Tháng 2-1975, ta chuẩn bị chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Khi quyết định đánh Đà Nẵng, Bộ Tổng Tham mưu cử một đoàn cán bộ từ Hà Nội vào để giúp các đơn vị sở tại, tổ chức dân chính Đảng… tiếp quản Huế, Đà Nẵng.
Thiếu tướng Trần Tiến Cung trong một lần về thăm lại Gò Nổi (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), nơi ông từng làm cụm trưởng tình báo những năm 1965-1968. |
Đoàn công tác gồm 7 cán bộ đi trên chiếc xe com-măng-ca, do Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương (Tổng cục Chính trị) dẫn đầu, trong đó thành phần Cục 2 có 2 thành viên là Trần Tiến Cung và Trương Thành. Đường xấu, xe chật, thậm chí có đoạn tàn quân địch còn lẩn trốn có thể nổ súng vào đoàn công tác, nhưng “Vì miền Nam ruột thịt” nên ai cũng mong đến sớm. Đoàn tuy ít thành viên nhưng mỗi người một lĩnh vực khác nhau, nên đường đi mỗi cán bộ phải dự kiến được công việc bắt đầu như thế nào.
“Chúng tôi vào đến nơi thì Huế vừa giải phóng, Đà Nẵng mới bắt đầu. Ở đây, công việc chủ yếu là của anh Hương, anh trực tiếp làm việc với Huế”, Thiếu tướng Trần Tiến Cung nhớ lại. Khoảng 2 hôm sau, đoàn công tác vào Đà Nẵng. Vị tướng già cho biết: “Ở đây mới là nhiệm vụ chính của tôi”. Bấy giờ, do địch chốt chặn phá đường đèo Hải Vân nên đoàn phải đi vòng. Vì vậy, đến ngày 29-3-1975, đoàn công tác mới tới Đà Nẵng. Lúc xe đến ngã ba Huế, họ phải đi chậm lại vì người đông đúc, xe các loại chạy rầm rập. Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, xe chạy thẳng vào trụ sở Ủy ban Quân quản, tức UBND thành phố bây giờ. Trần Tiến Cung và Trương Thành có nhiệm vụ vào tiếp quản tài liệu do địch bỏ chạy để lại, đồng thời chuẩn bị cho việc đi Sài Gòn.
Công tác tình báo lúc này rất khó khăn, phức tạp và hết sức khẩn trương. Vì Đà Nẵng tuy đã giải phóng, nhưng thành phần do địch cài lại, hoặc số cán bộ bị bắt không chịu nổi đòn thù đã âm thầm “quay súng”…, ta chưa thể nắm hết được. Một trong những căn cứ để xác định chính là hồ sơ địch ghi lại trong các phiên thẩm vấn và các loại tài liệu do chúng lưu giữ. Vì vậy, ngay trong ngày đầu tiên, Trần Tiến Cung vội đi kiếm số cán bộ, giao thông viên của Cụm tình báo B54. Lúc này, Cụm B54 do đồng chí Tám Công phụ trách đã đến trước để chuẩn bị cho cụm vào tham gia tiếp quản Đà Nẵng.
Sau khi hội ý, các anh chọn đặt trụ sở của cụm ngay trước mặt ga Đà Nẵng. Ổn định tình hình, Trần Tiến Cung phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí. “Bắt đầu tiếp quản, chúng tôi vào trụ sở quân đoàn 1 ngụy để thu tài liệu, tiếp tục đến trụ sở công an. Rất nhiều tài liệu quan trọng địch để lại được chúng tôi thu gom. Trong đó có 6 máy cơ yếu, loại địch thường dùng để mã hóa tài liệu, mấy chiếc máy làm thẻ căn cước giả, v.v… Số tài liệu, máy móc chúng tôi tiếp quản nhiều đến mức khi khiêng về sắp xếp gọn gàng để chuyển ra Hà Nội, Bộ Quốc phòng phải điều động 2 chiếc máy bay AN24 mới chở hết”, vị tướng già hồi tưởng.
Sau khi thu hết tài liệu của quân đoàn 1 ngụy, Trần Tiến Cung dẫn 5 anh em chạy vào trụ sở công an, anh giật mình thấy mấy đồng chí đang nhen lửa để đốt tài liệu. Không kịp trao đổi với mọi người, Trần Tiến Cung vội dập lửa, lấy được một số tài liệu và máy quý, đặc biệt là máy làm căn cước của chính quyền ngụy. Khi ở miền Bắc, anh được xem các đồng chí làm căn cước giả bằng phương pháp thủ công. Theo đó, để có được tấm căn cước cho cán bộ, giao thông viên đi vào vùng địch, ta phải huy động nhiều chuyên gia về vật lý, hóa học nghiên cứu, phân tích mãi mới làm được. Vì thế, chiếc máy này vô cùng ý nghĩa, nhất là khi một số tỉnh miền Nam còn thuộc quyền quản lý của chính quyền Sài Gòn. Nhấn mạnh mức độ quý giá của chiếc máy làm căn cước, Thiếu tướng Trần Tiến Cung cho biết: “Lúc đó, chúng tôi đi vào đều dùng giấy giả”. Thu thập tài liệu xong, công việc tiếp theo của Cụm B54 là hỏi cung tù binh, phân loại và chọn lựa trong số tù binh đó nếu người nào sử dụng được thì chuyển sang bên quân quản để bố trí công việc.
Những ngày tháng lịch sử đó đã trải qua 39 năm, nhưng hằng năm cứ độ tháng 4 về, vị tướng tình báo năm xưa lại bồi hồi xúc động. Ông tâm sự: “Tuổi trẻ của chúng tôi được cống hiến là một niềm hạnh phúc”.
Bài và ảnh: NGUYỄN AN KHÁNH