Từ khi chính quyền thành phố Đà Nẵng xác định Nhật Bản là đối tác chiến lược và tiềm năng, mối quan hệ giữa Đà Nẵng với Nhật Bản ngày càng gắn bó. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, kết nối tình hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản thường xuyên được tổ chức, góp phần tăng cường và củng cố tình hữu nghị Việt-Nhật nói chung và giữa Đà Nẵng với các địa phương Nhật Bản nói riêng.
Một trong những hoạt động giao lưu của Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. |
Nhiều hoạt động ý nghĩa
PGS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật thành phố cho biết, thời gian qua, Hội tích cực nghiên cứu, thiết lập và tăng cường quan hệ với một số tổ chức của Nhật Bản như: Hội Nam Du (Vùng Nagoya), Trung tâm Văn hóa Nhật Bản (Japan Foundation), Hiệp hội Golf Ground Okayama, Chi hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng, Hội Hữu nghị Nhật-Việt thành phố Kawasaki… Hằng năm, Hội còn phối hợp với các đối tác, bạn bè Nhật Bản tổ chức những hoạt động giao lưu văn hóa, liên hoan phim Nhật Bản, giao lưu âm nhạc, thi tìm hiểu về đất nước, con người Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các chương trình giao lưu thanh niên, sinh viên, học sinh cũng diễn ra sôi nổi. Hội thường xuyên phối hợp với Đại học Đà Nẵng, Trung tâm Nhật ngữ Sakura, Trường Nhật ngữ Đông du tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, hữu nghị và xem đây như một kênh thông tin đối ngoại hướng đến những con người Đà Nẵng yêu thích văn hóa và con người Nhật Bản.
Ngoài ra, Hội cũng góp phần làm cầu nối cùng Đại học Đà Nẵng tiến hành ký kết hợp tác với 27 trường đại học ở hầu khắp mọi miền Nhật Bản với nội dung chủ yếu là xây dựng chương trình đào tạo, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, trao đổi học thuật, hợp tác nghiên cứu chung, tổ chức các hội thảo khoa học, đồng xuất bản tài liệu, sách. Năm 2013, Hội phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Đà Nẵng, tàu Hòa bình và Hội Liên hiệp Thanh niên TP. Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Vì một thế giới hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và vũ khí hóa học” nhằm kêu gọi mọi người chung tay xây dựng thế giới hòa bình để không ai bị hủy hoại vì bom nguyên tử, chất độc da cam hay các loại vũ khí hủy diệt khác như những gì đã từng xảy ra ở Nhật trong Thế chiến thứ 2.
Cùng với các hoạt động văn hóa, chứng kiến cảnh tàn phá khủng khiếp của thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, Hội Hữu nghị Việt - Nhật Đà Nẵng tổ chức cuộc vận động quyên góp ủng hộ nhân dân Nhật Bản hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, đã có hơn 50.000 lời cầu chúc, động viên, chia sẻ của sinh viên, học sinh hơn 30 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, THPT, THCS, tiểu học trên địa bàn thành phố được viết trên những cánh hoa anh đào, đã được Hội thông qua Hội Phụ nữ dân chủ Nhật Bản và nhiều tổ chức, cá nhân Nhật Bản gửi đến tận mỗi gia đình người dân ở vùng bị nạn.
Theo đánh giá của PGS,TS Trần Văn Nam, các hoạt động này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Đà Nẵng nói riêng với nhân dân Nhật Bản.
Nặng lòng với Đà Nẵng
Thời gian qua, Hội Hữu nghị Việt - Nhật Đà Nẵng cùng với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP. Đà Nẵng đã phối hợp cùng tổ chức SEEDS Asia Nhật Bản thiết lập dự án “Xây dựng năng lực cho các trường học quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng tại miền Trung Việt Nam”; triển khai dự án “Giáo dục môi trường và phòng chống thiên tai” cho học sinh thành phố Đà Nẵng do Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ trị giá 170.000 USD.
Bên cạnh đó, vì mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa hai nước, nhiều tổ chức của Nhật Bản có những hoạt động đầy ý nghĩa dành cho người dân Đà Nẵng. Điển hình như chương trình hợp tác viện trợ xe đạp của Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kawasaki cho Đà Nẵng và Quảng Nam. Từ tháng 12-2003 đến nay, Hội Kawasaki đã viện trợ 36 container với hơn 10.000 chiếc xe đạp, trị giá hơn 20 tỷ đồng dành tặng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn sống xa trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Ông Miyahara Haruo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt thành phố Kawasaki cho biết, ông rất thích cách người Việt coi trọng những đồ vật quanh mình, đặc biệt các bạn trẻ khi nhận được xe “họ trân trọng những chiếc xe đạp chúng tôi mang sang nên chúng tôi thấy việc làm của mình rất có ý nghĩa và bản thân tôi coi Đà Nẵng như quê hương thứ hai của mình, làm được gì cho Đà Nẵng là làm cho chính quê hương mình”.
Không những vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đều hài lòng về môi trường kinh doanh ở Đà Nẵng. Sinh sống và làm việc ở thành phố này đã gần chục năm, ông Tomioka Senei, Giám đốc Công ty TNHH Sanei Việt Nam cho biết, ông rất thích môi trường sống ở đây, các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp rất nhiều. Công ty phát triển hiệu quả và đã tạo công ăn việc làm cho 65 nhân viên. Ngay bản thân ông Tomioka Senei cũng luôn coi Đà Nẵng là quê hương thứ hai của mình bởi vợ ông là người Việt Nam.
Đánh giá về mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật, PGS,TS Trần Văn Nam cho rằng, việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thành quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á sẽ tạo tiền đề cho việc hợp tác sâu sắc hơn nữa các hoạt động trên mọi lĩnh vực giữa hai nước. Đồng thời, quan hệ giữa Đà Nẵng và các địa phương của Nhật Bản đang trên đà phát triển, tạo điều kiện cho các hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội thêm đa dạng, phong phú, góp phần tích cực và hiệu quả vào công tác đối ngoại của toàn thành phố.
Bài và ảnh: Thu Hà