.

Chuyện "đi tới Huế" ở ngã ba Huế

.

Giữa cái nắng chói chang đầu hè, đang mang tâm trạng cau có khi đi tìm nhà tạm của anh Phạm Văn Đông, trước đây ở số nhà 45 đường Tôn Đức Thắng gần ngã ba Huế, tôi đã phải bật cười từ câu trả lời của người quen qua điện thoại:“Ông Đông hả, ổng đi tới Huế rồi!”.

Từ sự đồng thuận của người dân và sớm bàn giao mặt bằng đã làm cho việc thi công dự án nút giao thông ngã ba Huế đảm bảo được tiến độ.
Từ sự đồng thuận của người dân và sớm bàn giao mặt bằng đã làm cho việc thi công dự án nút giao thông ngã ba Huế đảm bảo được tiến độ.

Đem câu chuyện “đi tới Huế” kể với anh Đông, anh cũng thật thà nói “thì đã đi tới Huế chứ chi nữa, gia đình tôi đã bàn giao mặt bằng để thi công dự án Nút giao thông ngã ba Huế lâu lắc rồi”. Gần 6 tháng qua, gia đình anh Phạm Văn Đông, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ đã bàn giao đất và nhà ở để đơn vị thi công triển khai dự án. Nhớ lại, những ngày trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, khi người dân thành phố đang háo hức chuẩn bị đón mừng năm mới thì cả dãy phố phía nam đường Tôn Đức Thắng lại hì hục tháo dỡ nhà cửa.

Tôi gặp anh Đông trong lúc đó và đã được anh cho biết: “Tiến độ dự án đang cần mặt bằng thi công, công nhân cũng làm việc cả ngày Tết thì gia đình không nề hà bàn giao mặt bằng. Đón Tết ở nơi thuê trọ có đáng gì và cũng là một trải nghiệm từ cuộc sống”. Được biết, gia đình anh Đông có cha mẹ già và gia đình em trai Phạm Văn Mẫn với 3 căn nhà mặt tiền đường Tôn Đức Thắng cũng tháo dỡ nhà ở, tự tìm nơi thuê trọ đón Tết.

Những ngày đầu ở nhà lạ, giấc ngủ chập chờn nhưng dần cũng quen. Thấm thoát bao khó khăn, nhọc nhằn trong cảnh ở nhà thuê, buôn bán tạm bợ thì nay gia đình anh Phạm Văn Đông đã chuẩn bị hoàn thành căn nhà ở mới tái định cư tại đường Bắc Sơn. Anh Đông phấn khởi nói: “Tôi đã hành động có trách nhiệm với cộng đồng, với chủ trương di dời giải tỏa của thành phố và cũng đã nhận lại được những quyền lợi chính đáng của mình khi nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”.

Ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, số hộ giải tỏa để thi công dự án đã “đi tới Huế” từ lâu (theo cách nói của người dân nơi đây) với 52/69 hộ bàn giao mặt bằng tính đến trước tháng 6-2014. Thông tin về tiến độ giải phóng mặt bằng ở dự án Nút giao thông ngã ba Huế, ông Nguyễn Nhu, Phó ban Giải tỏa đền bù các dự án xây dựng số 3 cũng hài hước “họ đã đi tới Huế lâu rồi”.

Ông Nhu cho biết thêm: “Hiện dự án có 180/275 trường hợp giải tỏa đã bàn giao mặt bằng, người dân tự sắp xếp ổn định chỗ ở và nhận đất tái định cư để đơn vị thi công triển khai dự án. Tuy còn vài vị trí, vệt tuyến đường người dân chưa bàn giao mặt bằng, nhưng số đông hộ dân đã đồng thuận với chủ trương di dời giải tỏa”.

Anh Nguyễn Hoàn, nguyên Trưởng Đài truyền thanh huyện Hòa Vang cho biết, gia đình dù giải tỏa một phần nhưng đây cũng là lần thứ hai, gia đình chấp hành chủ trương giao đất để mở đường giao thông. Trước đó là dự án mở rộng quốc lộ 1A và nay là dự án Nút giao thông ngã ba Huế. Theo anh Hoàn, hơn lúc nào hết, các hộ phải giải tỏa, di dời đến nơi ở mới tại khu vực ngã ba Huế đã sống đẹp, sống tốt khi biết “mọi người vì mình, mình vì mọi người”.

Hồi UBND quận Liên Chiểu tổ chức tiếp xúc với hộ giải tỏa để thông tin về chủ trương đầu tư dự án, hàng trăm hộ dân trước khi đề cập chính sách đền bù của thành phố đã bày tỏ ngay mối quan tâm về sự an sinh và tính mạng của cộng đồng.

