.

Rừng đặc dụng có bình yên?

.

Ở Đà Nẵng, rừng đặc dụng khoảng hơn 30.000ha, trong đó tại huyện Hòa Vang có 28.030ha. Đây là khu vực rất giàu tài nguyên động thực vật, cũng vì vậy mà liên tục bị lâm tặc xâm hại. Hơn 1 năm nay, kể từ khi Ban Quản lý và Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa thành lập, rừng nguyên sinh phía cực tây thành phố Đà Nẵng có bình yên?

Gỗ lậu bị kiểm lâm phát hiện tịch thu.
Gỗ lậu bị kiểm lâm phát hiện tịch thu.

Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phòng chống, chữa cháy rừng năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014 của Ban quản lý Rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa (BQLRĐD BN-NC) và Hạt Kiểm lâm rừng này thì rừng đặc dụng khu vực giàu tài nguyên nhất của lâm phận Đà Nẵng không hề bình yên; trái lại, liên tục bị xâm hại khá nghiêm trọng. Năm 2013, BQLRĐD BN-NC tổ chức 102 đợt tuần tra truy quét chống chặt phá rừng và phối hợp với kiểm lâm, công an, dân quân địa phương tổ chức 5 đợt, đã giáo dục đưa ra khỏi rừng 60 đối tượng, phá hủy 31 lán trại của lâm tặc, hủy và tịch thu hơn 12m3 gỗ, chủ yếu là kiền kiền. Trong quý 1-2014, Ban đã tổ chức 18 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện phá hủy 4 lán trại và 1,32m3 gỗ. Số liệu từ Hạt Kiểm lâm RĐD BN-NC, năm 2013, Hạt phát hiện 9 vụ cất giấu lâm sản trái phép, tịch thu hơn 16m3 (quy tròn); 3 tháng đầu năm 2014, tuần tra truy quét 9 đợt, phát hiện đưa ra khỏi rừng 2 đối tượng, phá hủy 2 lán trại, tịch thu 2,13m3 gỗ.    

Tuy nhiên, số lán trại và gỗ bị phát hiện phá hủy nêu trên chỉ là một phần nhỏ so với số gỗ do lâm tặc khai thác trái phép rất lớn. Lâm tặc lập lán trại, bám trụ trong rừng sâu thời gian dài, sử dụng cưa lốc, chặt hạ những cây gỗ quý. Gỗ sau khi cưa xẻ thành từng phách có lực lượng chuyên vận chuyển ra khỏi rừng. Tại cửa rừng, gỗ được các nậu gỗ đón nhận, trả tiền sòng phẳng. Rồi cứ thế gỗ được chất lên ô-tô, xe gắn máy hoặc kết thành bè về xuôi. Tại nhiều xã của huyện Hòa Vang và các phường ở phố, rất nhiều cơ sở cưa xẻ gỗ lậu chờ sẵn, chỉ cần gỗ đổ xuống là máy cưa hoạt động, bất kể ngày đêm. Đáng tiếc, các đường dây phá rừng này tồn tại hàng chục năm nay, lúc tạm lắng, lúc hoạt động rất sôi động, tùy thuộc vào sự vào cuộc của cơ quan chức năng, và thực tế chưa có đường dây nào bị triệt phá.
Rừng nguyên sinh đang bị tàn phá, đó là điều không thể phủ nhận. Đứng từ xa nhìn về phía tây ai cũng thấy rừng xanh ngắt, song ít ai biết rằng, trong đó lâm tặc đang lần tìm những cây gỗ quý để chặt hạ. Thực ra, hiện nay, không ít khu vực rừng đã bị rỗng ruột, lâm sản loại lớn gần như cạn kiệt. Hậu quả là không chỉ tài nguyên động thực vật không còn mà thiên tai xảy ra sẽ tàn khốc hơn, nguồn nước cũng cạn kiệt dần.  

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng này, lãnh đạo BQL và Hạt Kiểm lâm RĐD BN-NC cho biết, cả 2 đơn vị đã rất nỗ lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng, song không thể ngăn chặn nổi tình trạng tàn phá rừng diễn ra rất dai dẳng. Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng Ban QLRĐD BN-NC, cho biết: Để phát hiện, xử lý số lán trại và gỗ của lâm tặc như nêu ở trên, cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ bảo vệ rừng đã phải ăn ngủ trong rừng nhiều ngày, đối mặt với vô vàn bất trắc và nguy hiểm. Tuy nhiên, một mình lực lượng bảo vệ rừng của Ban không thể cáng đáng nổi, cần có sự vào cuộc của các ngành liên quan, chính quyền các địa phương.

Một vấn đề đáng quan tâm là khu vực rừng do Công ty CP Cáp treo Bà Nà - Núi Chúa quản lý đang bị bỏ ngỏ. Hơn 1.000ha rừng nguyên sinh được UBND thành phố cho doanh nghiệp này thuê dài hạn để phát triển du lịch sinh thái, thế nhưng tài nguyên rừng vẫn là tài sản của thành phố và như vậy Hạt Kiểm lâm RĐD BN-NC phải có trách nhiệm quản lý, giám sát và bảo vệ. Thế nhưng, hiện Hạt này không hề biết việc quản lý bảo vệ rừng tại đây như thế nào, ở đó doanh nghiệp có lực lượng bảo vệ rừng hay không? Ông Dương Phương Trung, Hạt trưởng KL RĐD BN-NC, cho biết: Từ ngày thành lập đến nay, chưa một lần lãnh đạo Hạt Kiểm lâm làm việc với lãnh đạo Công ty CP Cáp treo Bà Nà - Núi Chúa bàn việc phối hợp bảo vệ rừng.

Bài và ảnh: NGUYỄN CẦU

;
.
.
.
.
.