Nhiều địa phương tại Đà Nẵng đang tiến hành sáp nhập 3 mô hình: CLB sau cai, đội công tác xã hội (CTXH) tình nguyện, CLB phòng, chống tội phạm thành CLB CTXH và phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, việc sáp nhập này lộ rõ những bất cập.
Cán bộ làm công tác xã hội trò chuyện với gia đình một đối tượng sau cai ở phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê. Ảnh: THỦY NGÀ |
“3 trong 1”
Quận Hải Châu là một trong số ít địa phương thực hiện sớm việc sáp nhập này. Tuy nhiên, tại nhiều nơi trên địa bàn quận, việc sáp nhập được thực hiện xong rồi… để đó, mô hình CLB mới chưa hoạt động được. Chị Đỗ Thị Năng, cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội phường Bình Thuận (quận Hải Châu) cho biết, theo chỉ đạo của UBND quận, việc sáp nhập đã được tiến hành nhưng CLB mới vẫn chưa hoạt động vì còn nhiều lúng túng. “Tôi là một trong những thành viên trong ban chủ nhiệm CLB nhưng hiện chưa rõ cách thức hoạt động thế nào”, chị Năng nói.
Chị Năng cũng cho biết, dù không còn CLB sau cai nữa nhưng hơn 10 thành viên CLB này vẫn duy trì hoạt động, giao lưu, trao đổi thông tin với nhau. Theo chị Năng, nhờ có CLB sau cai, việc theo dõi, giúp đỡ các đối tượng tốt hơn, nhiều người trong số họ đã hoàn lương. “Các đối tượng sau cai chưa hẳn là đối tượng vi phạm pháp luật, tội phạm. Vì vậy, nếu gộp chung hai đối tượng này vào sinh hoạt một nơi thì rất khó. Nhiều đối tượng sau cai không chịu sinh hoạt tại CLB mới dù chúng tôi đã vận động”, chị Năng cho biết.
Còn trên địa bàn quận Thanh Khê, nhiều địa phương cho biết đã nhận được quyết định sáp nhập nhưng vẫn chưa thực hiện. “Nhiều chức danh không thực tế, chẳng hạn quy định Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã, phường làm chủ nhiệm CLB. Thành viên CLB thì thiếu ngành y tế, Hội CCB..., trong khi đó có tới 2 cán bộ Đoàn, v.v...”, anh Trần Ngọc Lĩnh, cán bộ không chuyên trách phụ trách phòng chống tệ nạn xã hội phường Tân Chính (quận Thanh Khê) bộc bạch.
Theo anh Lĩnh, việc sáp nhập hiện gặp nhiều khó khăn bởi kinh phí hoạt động chưa biết lấy từ nguồn nào, việc phân loại đối tượng được thực hiện ra sao, rồi mục đích sinh hoạt như thế nào. Anh Chính cho biết, hiện địa phương vẫn duy trì hoạt động của CLB sau cai với 16 thành viên bởi hoạt động của CLB này hiệu quả. Qua các buổi sinh hoạt của CLB sau cai, nhiều đối tượng được tiếp cận các nguồn vốn, được giao lưu, học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau...
Nên cân nhắc kỹ
Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 46 đội CTXH tình nguyện với hơn 900 tình nguyện viên. Hầu hết các đội đều được kiện toàn về mặt tổ chức, từng bước đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đội. Điển hình như: đội CTXH tình nguyện phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường An Hải Đông (quận Sơn Trà)...
Đà Nẵng cũng có hơn 20 CLB sau cai với hơn 500 hội viên, trong đó có khoảng 300 hội viên là người sau cai, 12 đối tượng nguy cơ cao, còn lại là cán bộ các đoàn thể. Các CLB đã đi vào hoạt động nền nếp và nội dung được cải thiện, đổi mới. Một số CLB hoạt động hiệu quả, tạo được niềm tin với gia đình và hội viên như: CLB Tương Lai (phường Phước Ninh), CLB Bình Minh (phường Thanh Bình), CLB Vươn Lên (phường Tân Chính), CLB Nhân Ái (phường Thuận Phước)...
Có thể khẳng định việc duy trì tổ chức sinh hoạt của các CLB quản lý sau cai và các đội CTXH tình nguyện đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm; cảm hóa giúp đỡ người sau cai nghiện hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng. Còn CLB phòng, chống tội phạm hiện gặp nhiều khó khăn, có nơi đã ngừng hẳn hoạt động do không có kinh phí.
Theo đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, việc sáp nhập này khập khiễng bởi độ bao phủ của mỗi CLB khác nhau, có địa phương có CLB này mà không có CLB kia, hoặc không có đội CTXH tình nguyện. Hơn nữa, chỉ riêng đội CTXH tình nguyện là đơn vị được quy định thành lập hẳn hoi từ thông tư liên bộ, còn các CLB kia đều tự phát. Như vậy, nên chăng cần có sự cân nhắc kỹ khi sáp nhập “3 trong 1” để dù dưới hình thức nào thì đều phải hoạt động được và hoạt động thực sự hiệu quả.
P.TRÀ