ĐNĐT - Nhìn đôi tay thoăn thoắt rọc, dán, tạo thành những bộ quần áo, những đôi dép… bằng giấy, chúng tôi biết rằng vợ chồng ông Lê Phước Hội và bà Trần Thị Tâm Hiền (trú số 23 đường Thủ Khoa Huân, quận Sơn Trà) chính là “bằng chứng sống” cho nghị lực “tàn nhưng không phế”.
Khiếm khuyết đôi chân nhưng bù lại đôi tay ông Hội rất nhanh nhẹn và khéo léo. |
Ngay từ khi mới 3 tuổi, ông Lê Phước Hội (55 tuổi) đã bị sốt bại liệt, hai chân yếu ớt và không bình thường. Mọi sinh hoạt hằng ngày của ông khá khó khăn do cả hai chân đều teo nhỏ. Còn vợ ông, bà Trần Thị Tâm Hiền (50 tuổi) cũng bị tai nạn do giẫm phải mìn từ sau ngày giải phóng khiến một chân bà thương tật vĩnh viễn. Hai con người thiếu may mắn ấy đã bén duyên nhau từ những lần sinh hoạt chung tại Chi hội Người khuyết tật thành phố. Một năm sau đó, cuộc hôn nhân không có cỗ cưới linh đình, không có hoa tươi, nhẫn cưới, chỉ có mỗi tình yêu đã gắn họ lại với nhau. Và trái ngọt tình yêu của hai người là cậu con trai (học lớp 5) ngoan ngoãn, học giỏi.
Nhớ lại khoảng thời gian trước khi về chung một nhà với bà Hiền, ông Hội tâm sự: “Hồi đó, tôi ngồi xe lăn bán vé số khắp các nẻo đường Đà Nẵng. Cuộc sống cũng đủ ăn nhưng cô đơn lắm, căn nhà trống trải chỉ mình tôi với mẹ già. Nhưng rồi từ khi gặp Hiền, cuộc đời tôi như được tái sinh”. Trên chặng đường đi tìm hạnh phúc, ông cảm thấy rất may mắn khi có được một người vợ đảm đang, tảo tần như bà Hiền, dù bà cũng tật nguyền nhưng mọi việc trong nhà đều do một tay bà đảm nhận, quán xuyến.
Dù ngồi xe lăn nhưng mọi việc nhận hàng, cơm nước, chợ búa... đều do một tay bà Hiền đảm nhận. |
Vốn là người gốc Huế, có nhiều đời làm nghề vàng mã, nên khi có gia đình, thấy chồng hàng ngày rong ruổi khắp các tuyến đường, cực nhọc mà lời lãi chẳng bao nhiêu, bà Hiền đã “khởi xướng” nghề mới để hai vợ chồng cùng làm. Bà chia sẻ: “Tôi luôn tâm niệm mình tàn nhưng không phế, phải tự bản thân mình vượt khó vươn lên, là tấm gương để con cái noi theo. Dù khổ cực, chúng tôi cũng cố gắng tự sống được, không trở thành gánh nặng của xã hội. Mà muốn sống được phải có một cái nghề “dắt lưng”. Vì vậy, ngoài những kỹ thuật làm vàng mã ba mẹ truyền lại, tôi đi học thêm, rồi về chỉ lại cho chồng. Mới đó mà vợ chồng tôi đã gắn bó với nghề này gần 10 năm rồi”.
Hiện, những sản phẩm vàng mã do ông bà làm ra được bỏ tại các chợ trên địa bàn thành phố, nhiều tiểu thương ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam) cũng lấy hàng của ông bà.
Khi tôi hỏi cả hai vợ chồng cùng lao động vất vả như vậy, thu nhập có đủ sống không? Bà Hiền cười nói: “Công việc của chúng tôi bắt đầu từ sáng đến tối mới xong. Lao động chân tay nên càng vất vả càng có tiền. Mỗi tháng hai vợ chồng kiếm được khoảng 6.000.000 đồng. Cũng chẳng thấm tháp gì vì vừa nuôi con ăn học vừa nuôi mẹ già nên phải khéo co kéo lắm mới đủ” (Ông bà hiện sống cùng mẹ già đã 95 tuổi).
Tuy cuộc sống vất vả, khó khăn nhưng cả ông Hội lẫn bà Hiền đều là Hội viên xuất sắc nhiều năm liền của Chi hội người khuyết tật quận Sơn Trà. Chỉ cho tôi những bằng khen treo trên tường, ông Hội vui vẻ kể: “Vợ chồng tôi thường xuyên tham gia các hoạt động của Chi hội người khuyết tật quận và nhiều lần được tuyên dương ‘‘tàn nhưng không phế’’, là người khuyết tật nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đó cũng là động lực để chúng tôi thêm cố gắng”.
Rời nhà ông bà, nhìn những cử chỉ, lời nói ân cần của họ dành cho nhau, chúng tôi biết rằng, họ hạnh phúc với sự lựa chọn của mình và dù có khiếm khuyết hình thể nhưng trái tim họ không khiếm khuyết, họ đã tìm được nhau giữa cuộc đời đầy khó khăn này.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang