Ngày 21-5, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Thế Trung có buổi làm việc với Ban Dân vận Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và các chế độ, chính sách đối với cán bộ dân vận, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội.
Theo báo cáo về kết quả bước đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW trên địa bàn thành phố, 100% Quận, Huyện ủy, các Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy, 90% xã, phường và cơ quan đã tổ chức quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW và xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đến cán bộ, đảng viên, công chức, đoàn viên và hội viên. Ban Dân vận Thành ủy đã đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân vận và Nghị quyết số 25-NQ/TW thông qua các chương trình phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng…
Tại buổi làm việc, Ban Dân vận Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội trên địa bàn thành phố kiến nghị: Trung ương cần sớm thể chế hóa Nghị quyết số 25-NQ/TW, Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành văn bản quy phạm pháp luật, pháp quy; đề xuất Ban Bí thư Trung ương Đảng xem xét cho thành lập Ban Dân vận tại các Đảng ủy trực thuộc Thành ủy; bổ sung biên chế cho Ban Dân vận Quận, Huyện ủy; sớm ban hành chính sách luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân vận, Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội; cần có quy định riêng về chính sách đối với cán bộ làm công tác dân vận, Mặt trận, đoàn thể chính trị-xã hội; tăng cường hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, nội dung, phương thức hoạt động khối dân vận, phường, xã; đề nghị Chính phủ bổ sung cán bộ chuyên trách dân vận phường, xã được hưởng chế độ, chính sách như cán bộ, công chức ở xã, phường (được quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, ngày 22-10-2009).
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thế Trung đánh giá cao những kinh nghiệm và hiệu quả công tác dân vận của thành phố Đà Nẵng trong những năm qua. Các kiến nghị, đề xuất từ cơ sở sẽ được Ban Dân vận Trung ương tập hợp và bổ sung vào Đề án để trình Chính phủ, Ban Bí thư Trung ương trong thời gian đến nhằm tiếp tục tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thiếu kinh phí để thực hiện Quy chế dân chủ.
Đó là thông tin do lãnh đạo phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ nêu ra tại buổi làm việc với Đoàn Kiểm tra số 3 về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Phan Viết Thông làm Trưởng đoàn, sáng 21-5.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo phường Hòa Xuân cho biết, trong thời gian qua, phường thay đổi về nhiều mặt, nhất là việc triển khai mạnh mẽ chủ trương giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư; việc ổn định đời sống và sản xuất trong nhân dân bước đầu gặp nhiều khó khăn. Song, Ban Thường vụ Đảng ủy phường Hòa Xuân thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của địa phương, nhằm bảo đảm thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, trong đó chú trọng thực hiện Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH 11, ngày 20-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Công văn số 1750-CV/TU ngày 10-5-2010 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Qua đó, tạo điều kiện cho nhân dân hiểu được quyền và nghĩa vụ, đem lại lòng tin cho nhân dân. Việc thực hiện QCDC trên địa bàn phường ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả cao. Từ năm 2011 đến nay, Ban Thanh tra nhân dân phối hợp với chính quyền tổ chức hòa giải thành công trên 380 vụ việc, đơn khiếu nại, tranh chấp tài sản, đất đai, giám sát các hoạt động của chính quyền về thực hiện nhiệm vụ được giao, giám sát các chế độ chính sách của Nhà nước, thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tại buổi kiểm tra, phường Hòa Xuân báo cáo đề xuất giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện QCDC ở cơ sở như: thành phố cần có chính sách đồng bộ và thống nhất trong các chính sách đền bù giải tỏa và bố trí đất tái định cư các dự án trên địa bàn phường; các công trình đầu tư xây dựng trên địa bàn phường hầu hết chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ triển khai thi công cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng phường nên trong quá trình thực hiện chức năng giám sát ở địa phương còn gặp những khó khăn nhất định. Ngoài ra, tại phường Hòa Xuân, do chưa được bố trí kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện QCDC nên ban chỉ đạo không có kinh phí để hoạt động.
VĂN NỞ