Xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố động lực của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trên cơ sở phát triển thành phố toàn diện, bền vững về mọi mặt, song song với bảo vệ môi trường là mục tiêu được đặt ra tại Hội thảo khoa học lần thứ 44 mang chủ đề “Các trường đại học kỹ thuật với sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng”.
Quang cảnh hội thảo. |
Hội thảo do UBND thành phố phối hợp cùng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) đăng cai tổ chức ngày 26-4, với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT - PGS,TS Trần Quang Quý cùng đại diện 22 trường đại học, học viện kỹ thuật trên cả nước.
Các tham luận tập trung vào các vấn đề: môi trường, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, nông, lâm, ngư nghiệp, năng lượng, thủy lợi, kiến trúc và xây dựng…
Xây dựng thành phố môi trường
Tham luận An ninh tài nguyên nước phục vụ phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng của tác giả Quách Thị Xuân và Hoàng Thanh Hòa (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng) cho rằng, phát triển nông nghiệp của thành phố đang bị hạn chế do thiếu nước. Điều này xuất phát từ việc Đà Nẵng nằm ở hạ lưu sông Vu Gia nên hầu hết các hoạt động sinh hoạt, kinh tế liên quan đến nguồn nước con sông này của thành phố đều chịu ảnh hưởng bởi các hoạt động trên thượng nguồn thuộc tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, khoảng 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp vùng hạ lưu sông Vu Gia trông chờ vào nguồn nước của sông này, trong đó có gần 4.000ha của Đà Nẵng. Năm 2013, thành phố đã phải chi gần 3.000 tỷ đồng để chống hạn các vụ lúa đông xuân và hè thu.
Tham luận đặt ra một vài giải pháp để cải thiện tình hình như trồng rừng đầu nguồn, tăng cường vai trò của Ban quản lý lưu vực sông với sự tham gia của Quảng Nam, Đà Nẵng, các bên liên quan khác và sự điều phối của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tác giả Quách Thị Xuân cho rằng: “Để phát triển bền vững, một trong những việc cần làm là Đà Nẵng phải chú trọng việc làm thế nào để tránh được các thiệt hại do thiếu và thừa nước gây ra. Các vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn gây thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt trong mùa khô hay các vấn đề lũ lụt gây thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa cần phải được khắc phục. Bởi vì, các vấn đề này không chỉ làm chậm tốc độ tăng trưởng, gây ô nhiễm môi trường mà còn là nguyên nhân làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo, do đối tượng có thu nhập thấp thường là đối tượng dễ bị tổn thương bởi hạn hán và lũ lụt”.
Vấn đề xử lý nước thải, một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng thành phố môi trường, cũng được thảo luận sôi nổi với tham luận Xử lý nước thải đô thị thành phố Đà Nẵng: Kết quả nghiên cứu áp dụng công nghệ xử lý chi phí thấp của 5 tác tác giả đến từ các đơn vị Trung tâm nghiên cứu bảo vệ môi trường, Khoa Môi trường (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng), ĐH Đà Nẵng, ĐH Kitakyushu (Nhật Bản), Công ty Metawater Nhật Bản. Các tác giả nêu thực trạng các nhà máy xử lý nước thải tại thành phố hiện nay đang sử dụng công nghệ hồ kỵ khí dạng đơn giản. Tuy nhiên, mùi và bọt tại các điểm tiếp nhận nước sau xử lý của hồ kỵ khí đã gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân do quá trình sinh hóa kỵ khí không xử lý hoàn toàn được các chất hữu cơ và các chất hoạt động bề mặt, dẫn đến chất lượng nước sau xử lý nhiều thời điểm không đáp ứng các quy định về xả thải. Vì vậy, việc áp dụng hệ thống xử lý nước thải chi phí thấp rất cần thiết nhằm đem lại chế độ hoạt động ổn định và đơn giản trong việc hiệu chỉnh chế độ vận hành. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội của Đà Nẵng hiện nay, công nghệ xử lý nước thải chi phí thấp hoàn toàn phù hợp và việc áp dụng thực tiễn là hướng tiếp cận bền vững trong quản lý nước thải đô thị.
Tham luận Xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ plasma lạnh của TS Trần Ngọc Đảm (Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ô nhiễm môi trường nước ở Đà Nẵng đang ở mức báo động. Các khu làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, hải sản và các khu công nghiệp thiếu quy hoạch và xử lý nước thải; sử dụng hóa chất không hợp lý là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường nước gây ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người. “Nếu đưa hệ thống xử lý nước ô nhiễm bằng công nghệ plasma lạnh sẽ có những ưu điểm như hệ thống làm việc ở nhiệt độ thấp, tiết kiệm điện, thiết bị nhỏ gọn không sử dụng hóa chất, không gây ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, tự động hoàn toàn, chi phí vận hành thấp và đặc biệt là hiệu suất cao. Ngoài ra, hệ thống còn có thể làm việc theo mô-đun nên thay đổi lưu lượng dễ dàng”, TS Trần Ngọc Đảm nhấn mạnh.
Đà Nẵng xây dựng không gian đô thị hiện đại, văn minh nhằm hướng đến phát triển toàn diện. Ảnh: QUỐC TÍN |
Đà Nẵng - thành phố động lực
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nhấn mạnh tính cần thiết của phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nhất là khi Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành “Thành phố môi trường” trong năm 2020. Phó Chủ tịch Phùng Tấn Viết nêu quyết tâm của Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước và trở thành đô thị động lực phát triển của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trên cơ sở phát triển 5 định hướng chính: doanh nghiệp chất lượng cao, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hạ tầng hiện đại và xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết cũng đề cao vai trò của ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, các trường ĐH kỹ thuật trong cả nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng và hiện giữ vai trò nòng cốt trong các doanh nghiệp, bộ máy Nhà nước.
“46 tham luận xoay quanh 33 nhóm đề tài về sự phát triển bền vững của Đà Nẵng là những tài liệu quý, giá trị và có ý nghĩa rất to lớn đối với việc giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của Đà Nẵng hiện nay. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp thu có chọn lọc, phân kỳ và triển khai hiệu quả những vấn đề mà các tham luận đã đặt ra”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết nói.
Bài và ảnh: BÌNH AN