.
TRÙNG TU DI TÍCH LỊCH SỬ K20

Vướng mắc giải tỏa, đền bù

.

Công trình bảo tồn, tôn tạo khu căn cứ cách mạng K20 được phê duyệt với nguồn vốn gần 40 tỷ đồng (trong đó 50% vốn Trung ương, 50% vốn ngân sách địa phương). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện công trình hiện gặp một số khó khăn do vướng mắc giải tỏa, đền bù và vốn đầu tư.

Con đường 10,5m dẫn vào nhà truyền thống K20 vẫn chưa được triển khai xây dựng vì vướng giải tỏa.Con đường 10,5m dẫn vào nhà truyền thống K20 vẫn chưa được triển khai xây dựng vì vướng giải tỏa.
Con đường 10,5m dẫn vào nhà truyền thống K20 vẫn chưa được triển khai xây dựng vì vướng giải tỏa.

Trong nguồn vốn gần 40 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương tập trung tu bổ, tôn tạo di tích; nguồn vốn địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Giai đoạn 1 của công trình (2011-2012) có tổng kinh phí 19 tỷ đồng, gồm thi công các hạng mục thuộc nguồn vốn Trung ương như: trùng tu di tích nhà thờ bà Nhiêu, di tích nhà ông Huỳnh Trưng, nhà thờ tộc Huỳnh và xây mới nhà truyền thống K20; đồng thời thi công hạng mục san nền và đường giao thông số 1 (mặt cắt 10,5m) cùng hệ thống thoát nước tuyến đường này.

Giai đoạn 2 (năm 2013) có tổng kinh phí 17,2 tỷ đồng, thi công các hạng mục còn lại gồm: các tuyến đường giao thông còn lại, hoàn thiện cấp thoát nước, cấp điện và chiếu sáng đường, thi công hồ điều tiết, bãi đỗ xe, đầu tư thiết bị chống cháy, xử lý chất thải và xây dựng, cải tạo một số nhà dân trong khu vực.

Chưa thống nhất trong thỏa thuận đền bù

Có mặt tại công trình trùng tu khu căn cứ cách mạng K20 (trên địa bàn phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) vào những ngày giữa tháng 4-2014, chúng tôi nhận thấy các hạng mục trùng tu như nhà thờ bà Nhiêu, di tích nhà ông Huỳnh Trưng, nhà thờ tộc Huỳnh và xây mới nhà truyền thống K20, cổng làng cơ bản đã hoàn thành. Trong khi đó, con đường dẫn vào nhà truyền thống K20, miếu Tấn Sĩ (dời đài tưởng niệm trong khuôn viên UBND phường Khuê Mỹ ra đây) vẫn chưa được triển khai.

Theo văn bản cuộc họp Hội đồng giải phóng mặt bằng Dự án Khu di tích lịch sử làng văn hóa K20, ngày 27-9-2013, các hộ giải tỏa xung quanh khu vực xây dựng công trình nhà truyền thống phải hoàn thành giao mặt bằng trong tháng 11-2013; các hộ giải tỏa trong khu vực xây dựng tuyến đường quy hoạch 10,5m hoàn thành công tác bàn giao vào tháng 12-2013. Tuy nhiên đến nay, do chưa đạt được sự thống nhất trong thỏa thuận đền bù nên một số hộ dân không chịu giao mặt bằng.

Trao đổi với chúng tôi, Mẹ Việt Nam anh hùng Thái Thị Chiêu (85 tuổi, một trong những hộ dân trong diện này) cho biết: “K20 là nơi ghi dấu một thời hào hùng, bất khuất của quân và dân Đà Nẵng. Vì thế, khi nơi đây được khôi phục lại, chúng tôi rất phấn khởi, sẵn sàng giao đất theo chủ trương của Nhà nước. Nhưng chúng tôi mong muốn việc giải tỏa, đền bù phải làm sao cho hợp lý, hợp tình!”.

Cái lý, cái tình ở đây, theo cách lý giải của vợ ông Nguyễn Phán (cơ sở từng nuôi giấu những cán bộ cách mạng chủ chốt như Hồ Nghinh, Đặng Hồng Vân…), họ đã trải qua thời đấu tranh gian khổ, thậm chí bị địch bắt bớ… Sau ngày giải phóng, họ trở lại công việc hằng ngày bên luống rau, đám ruộng nên cuộc sống không dư dả. Với số tiền đền bù giải tỏa như vậy, họ không đủ để có lại một mảnh đất khác hoặc không còn vườn để trồng rau, hoa màu cải thiện đời sống. “Tuy chúng tôi chưa thực hiện bàn giao, nhưng nếu công trình thi công đến đây thì chúng tôi vẫn cho mượn đất trước”, con gái bà Thái Thị Chiêu nói.

Tìm hướng giải quyết

Báo cáo với lãnh đạo thành phố trong cuộc họp đầu tháng 2-2014, lãnh đạo Sở VH-TT&DL cho biết, các hạng mục thuộc nguồn vốn ngân sách thành phố chưa đúng tiến độ vì công tác giải tỏa đền bù do UBND quận Ngũ Hành Sơn và Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư số 1 triển khai rất chậm so với yêu cầu, mặc dù UBND thành phố và chủ đầu tư đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý.

Về vấn đề này, ông Lê Tấn Nghĩa, Chủ tịch UBND phường Khuê Mỹ cho biết: “Công tác giải tỏa, đền bù gặp nhiều khó khăn dù chúng tôi đã vận động bà con nhiều lần. Một số hộ không thuộc diện bố trí tái định cư nên khi giải tỏa sẽ khó khăn trong đời sống. Cụ thể, hộ ông Trần Viết Sơn đang thực hiện mô hình chăn nuôi VAC và có ngôi nhà tạm trên khu vực quy hoạch để làm miếu Tấn Sĩ nên không được đền bù theo diện đất ở. Đến nay, ông Sơn chưa chịu bàn giao”. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục vận động bà con bàn giao sớm mặt bằng cho đơn vị thi công. Một số trường hợp, chúng tôi đã đề xuất lên UBND quận xem xét để giải quyết dứt điểm. Dù chưa bàn giao hết mặt bằng, nhưng nếu công trình thực hiện đến đâu, chúng tôi bảo đảm sẽ vận động được bà con tự giải tỏa để công trình thi công đúng tiến độ, riêng trường hợp hộ ông Trần Viết Sơn thì chúng tôi không hứa (!?)”, ông Nghĩa nói thêm.

Trước tình trạng trên, Sở VH-TT&DL đã đề nghị lãnh đạo thành phố xem xét, chỉ đạo các ngành liên quan quan tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ. Bên cạnh đó, ngành chủ quản cũng đề nghị UBND thành phố bổ sung vốn cho công trình, vì nguồn vốn từ ngân sách thành phố cũng không bảo đảm tiến độ dự án.

Theo đó, trong năm 2014, kế hoạch vốn đã bố trí 5 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường giao thông số 1, đề nghị cấp bổ sung 5 tỷ đồng để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 của dự án và triển khai thi công các tuyến giao thông còn lại trong khu di tích. Năm 2015, cấp 10 tỷ đồng để thi công các hạng mục còn lại của dự án như hoàn thiện cấp thoát nước, cấp điện và chiếu sáng đường, thi công hồ điều tiết, bãi đỗ xe, thiết bị chống cháy, xử lý chất thải, xây dựng và cải tạo một số nhà dân trong khu vực.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.