.

May mắn được chào đời năm 1975

.

“Chào đời vào năm 1975 là niềm hạnh phúc của bất kỳ ai, bởi hai tiếng “giải phóng” lúc ấy hoàn toàn hiện hữu trên quê hương và toàn vẹn lãnh thổ đất nước, điều mà những thế hệ đi trước phải ước ao biết bao năm”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải - Trưởng khoa Xây dựng cầu đường, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hồng Hải trong những ngày học tập và nghiên cứu tại Pháp (ảnh do nhân vật cung cấp).
Thầy Nguyễn Hồng Hải trong những ngày học tập và nghiên cứu tại Pháp (ảnh do nhân vật cung cấp).

Là trưởng khoa trẻ nhất tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, từng được vinh danh Thanh niên tiêu biểu của thành phố Đà Nẵng, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải cảm nhận những người sinh năm 1975 như mình là một thế hệ may mắn. Anh cùng bao người bạn đồng trang lứa được hít thở, nuôi lớn bằng bầu trời tự do. Để từ đó đến nay, rất nhiều trong số những người thuộc “thế hệ 1975” ngày ấy trưởng thành và đang cống hiến sức mình vào sự nghiệp chung của đất nước.

“Làm cho tốt rất khó!”

Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng khóa 1993-1998, Nguyễn Hồng Hải được giữ lại trường làm giảng viên, kiêm Phó Bí thư Đoàn trường. Sau khi hoàn thành khóa thạc sĩ tại Paris (học bổng của khối các trường ĐH Pháp ngữ AUF) và tiến sĩ tại Trường ĐH Nantes của Pháp (Ngân hàng Thế giới tài trợ), Nguyễn Hồng Hải tham gia giảng dạy tại Pháp một năm trước khi quay về Trường ĐH Bách khoa giữ vị trí Trưởng khoa, kiêm Bí thư Chi bộ như hiện nay.

Vừa giảng dạy, vừa quản lý và tham gia định hướng phát triển một khoa có quy mô lớn với 53 cán bộ và 2.000 sinh viên, Tiến sĩ Hải không tránh khỏi áp lực, bởi như anh nói: “Làm cho xong việc thì dễ nhưng làm cho tốt thì phải cố gắng rất nhiều”.

Ngoài công việc chuyên môn, thầy Hải đôi lúc thấy mình khá giống… “bầu sô” khi thường xuyên đứng ra tổ chức sự kiện hoặc các hoạt động kết nối doanh nghiệp với sinh viên. Đó là việc anh cảm thấy vui và hào hứng. Sinh viên có thêm học bổng, cơ hội việc làm, đơn đặt hàng hoặc được mở rộng các mối quan hệ với doanh nghiệp là những điều khiến anh trăn trở không thua kém việc truyền đạt kiến thức trên giảng đường. “Hiện tại kinh tế còn suy thoái, doanh nghiệp vẫn khó khăn nên chuyện kết nối khá vất vả. Nhiều đêm tôi cũng mất ngủ vì điều này”, thầy Hải tâm sự. Ngay cả với bản thân những giảng viên như Tiến sĩ Hải, việc tìm kiếm cơ hội để phát triển nghiên cứu khoa học cũng là vấn đề nan giải. Thế nên, thầy càng hiểu sinh viên sẽ khó khăn như thế nào nếu không có sự hỗ trợ từ cán bộ khoa.

Trăn trở...

Thầy Nguyễn Hồng Hải còn thường xuyên nói chuyện với sinh viên về văn hóa ứng xử, dù việc này dường như chẳng liên quan gì đến “cầu” hay “đường”. “Kinh tế thua nước khác có thể đuổi kịp trong vài chục năm, nhưng văn hóa ứng xử có khi cần trải qua nhiều lớp người mới theo kịp. Làm ngành cầu đường hay bất kể công việc gì cũng cần có cách ứng xử văn minh, lịch sự mới góp phần tạo nên diện mạo của đất nước”, Tiến sĩ Hải chia sẻ.

Bên cạnh thực hiện nghiên cứu các đề tài của cá nhân mình, hằng năm, Tiến sĩ Hải còn hướng dẫn sinh viên làm đồ án với kết quả hai năm liên tiếp đoạt giải nhì Giải thưởng Loa Thành - phần thưởng dành cho những đồ án tốt nghiệp xuất sắc của khối Xây dựng trên toàn quốc. Với hoạt động giảng dạy hằng ngày, biết khó có thể mơ ước một sớm một chiều sinh viên Việt Nam sẽ được học trong môi trường hiện đại, đầy đủ cơ sở vật chất thực hành như nước ngoài, nên thầy cùng các giảng viên trong khoa “gỡ khó” bằng cách “nhặt” những gì hay, áp dụng khả thi trong điều kiện thực tế hiện tại thì cố gắng đưa ngay vào giờ dạy.

Chia sẻ nhiều điều về công việc, suy nghĩ dưới góc nhìn của một người sinh năm 1975, Tiến sĩ Hải vẫn không quên tâm tư về yếu tố “cầu đường”: Đà Nẵng trong những năm gần đây phát triển rất nhanh. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ví dụ trong lĩnh vực giao thông, thì bên cạnh phát triển nhiều hệ thống đường phố, mở rộng thành phố, cần có quy hoạch lâu dài đến sự phối hợp và tổ chức hệ thống giao thông một cách hợp lý, tránh rơi vào hiện tượng ùn tắc như đã xảy ra ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều nước khác trên thế giới hiện nay.

THU HOA

;
.
.
.
.
.