.

Động lực mới cho phát triển

.

Thành phố Đà Nẵng chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương xây dựng và trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù theo hướng ưu đãi hơn theo Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm tạo thêm nguồn lực và động lực mới để thành phố phát triển nhanh.

Đó là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch vừa được UBND thành phố ban hành nhằm thực hiện Chương trình hành động số 34-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhà ga Sân bay Đà Nẵng sẽ được đầu tư nâng cấp lên 6 triệu khách/năm. Ảnh: Minh Trí
Nhà ga Sân bay Đà Nẵng sẽ được đầu tư nâng cấp lên 6 triệu khách/năm. Ảnh: Minh Trí

Đầu tư các dự án mang tính động lực

Theo kế hoạch, trong hai năm 2014-2015, Đà Nẵng sẽ chủ động và tích cực làm việc với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để có quyết định đầu tư đối với những dự án, chính sách mang tính động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng như: Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng giai đoạn 2; nâng cấp Sân bay Đà Nẵng đạt trên 6 triệu lượt khách/năm; chính sách như hỗ trợ để ngư dân đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm; các viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm thông tin khoa học và công nghệ, dự án trường đại học quốc tế Việt - Anh.

Đồng thời, có kế hoạch triển khai các dự án, công trình đã được xác định trong Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, Kết luận 166-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm mở rộng tuyến quốc lộ 14B giai đoạn 2 và mở rộng, nâng cấp quốc lộ 14G; Làng Đại học Đà Nẵng, Khu liên hợp thể thao; di dời ga đường sắt Đà Nẵng; nghiên cứu triển khai tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây 2, cảng Liên Chiểu. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng chú trọng phát triển năng lực sản xuất mới, tăng trưởng nhanh giá trị các ngành dịch vụ, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ (55-56%), công nghiệp (41-42%), nông nghiệp (2-4%). Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn thành lập hoặc chuyển hội sở chính đến thành phố (thực hiện trong năm 2015). Khuyến khích hình thành, phát triển 1-2 tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Tiếp tục đầu tư phát triển du lịch đồng bộ, có trọng điểm, xứng đáng với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, nhất là du lịch cao cấp, tạo nền tảng phát triển mạnh các ngành dịch vụ; hình thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trong năm 2015, quy hoạch tổng thể 3 khu du lịch quốc gia tại khu vực Bán đảo Sơn Trà, Bà Nà và Làng Vân. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu Công viên phần mềm. Ưu tiên thu hút các dự án trong các lĩnh vực dịch vụ như: y tế, giáo dục và đào tạo, thương mại, văn hóa, thể thao, giải trí, vận tải, tài chính, du lịch…

Về công nghiệp, tập trung phát triển công nghiệp theo hướng ưu tiên công nghệ cao, thân thiện với môi trường; thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, vật liệu mới. Xây dựng chính sách khuyến khích phát triển ngành công nghiệp ô-tô, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác và công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu, đồ uống. Khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.

Thành phố Đà Nẵng dưới cánh bay. 								Ảnh: M. TRÍ
Thành phố Đà Nẵng dưới cánh bay. Ảnh: M. TRÍ

Trung tâm văn hóa, khám chữa bệnh chuyên sâu

Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, khám chữa bệnh bằng y tế chuyên sâu, chất lượng cao cho cả vùng. Trong đó, sẽ xây dựng một số công trình văn hóa cấp vùng và cấp tỉnh theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ và các công trình văn hóa tiêu biểu như: Khu công viên văn hóa, vui chơi giải trí châu Á (Asia Park) khu vực Đông Nam Đài tưởng niệm, Công viên Đại dương, Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, Thư viện Tổng hợp, Cung Văn hóa Thiếu nhi, Nhà hát lớn thành phố, Trung tâm Văn hóa thành phố, nâng cấp các hạng mục Bảo tàng Chăm, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Bảo tàng Mỹ thuật…

Hoàn thiện các thiết chế văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nếp sống văn hóa, văn minh đô thị gắn với nâng cao đời sống văn hóa cơ sở, khắc phục chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân ở các khu vực. Đặc biệt khắc phục sớm những yếu kém về quản lý các thiết chế văn hóa cơ sở, không để lãng phí; kết hợp chặt chẽ việc quản lý theo ngành và theo lãnh thổ các thiết chế văn hóa.

Phát triển mạnh thị trường khoa học và công nghệ theo hướng quốc tế hóa, xã hội hóa, phấn đấu giá trị giao dịch của thị trường khoa học-công nghệ tăng 10 - 15%/năm. Đến năm 2020, tỷ lệ giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 40% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị công nghệ đạt 20-25%/năm.

Hằng năm, thành phố sẽ tiến hành rà soát sử dụng đất các dự án ở các khu công nghiệp, bảo đảm sử dụng đất hợp lý, hiệu quả; và đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án ven biển và các dự án chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Theo đó, sẽ xử lý, thu hồi các dự án chậm trễ hoặc không triển khai để bố trí cho các doanh nghiệp đủ năng lực có nhu cầu đầu tư mới. Thường xuyên thực hiện việc rà soát quy hoạch phát triển không gian đô thị thành phố theo hướng mở rộng không gian đô thị về phía Tây, Tây Nam, Nam thành phố, có quy mô thích hợp, có phân khu chức năng hợp lý, quy hoạch các trung tâm chuyên ngành, tạo nền tảng hình thành đô thị hiện đại, trung tâm phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

VŨ KHA

;
.
.
.
.
.