.

Ký ức ngày giải phóng

.

Ngày 30-4-1975, khi hay tin miền Nam giải phóng, không thể diễn tả cảm xúc vỡ òa vui sướng của hàng triệu con tim trong niềm vui đại thắng, giành lại độc lập dân tộc, thống nhất non sông. Với những người con Đà Nẵng, những gì họ cống hiến cho đất nước để mang lại ngày toàn thắng sẽ không thể nào quên…

Biệt động thành Ngô Văn Thái (thứ nhất, bên phải) trong lần gặp gỡ đồng đội sau giải phóng thành phố. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Biệt động thành Ngô Văn Thái (thứ nhất, bên phải) trong lần gặp gỡ đồng đội sau giải phóng thành phố. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Người lính biệt động thành gan dạ

Trong niềm vui của ngày toàn thắng lịch sử cách đây 39 năm, ông Ngô Văn Thái thời khắc đó vẫn làm nhiệm vụ của một biệt động thành quận Nhì (quận Thanh Khê), đi quanh thành phố quan sát, phát hiện những dấu hiệu bất thường của tàn quân ngụy trốn nấp không chịu đầu thú. Ông kể, khi nghe đài phát thanh thông báo quân ta đã chiếm được Dinh Độc Lập, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, người dân Đà Nẵng ai nấy đều vui mừng khôn xiết. Nhưng lúc đó, sau khi Đà Nẵng giải phóng tròn 31 ngày, tình hình thành phố vẫn còn có những diễn biến phức tạp nên tất cả các lực lượng của ta luôn đề cao cảnh giác, đề phòng những biểu hiện chống phá của tàn quân địch trốn nấp.  

Vốn là người con sinh ra trên mảnh đất Hòa Liên có truyền thống cách mạng trung dũng, kiên cường, cha là liệt sĩ chống Pháp, năm 16 tuổi, Ngô Văn Thái đã tự nguyện tham gia du kích mật xã Hòa Liên. Năm 17 tuổi, Thái được tuyển chọn để chuyển sang làm nhiệm vụ của một biệt động thành quận Nhì Đà Nẵng. Với tinh thần mưu trí, lanh lợi, Ngô Văn Thái gắn với thành tích vang dội là đặt thuốc nổ C4 phá nát chiếc xe Jeep, tiêu diệt 1 trung tá, 1 trung úy và 1 lính Mỹ khi địch đến làm công tác tâm lý chiến ở Trường Trung học Hòa Vang đầu năm 1969.

Cách mà chàng học sinh Ngô Văn Thái giấu thuốc nổ qua mặt được bọn địch đó là khoét ruột cuốn giảng văn để ép thuốc nổ dẻo vào. Sau đó, với sự dũng cảm, Ngô Văn Thái lân la tiếp cận xe chở sĩ quan Mỹ để gắn thuốc nổ và kíp nổ chậm để tiêu diệt địch thành công. Trong chiến dịch giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975, Ngô Văn Thái cùng hòa mình với quân và dân tiến công đánh chiếm các cứ điểm của địch. Trong đó, Ngô Văn Thái trực tiếp cùng với lực lượng an ninh quận Nhì đánh chiếm Chi khu Cảnh sát thành phố Đà Nẵng.

Mừng chiến thắng trên cáng cứu thương

Với ông Phan Ngọc Mẫn (quận Thanh Khê), ngày 30-4-1975 là ngày mà ông cùng với những người thương binh chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam Bộ và cả những người ông chưa từng quen biết ôm chầm lấy nhau, nước mắt rơi, ai cũng nghẹn lòng không nói nên lời. Vốn là người được đào tạo chuyên ngành kỹ thuật (ông Mẫn là học sinh miền Nam trên đất Bắc), ra trường và được nhận làm việc ở tỉnh Hà Bắc nhưng ước nguyện trực tiếp cầm súng vào chiến trường miền Nam chiến đấu để giành độc lập giúp ông thuyết phục cấp trên để được đồng ý đi B. Ông Mẫn kể, từ tháng 5-1968, ông theo Trung đoàn 4024 (còn gọi là Trung đoàn Nguyễn Văn Cừ - Hà Bắc) vào đến rừng Phước Long, tỉnh Bình Phước.

Sau đó, ông được biên chế vào Trung đoàn 1, Sư đoàn 5 miền Đông Nam Bộ. Ròng rã suốt mấy năm bám trụ chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, giành giật từng bản làng, xóm ấp và đồn bốt với kẻ thù, có lúc bị thương và tưởng chừng như mình sẽ hy sinh khi rơi vào ổ phục kích của quân địch nhưng chính bản lĩnh gan dạ, táo bạo, dũng cảm đã giúp ông cùng đồng đội thoát khỏi vòng vây quân địch, rút lui về căn cứ an toàn. Đến tháng 2-1975, ông Mẫn cùng đồng đội vượt sông Vàm Cỏ Đông qua Đồng Tháp Mười xuôi xuống huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Sau đó, nhận chỉ thị cấp trên, trung đoàn quay ngược lại đột kích vào hướng tây nam Sài Gòn. Nhưng chẳng may, trong một trận đánh ác liệt khi đột kích sâu vào vành đai quân địch chiếm giữ cửa ngõ tây nam Sài Gòn, ông Mẫn bị thương lần thứ hai, được đồng đội khiêng về rừng Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) để chữa trị tạm, sau đó được đưa ra Thường Tín (Hà Nội).

Ông Mẫn bộc bạch, dẫu không trực tiếp giải phóng Sài Gòn, nhưng ông cho mình là người may mắn khi được đóng góp chút công sức vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Cho đến bây giờ, cảm giác của ngày 30-4-1975 trong ký ức người lính già cùng với những đồng đội bị thương đang nằm trên cáng vẫn còn nguyên vẹn. “Đó chính là niềm tin chiến thắng mãnh liệt mà trong mỗi người lính như chúng tôi vẫn luôn mơ ước, mong mỏi từng ngày”, ông Mẫn chia sẻ.  

Ông Thái, ông Mẫn chỉ là hai trong số hàng triệu người con Việt Nam chiến đấu để giành lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong ký ức của người lính, ngày 30-4-1975 là thời khắc lịch sử không thể nào quên. Bởi để có chiến thắng vang dội đó, hầu hết họ đã hy sinh tuổi thanh xuân, xương máu, chiến đấu hết mình vì Tổ quốc, vì độc lập. Nhiều người con của quê hương Đà Nẵng đã xung phong lên đường nhập ngũ, có người đã để lại một phần xương máu, có người vĩnh viễn nằm lại chiến trường… Họ đã góp phần vào ngày toàn thắng của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng những ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của những nhân chứng lịch sử năm xưa.  

Bài và ảnh: DIỆU MINH
 

;
.
.
.
.
.