ĐNĐT – Tuyến đường sắt qua địa bàn TP. Đà Nẵng dài khoảng 40 km. Ngoài các đường ngang có gác chắn của ngành đường sắt, còn rất nhiều đường ngang dân sinh tự phát; đã vậy, cộng thêm ý thức tham gia giao thông của người dân còn kém nên luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT).
Điểm mặt những điểm “đen”
Nói về những vụ TNGT đường sắt trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong thời gian gần đây, nhiều người dân ở phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) vẫn còn “sởn gai ốc” và khiếp sợ mỗi khi có tàu băng qua khu vực cầu vượt Hòa Cầm. Bác Lê Hữu Chung – hành nghề xe thồ ở gần cầu vượt Hòa Cầm cho biết: Tuyến đường ngang dân sinh giao với đường sắt Bắc - Nam ở khu vực cầu vượt Hòa Cầm luôn là nỗi khiếp sợ của người dân mỗi khi có tàu chạy qua đây. “Tôi hành nghề xe thồ ở đây đã lâu nên mỗi năm cũng chứng kiến vài vụ tai nạn chết người thương tâm. Ở đây, nguy hiểm nhất là sau khi công nhân ở KCN Hòa Cầm tan ca, tuyến đường ngang dân sinh giao với đường sắt ở khu vực này lúc nào cũng đông nghẹt người qua lại, rất nguy hiểm vì tuyến đường ngang này không có gác chắn. Hơn nữa, tổ cảnh giới lại không túc trực thường xuyên. Cách đây khoảng vài tháng, tại đây đã xảy ra 2 vụ tai nạn đường sắt, làm 4 người thiệt mạng” – bác Chung nhớ lại.
Các tuyến đường ngang giao với đường sắt không có rào chắn luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT rất lớn |
Không chỉ có tuyến đường ngang dân sinh giao với đường sắt ở khu vực Hòa Cầm là tiềm ẩn mối lo TNGT, mà hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn còn tồn tại hàng chục điểm “đen” về TNGT ở các tuyến đường sắt giao với đường ngang dân sinh. Chỉ tính riêng ở tổ 1, 15 và 16 (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) đã có tới 3 tuyến đường ngang giao với đường sắt, không có gác chắn và ở ngay khu vực dân cư đông đúc, rất nguy hiểm đối với người tham gia giao thông mỗi khi đi qua khu vực này.
Chị Lê Thị Mỹ - người dân bán bánh mì ở tổ 15, phường Thanh Khê Tây cho biết: Ngày trước những tuyến đường ngang giao với đường sắt ở đây có rất ít người qua lại. Nhưng từ khi có lệnh cấm các phương tiện giao thông qua ngã Ba Huế để thực hiện dự án thì khu mọi ngõ ngách ở vực này trở nên đông nghịt người qua lại.
Nhiều hôm vào giờ tan tầm, ngay ở giữa tuyến đường ngang giao với đường sắt còn xảy ra tình trạng ùn tắc kinh khủng. Đường đã hẹp, người dân lại cứ chen lấn ngay giữa đường tàu mà bất cần quan sát xem có tàu chạy qua đây hay không. Nhiều hôm nghe thấy tiếng còi tàu cứ oang oang từ đằng xa, còn cảnh ùn tắc và xô đẩy ngay giữa đường tàu vẫn diễn ra như không có chuyện gì. “Thấy tàu gần tiến sát giữa đám đông người mà người dân ở đây ai chứng kiến cũng “hú hồn” và lo sợ” – chị Mỹ nói.
Làm gì để hạn chế tai nạn?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường sắt qua địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ dài khoảng 40 km nhưng đã có tới hàng trăm tuyến đường ngang; trong đó vẫn còn khoảng 30 đường ngang dân sinh không có rào chắn. Đến nay, thành phố đã ký hợp đồng với gần 30 người, thành lập 10 tổ, tham gia cảnh giới tại 10 đường ngang nguy hiểm. Tuy nhiên, do thời gian trực có hạn nên không hạn chế được TNGT.
Theo UBND quận Cẩm Lệ, hiện trên địa bàn quận vẫn còn 4 tuyến đường ngang giao với đường sắt chưa có gác chắn, nguy cơ tiềm ẩn TNGT đường sắt là rất lớn. Để hạn chế TNGT ở các tuyến đường ngang giao với đường sắt, UBND quận cũng đã đề xuất với thành phố cần nhanh chóng giải tỏa các hộ dân dọc tuyến đường gom từ cầu vượt Hòa Cầm vào Nhà máy Nước Cầu Đỏ để giảm đường ngang dân sinh ở khu vực này. Cũng theo UBND quận Cẩm Lệ, cả 2 vụ TNGT đường sắt xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua đều ở cùng tuyến đường ngang dân sinh và thời điểm xảy ra tai nạn đều khoảng 24 giờ.
Từ khi có lệnh cấm các phương tiện giao thông qua ngã ba Huế thì các tuyến đường ngang giao với đường sắt ở khu vực tổ 1,15 và 16 phường Thanh Khê Tây trở nên đông nghịt người qua lại. |
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông TP. Đà Nẵng cho rằng: Đối với tuyến đường ngang dân sinh giao với đường sắt ở gần cầu vượt Hòa Cầm, Sở Giao thông vận tải TP. Đà Nẵng cũng đã nhiều lần làm việc với quận Cẩm Lệ cho đóng nhưng mà địa phương và nhân dân chưa đồng tình.
Chỉ khi nào làm được đường gom bên trong thì người dân mới đồng tình cho đóng. Cũng theo ông Cường, để hạn chế TNGT ở các tuyến đường ngang giao với đường sắt chưa được lắp đặt rào chắn, Ban An toàn giao thông TP. Đà Nẵng cũng đã đề nghị với từng địa phương - nơi có đường ngang giao nhau với đường sắt thực hiện hợp đồng với Tổ cảnh giới kéo dài thời gian cảnh giới đến hết 24 giờ trong ngày. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài cần phải kháo sát, tính toán để “đóng cửa” những đường ngang giao với đường sắt bất hợp lý.
Bài và ảnh: Trọng Hùng