.

Sẵn sàng huy động phương tiện kỹ thuật

.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, nâng cao chất lượng lực lượng thường trực sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, việc xây dựng, quản lý, huy động lực lượng dự bị động viên, trong đó có việc huy động các phương tiện kỹ thuật cho quân đội phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, là rất cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài.

Tàu thuyền công suất lớn là một trong các phương tiện sẵn sàng huy động cho lực lượng thường trực khi có tình huống xảy ra. 						        Ảnh: PHƯỚC VINH
Tàu thuyền công suất lớn là một trong các phương tiện sẵn sàng huy động cho lực lượng thường trực khi có tình huống xảy ra. Ảnh: PHƯỚC VINH

Thực hiện Nghị định 168/1999/NĐ-CP và Nghị định 44/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật một cách chặt chẽ từ cấp quận, huyện đến cấp xã, phường. Xác định rõ tầm quan trọng của việc quản lý, huy động kịp thời các phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân để phục vụ yêu cầu tác chiến khi có chiến tranh xảy ra, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản về quốc phòng đối với các đơn vị tập thể, cá nhân có sở hữu phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu huy động cho quân đội trong danh mục quy định của Nghị định 168 và Nghị định 44. Từ đó vận động các tập thể, cá nhân thực hiện nghiêm túc việc đăng ký các phương tiện theo hai cấp xã, phường và quận, huyện, nhất là việc đăng ký phương tiện lần đầu được thực hiện đúng thời gian, bảo đảm thủ tục.

Đến nay toàn thành phố đã đăng ký, sắp xếp được 349 phương tiện vào các đơn vị dự bị động viên của bộ, quân khu và thành phố, so với chỉ tiêu được giao là 397, đạt tỷ lệ 88%, bao gồm các phương tiện: cơ giới đường bộ ô-tô, máy kéo; phương tiện đường thủy; phương tiện xếp dỡ; phương tiện thi công xây dựng cầu đường. Tiêu biểu như quận Thanh Khê đạt tỷ lệ đăng ký 90% đối với các phương tiện, trong đó huy động bảo đảm chỉ tiêu tàu thuyền của ngư dân tham gia công tác huấn luyện, diễn tập của thành phố đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật mới chỉ được thực hiện lần đầu khi cơ quan quân sự các cấp tổ chức đến từng cơ quan, cá nhân để làm hồ sơ đăng ký. Với việc đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển hoặc tạm vắng, hầu hết các đơn vị tập thể, cá nhân vẫn chưa thực hiện theo đúng yêu cầu, nội dung của Nghị định 168 và Nghị định 44 của Chính phủ. Đến nay, việc sắp xếp các phương tiện vào đơn vị dự bị động viên của toàn thành phố mới chỉ đạt 88% so với chỉ tiêu do thành phố không có một số phương tiện trong danh mục quy định của Nghị định. Bên cạnh đó, việc xây dựng, bảo đảm các trạm tập trung, trạm tiếp nhận quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật cấp quận, huyện, thành phố vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu huy động phương tiện khi có tình huống xảy ra.

Vì vậy, trong thời gian đến, thành phố Đà Nẵng xác định mục tiêu tăng cường đẩy mạnh công tác này; phát huy hiệu quả sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong việc sẵn sàng huy động lực lượng và phương tiện, đáp ứng yêu cầu của quân đội khi có tình huống xảy ra; phấn đấu đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật hết số lượng Bộ Chỉ huy đã thông báo danh sách do các ngành cung cấp theo Thông tư số 81 về phối hợp đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật bảo đảm đúng chế độ, đủ nội dung. Theo đó, tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu: cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về Pháp lệnh dự bị động viên và các thông tư, nghị định của Chính phủ về đăng ký, quản lý, huy động phương tiện cho quốc phòng, qua đó xác định rõ nghĩa vụ, quyền lợi và nâng cao tính tự giác của các tập thể, cá nhân trong việc tham gia xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân.

Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, Sở NN&PTNT, Công an thành phố phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chỉ đạo các địa phương, đơn vị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có phương tiện kỹ thuật thuộc diện huy động bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội tổ chức đăng ký, quản lý và kiểm tra số lượng, đăng kiểm chất lượng phương tiện kỹ thuật theo Nghị định 168 và Nghị định 44 của Chính phủ, nâng cao trách nhiệm trong việc đăng ký bổ sung, đăng ký di chuyển, tạm vắng hoặc xóa đăng ký để cơ quan chức năng nắm chắc tình hình, thực trạng phương tiện. UBND cấp quận, huyện, xã, phường thường xuyên kiểm tra, phúc tra số lượng, tình trạng, chất lượng hoạt động của các phương tiện kỹ thuật trên địa bàn, phát hiện phương tiện xuống cấp, thay đổi chủ sở hữu hoặc tạm vắng khỏi địa phương để từ đó bổ sung, đăng ký kịp thời, bảo đảm chỉ tiêu phương tiện kỹ thuật huy động được giao. Bên cạnh đó, thành phố cần quan tâm bảo đảm ngân sách, từng bước xây dựng Sở chỉ huy động viên, trung tâm huấn luyện quân nhân dự bị, trạm tập trung, trạm tiếp nhận quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật các cấp để từ đó có cơ sở làm tốt việc tổ chức tập trung phương tiện kỹ thuật và bàn giao cho các đơn vị thường trực của quân đội khi có lệnh động viên.

Thượng tá NGUYỄN DUY THỦY

Chỉ huy trưởng Cơ quan Quân sự quận Thanh Khê

;
.
.
.
.
.