ĐNĐT - Đó là chị Nguyễn Thị Lệ (43 tuổi, trú đường Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà), sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề mộc, lại thêm có chút năng khiếu hội họa nên từ nhỏ, dù là phận gái nhưng chị đã được gia đình hướng đi theo nghề chạm khắc gỗ. Để rồi từ chỗ học nghề vì “bị ép”, chị đam mê và yêu nó lúc nào không hay.
Người phụ nữ nhỏ bé này đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề khắc chạm. |
Từ bàn tay tài hoa…
Từ bé, chị Lệ đã được tiếp xúc với môi trường toàn gỗ, ngày ngày nghe tiếng đục đẽo, bào cưa…nên chị đã “nhiễm” nó. Gặp khúc cây nào bỏ đi, hay miếng gỗ thừa của anh trai không sử dụng nữa, chị lại mang về để biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc gỗ nghệ thuật đẹp mắt.
“Thấy con gái có chút khiếu thẩm mỹ, lại khéo tay nên ba mẹ đã bàn nhau cho tôi theo nghề chạm khắc. Ngày xưa làm gì có tiền mà đi tìm thầy học. May cho tôi là anh trai mở xưởng mộc, có thuê một thợ chạm đến phụ việc nên tôi được học “ké” từ anh thợ đó. Học hết nghề của anh đó xong, tôi còn đi làm thuê khắp nơi để lấy thêm kinh nghiệm”, chị Lệ vui vẻ tâm sự.
Chị Lệ nhớ lại những ngày đi làm thuê để học nghề từ các “lò” điêu khắc gỗ nổi tiếng, rồi những ngày chăm chỉ, vất vả rèn luyện tay nghề để thỏa niềm đam mê, yêu thích chạm khắc. Không phụ công, chỉ trong 2 năm, chị đã có tay nghề vững chắc từ sự sáng tạo, cần cù, chịu khó và kiên trì học hỏi không ngừng để nắm bắt những bí quyết cơ bản từ những nghệ nhân có tay nghề cao.
Từ chỗ là một thợ chạm làm thuê, đến nay chị Lệ đã mở được một tiệm chạm khắc với 4-5 nhân công cho riêng mình. Những nhân công tại tiệm chị Lệ cho biết, thu nhập của họ mỗi ngày từ 150.000-200.000 đồng, tùy theo người mới học nghề hay thợ lành nghề. Mức thu nhập (4.500.000-6.000.000 đồng/tháng) đối với người không bằng cấp như chúng tôi như vậy là tốt lắm rồi”, một thợ phụ nói.
Những ngày dài mày mò để tạo dáng cho những khúc gỗ vô tri vô giác có được một hình tượng quen thuộc trong đời sống thật sự thấm đẫm mồ hôi và cơ cực. Nhưng chị Lệ không hề nản chí, đối với chị, công việc càng vất vả càng hun đúc thêm niềm đam mê bởi mỗi tác phẩm ra đời khẳng định chị đã đi đúng hướng.
Chị cho biết: “Làm nghề này phải kiên trì, có khiếu thẩm mỹ, sáng tạo để có được những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Bên cạnh đó, cần phải nắm chắc lịch sử, nguồn gốc, thân thế của từng nhân vật thì mới thể hiện nhân vật sống động được”.
Đối với nghề chạm khắc, nam giới đã cực, phụ nữ còn vất vả gấp đôi. Công việc của chị bắt đầu từ 8 giờ sáng đến 5-6 giờ chiều. Cả ngày ngồi gọt, đục đẽo, bụi gỗ rất nhiều nên luôn luôn phải đội mũ, đeo kính, đeo khẩu trang để bảo vệ. Tính đến nay, chị đã theo nghề được hơn 20 năm và chưa bao giờ thấy nhàm chán với nó. Mỗi tác phẩm hoàn thành luôn đem đến cho chị niềm vui, sự xúc động. “Đó là sự rung cảm của một nghệ nhân yêu nghề, làm vì đam mê, không đơn thuần là ‘‘cơm áo gạo tiền”.
Một tác phẩm mới của chị Lệ. |
Đến những tác phẩm biết nói
Bên cạnh các sản phẩm thông thường như bàn, ghế, tủ, tranh gỗ, những tác phẩm điêu khắc chị tâm đắc nhất là các bức tượng Phật Di Lặc, Phật Thích Ca, Phật bà Quan Thế Âm… phục vụ cho nhu cầu tâm linh của Phật tử. Chị cho biết, khi bắt tay vào làm bất cứ bức tượng nào, người nghệ nhân đều phải để tâm mình vào đó. Với các tượng tâm linh thì càng phải giữ được những nét đẹp vốn đã được truyền từ bao đời. Để làm được những bực tượng về Phật bà Quan Âm, Phật Di Lặc, hay 3 ông Phúc, Lộc, Thọ…thì người làm cần có cái tâm sáng, hướng Phật thì tác phẩm mới có hồn.
Chất liệu chị chọn chủ yếu là gỗ trắc, gỗ mít, cẩm lai. Theo chị, gỗ mít giá thành rẻ, tuy dễ làm nhưng độ bền và đẹp thì không bằng gỗ trắc. Các sản phẩm làm từ gỗ trắc tuy khó và giá thành cao nhưng càng để lâu màu gỗ càng lên màu đẹp và sang trọng. Quá trình làm nghề đòi hỏi người thợ phải tự tìm tòi từ cách thể hiện, tạo dáng thế nào cho hợp lý, từng đường nét có thẩm mỹ để bức chân dung sống động, chân thật. Một bức tượng điêu khắc chân dung người thật trên gỗ có hàng trăm chi tiết nhưng khó nhất là khuôn mặt, từ ánh mắt, khóe miệng cười, phải làm sao thể hiện được từng nét biểu cảm trên khuôn mặt sao cho giống người thật. Vì vậy, để làm được một bức tượng cỡ trung bình (cao 1 mét) chị cần khoảng 6 ngày để hoàn thiện.
Hiện, các sản phẩm của chị Lệ ngoài các bức tượng truyền thống, chị còn làm thêm những sản phẩm “thần tài” như cóc gỗ ngậm tiền. Chị rất hy vọng những sản phẩm mới này sẽ thu hút sự chú ý của khách hàng. Các sản phẩm gỗ của chị Lệ ban đầu đã tạo được dấu ấn nhưng khó khăn nhất lúc này của chị là sản phẩm không có đầu ra. “Tôi chỉ làm theo đơn đặt hàng của khách. Nghĩa là có đơn thì mình làm chứ không làm đại trà vì chưa có mặt bằng đẹp cũng như đầu ra hạn chế.”.
Khi tôi ra về, chị Lệ chia sẻ mong muốn rằng, nếu có điều kiện sẽ mở lớp đào tạo con em trong phường có hoàn cảnh khó khăn nhằm giúp các em có một cái nghề trong tay, phần nào cũng góp phần gìn giữ nghề thủ công truyền thống.
Bài và ảnh: Quỳnh Trang