.

Người chiến sĩ điệp báo A10

.

Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi vinh dự được đến thăm Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Huỳnh Huề - người con của quê hương Đà Nẵng, tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Bằng giọng nói trầm ấm, cách nói chuyện dung dị nhưng sâu sắc, vị tướng lĩnh dạn dày trận mạc vẫn không khỏi bồi hồi xúc động khi nghe chúng tôi hỏi về những chiến công lẫy lừng trong sự nghiệp cách mạng của mình.

Tác giả trò chuyện cùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Thiếu tướng Huỳnh Huề (phải) tại nhà riêng của ông.
Tác giả trò chuyện cùng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - Thiếu tướng Huỳnh Huề (phải) tại nhà riêng của ông.

Thiếu tướng Huỳnh Huề sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia Đoàn Thanh niên T7 với nhiệm vụ liên lạc bảo vệ các cuộc họp bí mật của Đảng ủy Hoàng Văn Thụ, thành phố Đà Nẵng. Năm Mậu Thân 1968, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh ba mình (lúc đó là cán bộ Thành ủy Đà Nẵng) bị bọn địch bắt, đày đi Côn Đảo. Tiếng khóc của mẹ, tinh thần quật khởi của ba không chịu khai báo bất cứ điều gì trước sự tra tấn dã man của kẻ địch đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng trai trẻ.

Tháng 5-1972, ông chính thức được hoạt động trong Cụm điệp báo A10 (thuộc Ban An ninh T4) do đồng chí Trần Quốc Hương (tức Mười Hương), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Sài Gòn - Gia Định lúc ấy trực tiếp làm Trưởng ban. Tháng 9-1972, ông được giao làm Cụm phó Cụm điệp báo A10 với bí danh Ba Hoàng. Ngay từ khi được cấp trên cử vào hoạt động trong phong trào sinh viên Sài Gòn, Ba Hoàng đã đi sâu nghiên cứu và xây dựng được một số sinh viên có tinh thần yêu nước. Chính những người này sau đó đã được Ba Hoàng phát triển, bồi dưỡng để phục vụ công tác điệp báo.

Khi được nhận nhiệm vụ xây dựng nhóm điệp báo chui sâu, leo cao trong các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn, Ba Hoàng đã bồi dưỡng, giác ngộ và giao nhiệm vụ cho anh Ngô Văn Dũng (tức Ba Hùng), kỹ sư nông nghiệp, tốt nghiệp ở Mỹ, hướng anh thi tuyển vào Phủ Thủ tướng chính quyền Sài Gòn đặc trách kinh tế. Trong quá trình hoạt động, điệp báo viên này đã lấy được rất nhiều tài liệu tuyệt mật, trong đó có tài liệu nói về Mỹ bắt đầu cắt viện trợ... từ đó ta phân tích được từ năm 1972, Mỹ bắt đầu bỏ rơi Thiệu...

Được đồng chí Mười Hương chỉ đạo xây dựng nhóm điệp báo nằm ngay tại Trung tâm Tình báo điện tử Mỹ, Ba Hoàng đã cân nhắc và tìm được một số kỹ sư điện tử là các anh Lương Mạnh Dũng, Bùi Sáu và Lê Ngọc Sáu. Sau một thời gian bồi dưỡng và giao nhiệm vụ, Ba Hoàng đã đưa được 3 cơ sở trên thi tuyển thành công vào Công ty Điện tử Harris Comparation, thực chất là Trung tâm Tình báo điện tử Mỹ đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trước khi cả ba được đưa vào sân bay Tân Sơn Nhất, Ba Hoàng đã huấn luyện họ chống lại sự kiểm tra bằng máy đo nói dối của Mỹ. Ông đã chỉ đạo ba anh vẽ sơ đồ tổ chức, nhiệm vụ, chức năng và phát hiện các tin tức tổng hợp về quân sự được chuyển qua hệ thống điện tử này. Từ đó, ta thu được nhiều tin tức tình báo quan trọng về diễn biến chiến trường miền Nam, về hướng hành quân, hướng đánh phá của Mỹ.

Ngay từ đầu năm 1973, Ba Hoàng đã được đồng chí Mười Hương giao nhiệm vụ xây dựng nhóm điệp báo nhằm xây dựng nhóm nghị sĩ đối lập, tác động tới Dương Văn Minh. Nghiên cứu một số nhân vật tiếp cận được Dương Văn Minh, Ba Hoàng đã quyết định chọn và đi sâu vào nhóm dân biểu và tờ báo đối lập (báo Điện Tín), trong đó có anh Huỳnh Bá Thành là người cùng quê, đã quen trong thời kỳ ông hoạt động phong trào sinh viên và lúc đó là Tổng Thư ký tòa soạn của tờ báo. Từ đó, các cơ sở Cụm điệp báo A10 đã xây dựng thành công một nhóm đối lập với chế độ Thiệu (Huỳnh Bá Thành, Phan Xuân Huy - con rể Dương Văn Minh, Nguyễn Hữu Thái, Nguyễn Vạn Hồng - Cung Văn).

