Một tiếng nổ lớn đã cưa đứt đôi chân và tưởng như dập tắt luôn bao ước mơ hoài bão của chàng thanh niên 19 tuổi ngày ấy. Với đôi bàn tay còn lại và nụ cười trên môi, ông đã trở thành ông chủ tiệm sản xuất mì và hàng chục hecta rừng… Ông là Phùi Tấc Ming (ở tổ 12, phường Nam Dương, quận Hải Châu).
Ông Phùi Tấc Ming và chiếc xe máy 3 bánh - phương tiện để ông lên Hòa Ninh trồng rừng. |
Vượt lên số phận
Vụ nổ mìn ngày ấy đã cướp đi của Phùi Tấc Ming đôi chân. Suốt ngày giam mình trong nhà, không thiết ăn uống gì, Ming tưởng cuộc sống không còn ý nghĩa. Cha của Ming nắm lấy tay con trai và nói: “Con vẫn còn đôi tay kia mà!”. Rồi một thời gian ngắn sau đó cha qua đời. Vậy là 4 anh em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhìn lũ em nheo nhóc, Ming không còn sức để khóc cha. Nhìn đôi tay mình, Ming lại nhớ lời cha. Vậy là anh bắt tay vào học làm bánh tiêu. Anh như không biết mệt, làm cả ngày đến nửa đêm. Bánh làm ra đến đâu, người đến mua hết veo đến đó. Có thời gian cao điểm anh làm được hơn 500 cái bánh mỗi ngày, nuôi các em khôn lớn.
“Lúc đó, tôi chỉ biết làm quần quật nuôi các em chứ đâu có dám ước mơ hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng ai ngờ, hạnh phúc lại mỉm cười với tôi…”, ông Ming nay 62 tuổi cười nhớ lại. Cô gái nhà đối diện xinh đẹp, duyên dáng Trần Thị Nhung ngày ấy đã thương thầm chàng trai tật nguyền. “Ngày đó, tôi thương ổng vì lúc nào ổng cũng lạc quan, không khi nào thấy ổng buồn phiền dù cơ thể bị khiếm khuyết, dù phải vất vả nuôi mấy đứa em”, bà Nhung thổ lộ.
Vượt qua sự cản ngăn của gia đình, Nhung quyết định gắn bó đời mình với Ming. Rồi cô con gái đầu lòng ra đời, gánh nặng áo cơm lại đè lên vai ông. Khi đó, bánh tiêu bán ế, ông xoay sang làm nắp keng để bán cho những tiệm đóng chai nước mắm. Cả ngày làm nắp keng, tối đến ông lại đổ bánh đúc để sáng sớm vợ kịp mang đi bán.
Sau năm 1975, hai vợ chồng cùng con gái lên khu kinh tế mới ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) làm ăn. Vợ đi chặt củi, chồng ở nhà chẻ củi. Mùa nắng cuộc sống cũng tạm ổn nhưng đến mùa mưa thì phải dè sẻn từng hạt gạo. Cuộc sống vất vả quá khiến bà Nhung có lúc bi quan, nhưng ông Ming bảo: “Mình còn có đôi bàn tay, còn sức là còn làm”.
Lăn xe lên núi trồng rừng
Về lại thành phố Đà Nẵng khi trong túi chỉ còn những đồng bạc cuối cùng, vợ chồng ông Ming quyết định vay mượn bạn bè mua máy làm mì hoành thánh. Ngày ấy, máy quay bằng tay vất vả lắm, mướt mồ hồi từ sáng đến tối nhưng chẳng được nhiều. “Ấy vậy mà mình quên cả mệt mỏi, chỉ nghĩ đến kiếm đủ tiền để đón đứa con gái thứ hai ra đời”, ông Ming nhớ lại.
Khi công việc tạm ổn, ông quyết định… lên núi trồng rừng, nuôi dê. Vợ ông lo ngại: “Người lành lặn họ còn băn khoăn chưa dám lên rừng khai hoang mà anh lại nhận”. Lên Hòa Ninh, ông bắt tay nuôi dê. Hơn 40 con dê con ông mang về từ Phan Rang chưa nuôi được bao lâu thì chết dần. Số tiền đầu tư hơn 100 triệu đồng ra đi theo đàn dê. Ông tìm hiểu nguyên nhân. Thì ra do khí hậu không hợp, độ ẩm cao nên đàn dê không chịu đựng nổi. Ông quyết định nuôi lại bằng giống dê lấy tại Đà Nẵng.
Đến nay, ông Ming có đàn dê hơn 40 con, trong đó có 15 con dê đẻ. Nhận 10 hecta đất, ông bắt tay vào khai hoang, rồi tìm đến các trại ươm giống học hỏi kinh nghiệm và mua hạt về tự trồng tại vườn ươm ở Hòa Ninh. Ai nấy đều lắc đầu e ngại khi tuần nào ông cũng vượt 30km trên con đường gồ ghề sỏi đá chỉ với chiếc xe lắc. Bằng hai chiếc ghế nhựa thay đôi chân, ông tự mình nhổ cỏ cho vườn ươm, chăm từng cây. Đến giờ, ông đã có 6 hecta cây keo tai tượng, 4 hecta cây bạch đàn cùng vườn cây ăn quả như: ổi, xoài, chuối, sầu riêng… Sau 3 mùa thu hoạch cây, vườn ươm cho thu nhập khoảng hơn 900 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư ban đầu khoảng 400 triệu đồng, ông lãi khoảng 500 triệu đồng. Cuộc sống của vợ chồng ông giờ khấm khá, các con cũng đã thành đạt. Chiếc xe lắc ngày nào được ông thay bằng xe máy 3 bánh để thuận tiện hơn trong đi lại. Dẫu vậy, ông chưa lúc nào chịu nghỉ ngơi bởi “mình còn đôi bàn tay, còn sức là còn làm...”.
Bài và ảnh: KIM NGÂN