.
60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2014)

Trang sử vàng của Liên khu 5

.

Hoạt động phối hợp với Chiến dịch Điện Biên Phủ tại chiến trường Liên khu 5 là một trang sử vàng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp trên quê hương khúc ruột miền Trung.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Liên khu 5 thời chống Pháp vẫn còn nhớ rõ, đầu năm 1954, giặc Pháp mở cuộc hành quân At-lăng hòng giành lại thế chủ động, đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5, sau đó sẽ đưa quân chủ lực ra chi viện cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Với mưu đồ đó, ngày 20-1-1954,  6 binh đoàn chủ lực của Pháp đã đánh ra Phú Yên…

Về ta, thực hiện chủ trương phối hợp với chiến trường chính, từ tháng 12-1953, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 đã đưa quân chủ lực lên Tây Nguyên, nhằm “buộc địch phân tán lực lượng, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, kéo địch về những địa bàn có lợi cho ta để tiêu diệt...”, không cho chúng có điều kiện chi viện cho Điện Biên Phủ. Đại tá Võ Văn Minh (hiện ở phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, kể lại: Đêm 26-1-1954, 2 trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 (Trung đoàn 108, Trung đoàn 803) và Đại đội đặc công tỉnh Kon Tum đã tấn công, tiêu diệt 3 cứ điểm địch tại bắc Kon Tum là Măng Đen, Cam Rẫy và Măng Bút, sau đó áp sát, uy hiếp Tiểu khu Kon Tum. Bọn chỉ huy Pháp buộc phải đưa phần lớn quân chủ lực ở Phú Yên lên tăng cường phòng thủ Tây Nguyên và tuyến đường 19.

Vừa đến Kon Tum, Binh đoàn 100 - một binh đoàn nổi tiếng thiện chiến của Pháp, cho 1 tiểu đoàn càn ra khu vực Kom-xa-lũ và đã bị Trung đoàn 803 chặn đánh, diệt hơn 1 đại đội. Tiếp đó, binh đoàn này còn bị Trung đoàn 803 tấn công tiêu diệt gần 2 đại đội tại cứ điểm Đắc Đoa. Khắp Bắc Tây Nguyên, quân ta liên tục tấn công, tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, đẩy giặc Pháp vào thế bị động, lúng túng đối phó nhiều nơi. Binh đoàn 100 phải bỏ Kon Tum về giữ Pleiku (Gia Lai)...  

Khi Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu (13-3-1954), thì ở Liên khu 5, Trung đoàn 803 vượt đường 19 tiến vào Nam Tây Nguyên. Bọn chỉ huy Pháp vội vã điều Binh đoàn 100 từ Pleiku vào ứng cứu. Hơn 5.000 tên địch sau nhiều ngày hành quân, vừa đến Plâyring chiều 20-3, toan tính hôm sau “tìm diệt chủ lực Việt Minh” thì đến 2 giờ 30 ngày 21-3 đã bị Trung đoàn 803 tập kích, tiêu diệt gần 1.000 tên. Quân ta tiếp tục tấn công những chốt điểm phòng ngự của địch trên các đường huyết mạch. Ngày 30-3, Trung đoàn 108 đập tan cụm phòng thủ Đầu Đèo-Thượng An trên đường 19, diệt gần 2 tiểu đoàn địch, thu 4 khẩu pháo 105 ly và hàng trăm súng các loại. Từ ngày 10 đến 20-4, Trung đoàn 803 liên tiếp đánh 4 trận, tiêu diệt 6 đại đội Âu - Phi, 1 chi đoàn xe bọc thép. Pháp vội vã rút quân về giữ Buôn Mê Thuột (Daklak) lại bị ta chặn đánh tan tác trên đường 14. Cuộc hành quân Át-lăng đầy tham vọng của Nava thất bại hoàn toàn.

Đặc biệt, khi ở Điện Biên Phủ, cờ Quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm Đờ Cát-xtơ-ri, thì ở Tây Nguyên, lực lượng vũ trang Liên khu 5 đã lập một chiến công vang dội như một bản hợp xướng với chiến trường chính. Đó là trận đánh của Trung đoàn 94 - Trung đoàn chủ lực thứ 3 của Liên khu 5 vừa mới thành lập ngày 1-5-1954, chặn đánh đoàn quân Pháp trên đường 19, tiêu diệt và bắt sống gần 2.000 tên địch.

Trên khắp chiến trường Liên khu 5, 3 trung đoàn chủ lực của Liên khu 5 và lực lượng vũ trang các địa phương trên địa bàn liên khu liên tục tấn công, tập kích, phục kích, đánh điểm diệt viện, ngăn chặn giao thông, buộc địch phải căng quân đối phó khắp nơi. Vùng tự do Liên khu 5 được củng cố, mở rộng. Các hoạt động trong vùng địch hậu phát triển mạnh, trận tập kích vào khu Đông Đà Nẵng gây kinh hoàng quân địch ngay trong thành phố… “Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 30.000 tên địch, khiến chúng không còn khả năng tăng quân đánh phá vùng tự do của ta và cũng không còn lực lượng chi viện cho Điện Biên Phủ”, Đại tá Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng, trong Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo đã xác định 5 hướng chiến lược: Hướng thứ nhất, tấn công giải phóng tỉnh Lai Châu; hướng thứ hai, đẩy mạnh hoạt động trên chiến trường Trung Lào và Hạ Lào; hướng thứ ba, tích cực tấn công địch ở Thượng Lào; hướng thứ tư, tấn công chiến lược ở Bắc Tây Nguyên; hướng thứ năm, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch hậu.

M.N

;
.
.
.
.
.