.

Cho người sau cai vay vốn: Nhiều cái khó...

.

Chính quyền thành phố Đà Nẵng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sau cai vay vốn làm ăn để giúp họ tránh tái nghiện. Tuy nhiên, việc cho người sau cai vay vốn gặp không ít khó khăn.

Có nghề, có việc làm giúp người sau cai có cuộc sống ổn định, tránh tái nghiện. TRONG ẢNH: Học nghề tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.
Có nghề, có việc làm giúp người sau cai có cuộc sống ổn định, tránh tái nghiện. TRONG ẢNH: Học nghề tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06.

Dễ vay, khó đòi!

Nhiều năm làm cán bộ không chuyên phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu), anh Bùi Ngọc Lý “ngán” nhất là chuyện đôn đốc các đối tượng sau cai trả nợ. “Chúng tôi luôn đề xuất để người sau cai có thể vay vốn nhằm phát triển sản xuất, tạo việc làm từ các chương trình lồng ghép vay vốn của Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, vốn giảm nghèo... Tuy nhiên, việc cho vay không khó, nhưng vay được rồi thì việc trả nợ lại vô cùng khó khăn”, anh Lý nói và cho biết, hiện địa phương anh có hai người được vay từ 10-20 triệu đồng nhưng hơn 5 năm nay chưa trả.

Cứ ngày 12 hằng tháng, anh Lý phải đi đòi... nợ vay từ các đối tượng trên. “Hầu hết họ có hoàn cảnh khó khăn nên tụi mình cũng thông cảm. Nếu họ trả được vài chục ngàn đồng/tháng cũng tốt, bởi chỉ mong họ trả được lãi trước. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ trả trong thời gian đầu, còn về sau thì viện nhiều lý do để chậm trễ”, anh Lý than thở. Chẳng hạn như trường hợp của anh Q. (39 tuổi) đã có vợ và hai con. Anh Q. vay 20 triệu đồng để sửa nhà và mua xe máy để chạy xe thồ, nhưng đã hơn 2 năm nay, số tiền nợ vẫn chưa trả hết vì khó khăn. Với các đối tượng này, anh Lý cho biết, hiện nay biện pháp chủ yếu vẫn là vận động, động viên họ để thu hồi nợ.

Còn ở phường An Hải Bắc (quận Sơn Trà), dù địa phương luôn tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn từ nguồn của các hội, đoàn thể nhưng số đối tượng sau cai đăng ký vay rất ít. “Một số người không muốn vay vì sợ không trả được, một số không thích vay vốn làm ăn mà thích làm “thợ đụng” (tức là đụng gì làm nấy) để kiếm tiền tươi”, chị Nguyễn Thị Nguyên, cán bộ phụ trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội của phường An Hải Bắc nói. Chị Nguyên còn cho biết, chị đã giới thiệu nhiều nghề như: học sửa chữa điện thoại, vi tính... từ các chương trình của địa phương để người sau cai học miễn phí, nhưng rất ít người tham gia, có khi không có ai đăng ký.

Cần nỗ lực từ nhiều phía

Nhiều năm qua, việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ, hỗ trợ những người sau cai nghiện để phòng ngừa, ngăn chặn những người có nguy cơ cao sa vào tệ nạn ma túy do thiếu việc làm, thiếu vốn, không có nghề nghiệp, đồng thời giúp đối tượng sau cai có vốn làm ăn, có việc làm và từ đó ổn định cuộc sống được chính quyền và ngành chức năng ở Đà Nẵng rất quan tâm. Nhiều chính sách được thành phố ban hành như: hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp đối với lao động thuộc diện chính sách, xã hội; chính sách hỗ trợ học nghề, chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn (bao gồm cả những người sau cai nghiện ma túy)... Trong 4 năm qua, thành phố đã hỗ trợ và tạo điều kiện ưu đãi cho các doanh nghiệp có tiếp nhận đối tượng sau cai vào làm việc trong các cơ sở… Đồng thời, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp còn quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ vật chất và tinh thần cho hơn 1.000 lượt đối tượng, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 2,4 tỷ đồng.

Điều đáng quan tâm hiện nay là việc hỗ trợ cho vay vốn, giúp đỡ tạo việc làm cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng đã được các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, nhưng việc thu hồi vốn vay rất khó khăn, dẫn đến vòng luẩn quẩn là việc hỗ trợ cho vay vốn còn hạn chế. Ngoài ra, đa số các đối tượng vay vốn hạn chế về trình độ học vấn và thụ động nên không có việc làm ổn định, nên khả năng sử dụng đồng vốn vay không hiệu quả...

Theo ông Lê Minh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng, cần có nhiều chính sách hơn nữa nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đầu tư hoặc liên doanh, liên kết tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai nghiện; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và giúp người sau cai phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, hơn là chỉ chú trọng việc cho vay.

Bài và ảnh: P.TRÀ

;
.
.
.
.
.