“Chưa có dự án nào trên địa bàn mà lòng dân đồng tình cao về chủ trương đầu tư, họ gác lại các quyền lợi cá nhân, chỉ đề cập sự bức xúc trước tình hình tai nạn giao thông ở ngã ba Huế. Người dân tha thiết đề nghị khi giải tỏa phải triển khai ngay dự án”, ông Dương Thành Thị, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết. Thời điểm Tết Giáp Ngọ cận kề, việc buôn bán đang thuận lợi nhưng đã có 46 hộ giải tỏa ở phường Hòa Minh bàn giao mặt bằng. Lòng dân đã thuận và chính quyền địa phương cắt cử phân công nhau đến thăm hỏi, động viên.

Ông Nguyễn Tiến Độ, tổ 28 phường Hòa Minh tâm sự: “Có chứng kiến những vụ tai nạn giao thông, gây nên những cái chết đau lòng đã diễn ra tại khu vực ngã ba Huế mới hiểu được sự quan trọng của việc đầu tư dự án. Tôi tán thành việc di dời, giải tỏa, bàn giao mặt bằng, dù lần giải tỏa này như chà đi xát lại nơi mà gia đình tôi đã sinh sống gần 40 năm qua”.

Giữa cái nắng gắt của ngày đầu hè, tại chiếc lều nhỏ nằm cạnh công trình đang tấp nập công nhân tìm đến uống nước giải khát, chị Nguyễn Thị Tý, chủ quán nước cho biết, nơi đây là nhà số 34 Tôn Đức Thắng nhưng nay ngổn ngang gạch vụn, xà bần. Nhà ở cũ đã giải tỏa nhưng mặt bằng chưa sử dụng nên che quán bán nước cho công nhân.

Sắp đến, chị cũng làm nhà ở mới trên tuyến đường Trục I Tây Bắc. Chị Tý kể, gia đình chị đã ở đây từ năm 1968, năm 2000 mở rộng đường, gia đình đã hiến 22m2 đất, nay làm cầu vượt giao thông thu hồi thêm 240m2 đất. Cũng như bao người dân nơi đây, chị Tý chia sẻ: “Chứng kiến hoài các vụ tai nạn giao thông chết người thì làm sao suy nghĩ thiệt hơn về chính sách đền bù giải tỏa với chính quyền. Nhà nước làm công trình mới, không còn tai nạn giao thông, công trình lại đẹp, lại hoành tráng, tôi ngồi nắng kiếm sống hôm nay mà cứ vui hoài trong bụng”.

Những tháng qua, người dân ở tuyến đường Trường Chinh, Điện Biên Phủ cũng hồ hởi bàn giao mặt bằng, rời nơi ở cũ để làm nhà mới tái định cư. Tuy nhiên, đa số vẫn ở nhà thuê do chưa nhận đất thực tế làm nhà tái định cư. Ông Kim Ngọc Liệu, tổ trưởng tổ dân phố 144, phường An Khê (quận Thanh Khê), sau khi bàn giao mặt bằng, thuê nhà trong kiệt hẻm rồi tất tả lo “vác tù và hàng tổng”: khi thì tham gia cùng các đoàn công tác ở địa phương đi tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng, khi thì làm người giao liên chuyển văn bản thông báo kết quả tính giá trị đền bù, trả lời đơn kiến nghị hay phiếu báo nhận đất tái định cư cho người dân trong tổ.

“Thấy xe máy công trình ập đến trước cửa nhà mà đám cưới con gái đã phát thiệp chuẩn bị báo hỷ, lòng tôi như có lửa. Nhưng rồi đám cưới của con vẫn diễn ra và bây giờ hình ảnh căn nhà cũ trở thành kỷ niệm đẹp. Đó là chuyện song hỷ vì con cái trưởng thành lập gia đình, vợ chồng già chúng tôi cũng trọn niềm vui bởi sẽ có khu đất ở mới, có ngôi nhà mới tốt hơn nơi ở cũ”, ông Lê Doãn Lập, tổ 30A, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ nói.

Anh Trần Nguyên Sinh, nhà ở số 45 đường Trường Chinh, phường An Khê (Thanh Khê), sau khi bàn giao mặt bằng đến thuê nhà ở đường Nguyễn Tri Phương. Trong lúc đi thăm khám sức khỏe ở bệnh viện, anh Sinh điện thoại cho biết gia đình hiện vẫn sống ổn định và chuẩn bị nhận đất làm nhà. “Tôi đang thuê trọ chật chội nên anh em, bạn bè cứ điện thoại mà hỏi thăm nhau”, lời anh Sinh nói có cái gì đó nhẹ tênh dù phía trước là những lo toan, vất vả.

Bài và ảnh: Triệu Tùng
 

;
.
.
.
.
.