Với sự năng nổ, nhạy bén của một cán bộ Đoàn cơ sở, Nguyễn Thị Thanh Vân (tổ 26, khu vực Thủy Tú 2, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) phát triển mô hình nuôi tôm và cua thương phẩm mang lại lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm. Ý chí vươn lên làm giàu của nữ thanh niên vùng biển còn nghèo khó này rất đáng khâm phục và cần nhân rộng.
Với giá trị kinh tế cao, mỗi vụ gia đình trẻ Thanh Vân lãi hàng chục triệu đồng từ nuôi cua gạch. |
Không cam chịu thất bại
“Em mới thả nuôi mới hai ao tôm, ao cua gạch đang xuất bán dần cho thương lái bỏ chợ và nhà hàng. Đợt này dịch bệnh thường hay xuất hiện nên việc chăm sóc, giữ sạch ao nuôi được tăng cường mới mong mang lại thu nhập để tiếp tục đầu tư cho vụ sau”, Thanh Vân tâm sự.
Để có thể mang lại thu nhập ngoài vốn khoảng 40 triệu đồng/năm, vợ chồng Vân phải lấy công làm lời, bởi tiền thuê nhân công quá cao. Việc chăm nom cho tôm ăn phần lớn do chồng Vân đảm nhiệm, tuy nhiên Vân là người “chạy vòng ngoài” để hỗ trợ việc mua thức ăn và tìm kiếm đầu ra tại các chợ và các điểm bán tôm khi vụ mùa bắt đầu giai đoạn cao điểm. Tuy làm chủ kỹ thuật nuôi trồng thông qua học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, nhưng nuôi tôm, cua bấp bênh giống như “đánh bạc” nên có năm, tôm thẻ chân trắng mắc bệnh chết trắng ao, buộc vợ chồng Vân phải thu dọn ao sớm để tiếp tục thả nuôi vụ mới. Cứ như vậy, cũng có lúc gia đình trắng tay nhưng từ sự kiên trì chịu khó, không nản chí trước thất bại nên từ năm 2010 đến nay, Vân có điều kiện mở rộng chỗ ở và sắm thêm nhiều vật dụng có giá trị cho gia đình. Điều mà nhiều người dân trong khu vực khâm phục chính là lúc nào Vân cũng nhiệt huyết trong phát triển kinh tế và luôn trăn trở làm thế nào để thoát nghèo, vươn lên làm giàu trong thời buổi việc làm cho thanh niên ở nhiều nơi thường không ổn định, thu nhập thấp. Hơn 5 năm làm chủ 3 ao tôm, cua, bản lĩnh của người thanh niên ngày càng dày dạn, không ngại khi phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức…
Mạnh dạn giao việc cho thanh niên
Bí thư Quận Đoàn Liên Chiểu Phan Công Bằng cho biết, mô hình thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở địa phương hiện nay không nhiều. Ngoài mô hình nuôi tôm của Nguyễn Thị Thanh Vân, còn lại một số mô hình khác như: thanh niên làm nấm, kinh doanh vật liệu xây dựng, điện tử… ban đầu có hiệu quả kinh tế rõ rệt; tuy nhiên càng về sau, khả năng sinh lợi ngày càng ít dần nên có một số mô hình phải tạm dừng hoạt động. Nguyên nhân một phần do sự đầu tư, quy mô còn nhỏ, đặc biệt việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư mở rộng cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh hạn chế nên dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Đây cũng là điều mà Quận Đoàn Liên Chiểu trăn trở để làm thế nào giải quyết công ăn việc làm và tập hợp thanh niên hoạt động phong trào hiệu quả hơn.
Anh Phan Công Bằng cho biết, giải pháp trước mắt là đề xuất lãnh đạo quận Liên Chiểu trong thời gian đến cho phép thanh niên tham gia trong chuỗi dự án phát triển mô hình du lịch trên sông Cu Đê để tạo thu nhập, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương. Theo kế hoạch, trong tháng 4-2014, Quận Đoàn Liên Chiểu sẽ phối hợp với Liên minh Hợp tác xã thành phố tập huấn mô hình hợp tác xã phát triển kinh tế trong thanh niên. “Đây là hoạt động cụ thể để từ đó định hướng, vận động tuyên truyền và kích thích thanh niên phát triển làm giàu từ các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện đô thị. Tuy vậy, thành công hay thất bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là sự nỗ lực, chịu khó vươn lên của từng thanh niên”, anh Phan Công Bằng nhấn mạnh.
Bài và ảnh: DIỆU MINH