vả của người nông dân, thấu hiểu được nguồn cơn “mỗi năm một vụ”, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lúc đó, đứng đầu là các ông Hồ Nghinh, Hoàng Minh Thắng, Phạm Đức Nam…, đã chủ trương tổ chức xây dựng hồ chứa nước Hòa Trung. Nông dân các xã Hòa Liên, Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hòa Sơn phấn khởi vì lúa được nước không chỉ mỗi năm hai vụ mà thậm chí 3 vụ. Họ đã “no” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nói theo cách hiện đại bây giờ là “đời sống được nâng lên”.

Tuy nhiên, nếu chỉ xoay quanh mấy chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì” thì chưa đến độ để vị cựu Bí thư Quận ủy suốt hai nhiệm kỳ phải thốt lên: “Đổi thay đến không ngờ”. Có lẽ điểm nhấn trong thước phim ký ức của ông chính là việc thành lập Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh. Ông Chinh nhớ lại: “Bấy giờ, khu vực Hòa Khánh là cả vùng cát trắng. Người dân ở đây chủ yếu là làm ruộng, hoặc đi biển. Anh Phan Diễn bấy giờ là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng trao đổi với tôi rằng phải xây dựng KCN Hòa Khánh. Có hôm, gần 11 giờ, anh còn gọi điện cho tôi để đi xem tiến độ xây dựng KCN đến đâu”.

Quả thật từ ý tưởng ban đầu đó, đến nay, KCN Hòa Khánh đã giải quyết hàng chục nghìn lao động không chỉ của Đà Nẵng mà còn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và luôn đóng vai trò là trọng điểm kinh tế của Đà Nẵng. Nghỉ hưu năm 2005, dẫu không nói ra, nhưng trong lòng nguyên Bí thư Quận ủy Hồ Văn Chinh vẫn tự hào mình đã được đóng góp một phần công sức vào thành quả của quê hương hôm nay.

Trước giải phóng, cả vùng Hòa Khánh, Hòa Hiệp, Hòa Minh hầu như chỉ có quốc lộ 1 được thảm nhựa. Những người từng sinh sống ở đây, ít ai có thể ngờ rằng đến một ngày có hàng trăm con đường bê-tông, thảm nhựa trên quê hương. Vùng đất trước kia chủ yếu là cát trắng, ngày nay đã có bệnh viện ung thư hiện đại bậc nhất nước, có hầm đường bộ tầm cỡ khu vực, v.v… Và một điều, ông Chinh cũng như các bậc cao niên cũng không thể nào ngờ tới: diện tích đất nền trong khu vực có nơi lên đến tiền tỷ, nhất là vùng trũng Hòa Minh một thời đói kém.

Ngẫm lại những năm tháng tham gia hoạt động cách mạng, ông Hồ Văn Chinh đúc kết: Ưu điểm rõ rệt của Đảng, Nhà nước ta là sự quan tâm của chính quyền đối với nhân dân. Xin lấy ví dụ, một con thuyền của ngư dân gặp nạn ngoài biển khơi, chính quyền địa phương đã bố trí tàu thuyền ra cứu, mặc dù biết rằng như thế rất tốn kém, thậm chí chi phí lớn hơn cả con thuyền của người dân. “Sự hy sinh, gian khổ của bao thế hệ cho nền độc lập hôm nay thật là xứng đáng. Tôi thật tự hào khi quê hương mình đang đổi thay đến không ngờ”, người cán bộ với gần 30 năm làm Bí thư Đảng bộ chia sẻ trước khi kết thúc câu chuyện.

NGUYỄN SỸ LONG

;
.
.
.
.
.