.

Nơi người già không cô đơn

.

Là một trong 7 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm Đề án “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, Đà Nẵng đã có những cách làm hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người cao tuổi sống vui, khỏe.

Khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi ở quận Sơn Trà.
Khám và cấp phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi ở quận Sơn Trà.

Cụ bà, cụ ông cùng... xuống đường

Cứ khoảng 5 giờ và tầm 16 giờ 30, người ta không còn lạ với hình ảnh từng tốp, từng đoàn người gồm cụ ông, cụ bà đi bộ, chạy chậm, tập thể dục tay không, thể dục dưỡng sinh và chơi các môn thể thao, cầu lông đường phố trên địa bàn phường Thọ Quang (quận Sơn Trà). Ban đầu chủ yếu là các cụ trong CLB dưỡng sinh của phường, sau dần có rất nhiều bạn trẻ cũng hào hứng tham gia cùng chạy bộ hoặc chơi cầu lông. Không chỉ tập thể thao, phong trào văn nghệ cũng được các cụ trong CLB quan tâm. Tiếng hát, lời thơ, điệu múa và những làn điệu dân ca của các cụ vang xa trong các hội nghị, các hoạt động giao lưu ở quận và thành phố. “Tham gia văn nghệ giúp mình có thêm niềm vui, yêu đời và thấy mình còn có ích”, ông Nguyễn Ngọc Văn - một trong những hội viên tích cực trong phong trào văn nghệ của các CLB Người cao tuổi phường Thọ Quang thổ lộ.

Sau hơn 2 năm hoạt động, CLB “Mô hình tư vấn và chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng” phường Thọ Quang hoạt động rất tích cực. Với 30 thành viên, trong đó có một thầy thuốc nhân dân đã nghỉ hưu trực tiếp làm công tác tư vấn và các thành viên CLB được bố trí đều khắp ở các chi hội người cao tuổi phường nên rất thuận lợi trong công tác tư vấn, theo dõi và chăm sóc người cao tuổi ở khu vực mình khi cần thiết. “Bên cạnh các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, chúng tôi còn khám và chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cũng như lập sổ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Nhờ vậy, người cao tuổi ngày càng biết tự chăm sóc mình đúng cách, phòng tránh các bệnh thường gặp, sống vui sống khỏe, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Hà Quốc Lân, Chủ nhiệm CLB Người cao tuổi phường Thọ Quang cho biết.

Thời gian qua, CLB đã phối hợp tổ chức khám kiểm tra sức khỏe, chữa bệnh, phát thuốc và lập sổ quản lý cho hơn 1.300 cụ; phối hợp với các đơn vị quân y đóng quân trên địa bàn định kỳ tổ chức khám và cấp thuốc miễn phí chữa bệnh cho nhiều cụ gặp bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc gia đình chính sách neo đơn, xóa nhà tạm và xây mới cho các cụ người cao tuổi khó khăn với tổng số tiền khoảng 150 triệu đồng.

Còn tại phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), việc chăm sóc người cao tuổi tập trung vào các buổi sinh hoạt thường kỳ tư vấn các bệnh thường gặp ở người cao tuổi như: bệnh nhồi máu cơ tim, huyết áp, tiểu đường, khớp để người cao tuổi biết triệu chứng, cách phòng tránh để thường xuyên khám bệnh định kỳ. “Tại đây, chúng tôi giúp người cao tuổi hiểu 9 điều cần biết, đặc biệt 3 biện pháp chính trong chương trình phòng chống lão hóa, việc duy trì tập thể dục thường xuyên bóng bàn, cờ tướng, dưỡng sinh, cầu lông, chữa bệnh tại nhà…”, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ nhiệm CLB Người cao tuổi phường Hòa Phát cho biết.

Giúp người cao tuổi sống khỏe

Từ năm 2011, Đà Nẵng là một trong 7 tỉnh, thành phố trong cả nước được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) lựa chọn tổ chức xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Hiện Đà Nẵng có 56/56 xã, phường thành lập CLB với hơn 1.700 hội viên tham gia và ngày càng đi vào hoạt động hiệu quả. Hiện toàn thành phố có khoảng 79.500 người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 8,16% so với tổng dân số.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Đà Nẵng Nguyễn Thị Xuân, qua 3 năm triển khai thực hiện Đề án “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”, thành phố đã đạt được những mục tiêu như: vai trò của người cao tuổi được phát huy trong tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng cuộc sống; chất lượng tư vấn chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho người cao tuổi được cải thiện...

Tại 56 CLB, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt là các kiến thức giúp người cao tuổi biết cách ăn uống hợp lý, chăm vận động thể lực, không hút thuốc và tránh tác động có hại của rượu, bia… để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Tuy nhiên, theo bà Xuân, hiện nay còn những khó khăn như: hoạt động xây dựng đội ngũ tình nguyện viên tham gia theo tinh thần tự nguyện, thực hiện tuyên truyền vận động và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng mà không có tiền thù lao. Mặt khác, các CLB mới chỉ được thành lập thí điểm tại các địa phương, chưa được mở rộng đến các chi hội; kinh phí đầu tư và hỗ trợ của các địa phương cho hoạt động của CLB còn hạn chế.

Bài và ảnh: K.N

;
.
.
.
.
.