.
ĐỐI THOẠI ĐẦU TUẦN

Công chức chân chính không nhận tiền lót tay

.

“Hành vi tiêu cực của công chức (CC) khi giải quyết công việc cho người dân thường gọi là “bôi trơn”, “lót tay”. Việc này có thể người dân chủ động bôi trơn hoặc do công chức vòi vĩnh “làm giá” từ đầu. Cũng có trường hợp làm xong, CC được dân “thưởng”. Theo tôi, là công chức chân chính thì không cầm tiền của dân trong cả 3 trường hợp này”.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, trao đổi với Báo Đà Nẵng nhân việc Sở Nội vụ kêu gọi người dân phản ánh, gửi bằng chứng về hành vi, thái độ phục vụ cho Sở Nội vụ qua website và số điện thoại của Sở.

* Thưa ông, việc mở chuyên mục “Phản ánh 5 xây, 3 chống” trên website của Sở kêu gọi người dân phản ánh thông tin thái độ phục vụ của CC có phải là một giải pháp chống tiêu cực trong CC không ?

- Đây chỉ là một trong nhiều việc cụ thể mà Sở Nội vụ triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Việc xây dựng chuyên mục “Phản ánh 5 xây, 3 chống” trên website của Sở, chúng tôi mong muốn tiếp nhận cả thông tin tích cực và thông tin tiêu cực của CBCCVC thuộc thành phố trong thực thi công vụ, tinh thần, thái độ phục vụ khi giải quyết việc cho tổ chức, công dân. Thông tin phản ánh của người dân sẽ được xác minh làm rõ. Nếu đó là thông tin tích cực về những CC phục vụ dân tận tụy, vô tư, không vụ lợi chúng tôi đề xuất cơ quan, đơn vị quản lý họ có hình thức biểu dương, khen thưởng. Nếu thông tin là hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân được xác minh, có bằng chứng cụ thể, chúng tôi sẽ đề nghị đơn vị đó căn cứ vào Luật CBCC, Luật Viên chức để có hình thức xử lý. Sở Nội vụ sẽ theo dõi việc xử lý này.

* Lâu nay người dân quá quen với nạn phong bì lót tay như một lệ bất thành văn, người dân cũng chủ động lót tay CC cho được việc. Vậy làm thế nào để người dân chủ động phản ánh cho Sở Nội vụ về hành vi tiêu cực của CC?

- Theo tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hiểu rằng họ có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và chỉ nộp lệ phí (nếu có) theo quy định. Việc giải quyết TTHC cho dân là trách nhiệm của CC. Họ hưởng lương từ tiền thuế của dân, họ phải làm việc đó một cách tận tụy, hết mình. Phải tuyên truyền đến tận thôn, tổ dân phố làm cho người dân hiểu rằng khi đến cơ quan công quyền làm TTHC không phải đưa phong bì lót tay ngoài lệ phí, kiên quyết từ chối trước hành vi nhũng nhiễu vòi phong bì của CC.

Thủ tục quy định là 2 ngày thì người dân cũng phải ủng hộ, phải chờ đến thời hạn theo phiếu hẹn, nếu không có gì bức xúc thì cũng đừng yêu cầu CC giải quyết gấp rồi lót tay để được giải quyết nhanh. Mặt khác các cơ quan công quyền cũng phải công khai minh bạch quy trình, TTHC, lệ phí một cách rõ ràng. Tôi thấy từ kinh nghiệm tại các quận, huyện, phường trong thời gian vừa qua khi triển khai thực hiện “3 hơn” họ lập các Tổ tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người dân làm TTHC rất có hiệu quả và được sự đồng thuận của nhân dân rất cao. Công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức để người dân nói không với phong bì khi đến cơ quan công quyền phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Đây không phải chỉ là trách nhiệm riêng của Sở Nội vụ.

* Có nên treo bảng thông báo tại các cơ quan công quyền với nội dung “Ngoài việc nộp lệ phí theo quy định, tổ chức, công dân không đưa phong bì bồi dưỡng CC” như ở các bệnh viện thường treo biển cảnh báo bệnh nhân không nộp các khoản khác ngoài viện phí?

- Ở bệnh viện có quá nhiều thông tin, hầu như lúc nào cũng quá đông bệnh nhân khó chuyển tải hết đến từng người dân thì cần phải làm như vậy. Ở cơ quan công quyền nếu treo bảng như vậy thì có vẻ hạ thấp uy tín của mình. Theo tôi, có một cách văn minh hơn là sử dụng Tổ tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn TTHC trực tiếp nói với người dân không phải đưa phong bì ngoài khoản lệ phí quy định.

* Ông có thể giải thích vì sao Chỉ thị 29 phải nêu ra cụ thể những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tiêu cực?

- Những lĩnh vực nhạy cảm được Ban Thường vụ Thành ủy nêu đích danh thường là dễ nảy sinh tiêu cực. Cho nên việc phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với những tiêu cực ở lĩnh vực này cũng phải được nhấn mạnh, phải được tăng cường.

* Ông có hy vọng người dân sẽ phản ánh, cung cấp bằng chứng về hành vi tiêu cực vi phạm “5 xây, 3 chống” không?

- Tôi cũng hy vọng người dân sẽ thông tin và cung cấp bằng chứng cho chúng tôi về hành vi tiêu cực của CC. Chúng tôi khẳng định mọi thông tin của người dân đều được tiếp nhận, xử lý và giữ bí mật người cung cấp thông tin nếu có yêu cầu.

* Ông đánh giá thế nào về việc người dân thường phản ánh đến báo chí hơn là phản ánh đến cơ quan công quyền?

- Do chưa có cơ chế bảo vệ người phản ánh, nên người dân thường có tâm lý phản ánh đến báo chí để qua đó gây áp lực với đối tượng tiêu cực bằng dư luận báo chí. Chúng tôi cũng sẵn sàng phối hợp với các cơ quan báo chí trong công tác tiếp nhận, xử lý và chia sẻ thông tin phản ánh của người dân nhằm loại bỏ những “con sâu làm rầu nồi canh” và phòng ngừa có hiệu quả tiêu cực trong đội ngũ CBCCVC.

Những lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực trong CBCCVC

Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy nêu những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, dễ xảy ra sai phạm gồm: Quản lý đất đai, giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, quản lý dự án, quản lý đô thị, quản lý chung cư; quản lý tài chính, cấp phát vốn xây dựng cơ bản; đăng ký hoạt động doanh nghiệp, cấp phép điều kiện kinh doanh; quản lý thị trường, thuế, hải quan, kiểm lâm; trật tự xã hội, trật tự giao thông, thực thi pháp luật, phòng cháy, chữa cháy; quản lý hành chính, tiếp nhận và xử lý hồ sơ, đơn thư; giáo dục, y tế, bảo hiểm, lao động xã hội; tuyển dụng, điều động, luân chuyển CBCCVC, thi đua, khen thưởng…

Sở Nội vụ đề nghị người dân gửi thông tin phản ánh và cung cấp bằng chứng hình ảnh, băng ghi âm về hành vi, thái độ của CC đến các địa chỉ email và số điện thoại liên lạc sau:

- Thanh tra Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng – 132 Yên Bái

(số điện thoại: 3562 500; email: thanhdc@danang.gov.vn);

- Phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng – 132 Yên Bái

(số điện thoại: 3561 344).

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.