Trong sự kiện ngày 30-4-1975, Thiếu tướng Huỳnh Huề kể rằng, khí thế tiến công đã sục sôi từ rất nhiều ngày trước đó. Các ngày 28, 29-4, tại hàng loạt các cơ sở chính trị của ta, cờ Mặt trận giải phóng được may gấp rút, chuyển về tập trung, sẵn sàng chờ đợi phút giây tỏa ra mọi ngõ ngách, tung bay trên phố. Mọi người hồi hộp dõi theo từng tin tức chiến sự qua chiếc radio nhỏ.

Sáng sớm 30-4, khi các cánh quân vẫn ở bên kia cầu Rạch Chiếc thì tại các cơ sở chính trị của ta đồng loạt nổi dậy. Cờ Mặt trận tung bay khắp phố. Từ 6-7 giờ sáng, Ba Hoàng cùng đồng đội hướng thẳng về trung tâm thành phố, dừng xe trước Trung tâm Bưu điện, sát Nhà thờ Đức Bà, đối diện Dinh Độc Lập để quan sát tình hình. Trong phòng kỹ thuật của Trung tâm Bưu điện, Ba Sinh cũng đã ngồi chờ cùng đồng nghiệp. Nhận định tình hình địch đang hoang mang tột độ, Cụm phó Ba Hoàng chỉ thị Ba Sinh tìm lý do cắt toàn bộ các đường dây điện đàm, vô hiệu hóa toàn bộ đường liên lạc Trung tâm Bưu điện Sài Gòn.

Cùng thời điểm này, bầu không khí căng thẳng bao trùm Dinh Độc Lập. Toàn bộ các cơ sở của Cụm điệp báo A10 trong tư thế sẵn sàng. Khi chiếc xe tăng húc đổ cổng dinh, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái cùng với giáo sư Huỳnh Văn Tòng (đều là cơ sở của A10) đã túc trực bên trong, dẫn đường ngay cho Bùi Quang Thận (một trong những người ngồi trên xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập) treo cờ cách mạng trên dinh. Sau đó, cùng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái và nhà báo Kỳ Nhân (phóng viên ảnh Hãng Thông tấn AP, cơ sở của A10) cùng với bộ đội tháp tùng Dương Văn Minh đến tận Đài phát thanh, sắp xếp để Dương Văn Minh kêu gọi binh sĩ Việt Nam Cộng hòa buông súng đầu hàng.

Quãng đời làm điệp báo đã trang bị cho Ba Hoàng bản lĩnh của người chỉ huy. Ông kể rằng, đó là công việc mà không thể có bất cứ sơ suất nào, vì chỉ cần một lỗi nhỏ là có thể dẫn đến hậu quả rất lớn, nguy hiểm đến tính mạng của ông, đồng đội và còn cả đại cục của cách mạng.

Từ bí danh Ba Hoàng trong Cụm điệp báo A10, sau ngày hòa bình lập lại, Ba Hoàng được Đảng, Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng trong ngành Công an Nhân dân. Cụm phó Cụm Điệp báo A10 - An ninh T4 (trước năm 1975); Phó trưởng phòng, rồi Trưởng phòng Bảo vệ Chính trị Công an TP. Hồ Chí Minh; Cục phó Cục Bảo vệ Chính trị, Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc - Tổng cục An ninh, Bộ Công an; Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk và Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an. Năm 2010, Thiếu tướng Huỳnh Huề vinh dự được Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND. Dù thời chiến hay thời bình, ở cương vị nào và hoàn cảnh lịch sử nào, những dấu chân của vị tướng anh hùng luôn in dấu trên khắp mọi miền Tổ quốc. Từ Tây Bắc đến Tây Nguyên sang Tây Nam bộ…, với bản lĩnh của người Công an đã dạn dày trận mạc, Ba Hoàng luôn có những chiến công xuất sắc ghi đậm dấu ấn nơi ông đã đi qua. Để rồi từ đây, Ba Hoàng được đồng đội và người thân quen gọi ông với cái tên thân thương - ông Ba Tây (Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ).

Hiện Anh hùng LLVTND - Thiếu tướng Huỳnh Huề đã nghỉ hưu và vui sống cùng gia đình, con cháu tại thành phố mang tên Bác. Nhưng ông luôn mong ngóng về quê hương Đà Nẵng. Mỗi chiếc cầu bắc qua sông Hàn, mỗi khu phố mới, những chủ trương, chính sách vượt trội của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng luôn là đề tài nóng hổi mỗi khi ông nói chuyện cùng gia đình và đồng nghiệp của mình. Với ông, quê hương Đà Nẵng như những niềm tự hào không bao giờ tắt trong trái tim vị tướng anh hùng.

ĐẶNG VĂN NỞ

;
.
.
.
.
.