.
Công tác giải tỏa, đền bù ở quận Ngũ Hành Sơn

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

.

Sau khi chia tách từ huyện Hòa Vang, với định hướng xây dựng và phát triển quận trở thành khu đô thị hiện đại phía đông nam thành phố theo cơ cấu kinh tế dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp, quận Ngũ Hành Sơn như một đại công trường trong giải tỏa và thi công với 118 dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật được triển khai.

Ngũ Hành Sơn hôm nay. 				            Ảnh: VĂN NỞ
Ngũ Hành Sơn hôm nay. Ảnh: VĂN NỞ

Nhờ thực hiện tốt công tác giải tỏa đền bù, bố trí đất tái định cư nên trong hàng nghìn hộ dân giải tỏa, tái định cư có rất ít trường hợp gửi đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp; ít có trường hợp nào phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nguyên nhân của thành công này, công tác dân vận đóng vai trò quan trọng mà trong đó là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trên mặt trận này.

Ban Thường vụ Quận ủy Ngũ Hành Sơn xác định, công tác giải tỏa, đền bù là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương hằng năm. Trong giải tỏa, đền bù, công tác dân vận là yếu tố quyết định trong việc vận động nhân dân bàn giao mặt bằng các dự án đúng tiến độ. Để công tác dân vận hoạt động có hiệu quả, Ban Thường vụ Quận ủy thành lập Ban vận động giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng các dự án trên địa bàn quận do Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Quận ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận làm Phó ban thường trực, Phó Chủ tịch UBND quận làm Phó ban và các ủy viên gồm: Phó ban Dân vận, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy các phường.

Nhiệm vụ của Ban vận động giải tỏa, đền bù, bàn giao mặt bằng các dự án trên địa bàn quận là thường xuyên giám sát, theo dõi, nắm chắc tình hình để tham mưu Thường trực Quận ủy chỉ đạo cụ thể. Đối với các hộ chây ỳ, không chấp hành bàn giao mặt bằng, Chủ tịch UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất, Ban vận động giải tỏa đền bù quận tổng hợp danh sách, xây dựng kế hoạch vận động theo trình tự cụ thể.

Bước 1: Bí thư Đảng ủy phường chỉ đạo Bí thư chi bộ phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các đoàn thể và tổ trưởng tổ dân phố trực tiếp đến từng hộ dân vận động bàn giao mặt bằng. Bước 2: Bí thư Đảng ủy trực tiếp phối hợp với Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch Ủy ban MTTQ và trưởng các đoàn thể phường tiếp tục trực tiếp vận động từng hộ bàn giao mặt bằng. Bước 3: Ban vận động giải tỏa đền bù, bàn giao mặt bằng các dự án trên địa bàn quận huy động các thành viên của ban trực tiếp đến từng hộ dân để vận động bàn giao mặt bằng. Vai trò của bí thư chi bộ khu dân cư rất quan trọng về tạo sự thống nhất và nêu gương của cán bộ, đảng viên về thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong việc thực hiện giải tỏa, đền bù.

Trong quá trình vận động trực tiếp đến từng hộ dân, Ban vận động từ quận đến khu dân cư lắng nghe, tiếp thu đề xuất và nguyện vọng của từng hộ dân. Trên cơ sở kiểm tra, giám sát, xem xét từng trường hợp cụ thể với phương châm thực hiện công bằng, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhân dân, Ban vận động báo cáo Thường trực Quận ủy chỉ đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng quận thống nhất trình UBND thành phố giải quyết; trường hợp các hộ đã được giải quyết thỏa đáng thì ban hành văn bản trả lời cuối cùng để chủ hộ chấp hành bàn giao mặt bằng. Trường hợp đặc biệt, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận trực tiếp vận động thuyết phục đối với từng hộ dân để họ đồng tình, chấp hành bàn giao mặt bằng. Nhờ vậy, số hộ bị cưỡng chế do không chịu bàn giao mặt bằng trên địa bàn quận được hạn chế đến mức thấp nhất, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

NGUYỄN ĐẠI CƯỜNG

;
.
.
.
.
.